Lễ hội

BÀN VỀ VĂN HOÁ LỄ HỘI

​Mùa xuân, mùa thu là hai mùa tập trung các lễ hội, đông đảo nhất là trong ba tháng xuân. Đó là dịp tổng kết một năm sản xuất, kinh doanh, một năm của cuộc đời, để phấn đấu đi những bước tiếp thành đạt hơn, suôn sẻ hơn, may mắn hơn.

Lễ hội mở ra là để ăn mừng sau những ngày tháng lao động vất vả. Theo tâm linh phải nhớ ơn các tiền nhân đã phù trợ cho dân làng, đó là phần lễ theo lệ cổ truyền từ xưa, đồng thời phải có phần hội để giao lưu trong làng ngoài xã và với cả bạn bè bốn phương với tình thân thiện, cởi mở, hoà đồng.

Với tính chất như vậy, chúng ta coi trọng cả hai phần lễ và hội. Về lễ, phải trang trọng, nghiêm túc từ dâng hương, tế lễ, đến các cuộc rước kiệu, rước nước, tắm tượng, biểu dương công lao của các vị thành hoàng làng. Có nhiều bạn trẻ sinh ra ở làng mà không rõ thành hoàng làng mình là ai, công tích thế nào, vì sao được tôn vinh. Thành hoàng có vị là thiên thần theo truyền thuyết, còn số đông là các anh hùng, liệt nữ đã từng dựng cờ chống ngoại xâm, giành lại nền độc lập cho dân tộc hoặc những vị tổ nghề đem lại việc làm cho cộng đồng được ấm no.

Lễ hội là dịp để tuyên truyền, phổ cập, quảng bá lai lịch của các vị, góp phần giáo dục truyền thống cho dân làng cũng như  với bà con về dự lễ hội. Tuy nhiên về phần lễ, có những tục tế rất  dài thời gian, tế nhiều đợt, làm cho các cụ được cử vào vai tế phải mua sắm mũ áo, tập dượt, cho đến lúc chính thức vào hành lễ vừa mệt mỏi, vừa tốn kém. Bản văn chúc thường giữ nguyên âm chữ Hán khiến đông đảo người nghe không hiểu hết nghĩa, có khi còn hiểu sai lạc. Ta nên chuyển ngữ tiếng Việt thông thường cho tất cả cùng nghe, cùng biết. Có trường hợp thanh niên xin hỏi ngay cụ đọc chúc văn nghĩa của câu nào đó, có cụ không trả lời được, làm giảm  ý nghĩa của văn tế. Vấn đề này nên cải tiến.

LEHOI.jpg

Hội Gióng ở đền Phù Đổng

Phần hội cần tạo được không khí vui tươi, chan hoà bằng các trò chơi, trò diễn dân gian. Có khi là tái hiện cuộc chiến chống xâm lược như ở hội Gióng, cuộc đánh thuỷ quái ở Hội Lệ Mật, cuộc chạy cờ ở hội Triều Khúc, rước vua sống ở hội đền Sái…

LEHOI2.jpg

Lễ hội kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ​​

Các trò chơi truyền thống ở mỗi địa phương cần được khôi phục và phát huy. Nào là kéo co, nhảy dây, đá cầu, leo cột, đi cầu bập bênh, đập nồi, đánh đáo, bày cỗ, kéo chữ, thả thơ, thả chim câu… Lại vô vàn các trò diễn dân gian như hát chèo, hát xẩm, ca trù, hát văn, dân ca quan họ, hát dô, hát múa chèo tàu, múa bồng, múa sư tử, múa rồng, múa sênh tiền, múa bài bông…Tổ chức  làm sao để người đến hội không chỉ dự xem mà còn có thể tham gia cùng vui, trổ tài với thiên hạ. Cần hết sức tránh các trò cờ bạc, cò quay hoặc biến tướng khác với mục đích ăn thua bóc lột lẫn nhau.

Trong lễ hội, ai cũng trang phục chỉnh tề, ăn nói hoà nhã, mời chào ân cần, đón tiếp niềm nở thể hiện tính chất thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Lỡ có xảy ra va chạm cũng đừng to tiếng lý sự với nhau. Đôi bên cùng nhẫn nhịn, hoà giải nhẹ nhàng để cuộc vui không bị ảnh hưởng. Các quán hàng lưu niệm, hàng quà, nơi gửi xe cần được quản lý để đảm bảo không lấy giá cao, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Có những thùng để người đi bộ bỏ rác, có nhà vệ sinh sạch sẽ. Có phương án bảo vệ trật tự, phòng cháy, phòng cấp cứu chu đáo. Hạn  chế các quầy viết sớ, bán sớ. Không để các sách bói toán bày bán tự do, các thày đoán thẻ bịp bợm ngồi la đà trước cửa đền, chùa.

Lễ hội thường là của làng nhưng cũng có lễ hội của nhiều làng, của cả vùng, hoặc do Nhà nước tổ chức. Dù lễ hội lớn hay nhỏ cũng đều phải có chương trình, kịch bản, kế hoạch tổ chức cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng.

Làm thế nào để mùa xuân của Hà Nội, lễ hội của bất cứ địa phương nào cũng đều văn minh, lịch sự, không mê tín dị đoan, góp phần xây dựng văn hoá người Hà Nội ngày một tốt đẹp hơn.

Giang Quân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *