Gia đình

Bạo lực gia đình và một số cách nhìn nhận

​Bạo lực gia đình hiện nay không còn là chuyện riêng của mỗi cá nhân, gia đình mà bạo lực gia đình đang là một trong những vấn nạn được cả xã hội quan tâm. Nó không chỉ ảnh hưởng tới từng cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cả cộng đồng và toàn xã hội. Chuyện bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em, người già và thậm chí chính các ông chồng cũng là nạn nhân của bạo lực đang diễn ra khá phổ biến trong xã hội của chúng ta. 

Hiện nay vấn đề BLGĐ đã được Đảng và Nhà nước quan tâm thể hiện bằng việc Luật PCLGĐ ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/7/2008 và hàng loạt các văn bản hướng dẫn thực hiện trong đó có nghị định 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, hầu hết người dân đặc biệt là những người phụ nữ, những nạn nhân của các vụ bạo hành trong gia đình lại chưa thật sự hiểu đúng thế nào là bạo lực gia đình và chưa biết tự bảo vệ quyền lợi của chính bản thân họ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bạo lực gia đình kéo dài, làm cho không ít gia đình "tan đàn xẻ nghé", gây ra những hậu quả nghiệm trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống và cách nhìn nhận của các thành viên trong gia đình. Chịu hậu quả nặng nề nhất từ bạo lực gia đình thường là những đứa trẻ. Khi phải chứng kiến những lần bạo lực gia đình giữa cha và mẹ mình sẽ tạo cho chúng những ký ức bạo lực với người khác và khi trưởng thành các em sẽ có những nhận thức lệch lạc.
Bạo hành gia đình hiện nay không đơn thuần là bạo hành về thể xác. Phổ biến hiện nay có 4 loại bạo lực: bạo lực thân thể, bạo lựa tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Người phụ nữ không chỉ phải chịu những trận đòn roi vô cớ hoặc có chủ đích của người chồng mà còn có thể chịu những hình thức bạo hành tinh thần như chửi bới, lăng mạ, sỉ nhục, hay sử dụng các phương tiện thông tin để xúc phạm danh dự, nhân phẩm; lạm dụng hoặc cưỡng bức tình dục; gây áp lực, kiểm soát kinh tế… Hậu quả của hình thức bạo lực này cũng thật khó lường, làm cho nạn nhân bị ức chế về tinh thần, thậm chí bị trầm cảm kéo dài, tổn hại đến thần kinh và thể xác của họ.
Hiện nay, nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ thường bị bạo hành toàn diện, tức là người phụ nữ vừa bị tổn thương về mặt thể chất, vừa bị tổn thương về mặt tinh thần. Bên cạnh đó đối tượng bị bạo hành còn có trẻ em, người già. Theo số liệu thống kê năm 2011, toàn tỉnh Điện Biên có 478 vụ BLGĐ, trong đó: bạo lực đối với người già 69 vụ chiếm 14,4%; bạo lực đối với phụ nữ 343 vụ chiếm 71,7%; đối với trẻ em 66 vụ chiếm 13,8%. Số liệu này cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành chiếm khá cao. Tuy nhiên đây mới chỉ là những con số thống kê. Trên thực tế, số liệu đó còn có thể lớn hơn nhiều lần vì rất nhiều vụ bạo lực gia đình không được cộng đồng và các cơ quan chức năng biết đến.
Bạo lực gia đình xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân trong đó có sự bất bình đẳng trong phân công công việc, người phụ nữ vừa phải tròn vai công việc xã hội trong khi vẫn phải hoàn thành tốt thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình. Mặt khác, khó khăn về kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân gây bạo lực bởi những áp lực về cơm, áo, gạo, tiền gây ra những căng thẳng, bế tắc đối với các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên phải thừa nhận là thực tế nhiều gia đình có mức thu nhập thấp nhưng gia đình vẫn hòa thuận và ngược lại có những gia đình khá giả nhưng bạo lực vẫn xảy ra. Hay nói đúng hơn bạo lực gia đình có thể xảy đến với bất kỳ gia đình nào dù giàu hay nghèo.
Đến thời điểm này, có lẽ biện pháp tốt nhất để hạn chế các vụ BLGĐ là trang bị cho nạn nhân những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ bản thân như: hiểu thể nào là BLGĐ, quyền và nghĩa vụ của nạn nhân BLGĐ và các tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm tư vấn cho nạn nhân BLGĐ. Đặc biệt phải nâng cao trách nhiệm của mỗi người, bởi từ trước tới nay, mọi người vẫn có quan niệm đó là chuyện riêng của mỗi gia đình, người ngoài không nên can thiệp, thậm chí còn là tâm lý sợ đụng chạm, sợ bị liên luỵ,…
Những người gây ra bạo lực gia đình hay những nạn nhân của bạo lực ngày nay vẫn còn duy trì lối suy nghĩ lạc hậu, thiển cận, an phận và rất khó để thay đổi. Thông thường, người phụ nữ khi bị chồng bạo hành thường cam chịu, chờ đợi sự tỉnh ngộ của chồng, không muốn làm to chuyện sợ "xấu chàng hổ ai". Đặc biệt, rất hiếm khi nạn nhân bạo lực gia đình tố cáo với cơ quan chức năng vì tâm lý xấu hổ hay bởi nhiều lý do khác nhau như sợ bị đánh nhiều hơn, gia đình chồng ghẻ lạnh,… Họ chỉ trông chờ vào sự hồi tỉnh của người chồng, sự giúp đỡ của người thân và những người xung quanh mà rất ít người nhờ đến sự giúp đỡ của xã hội. Còn đối với đa số những ông chồng là người gây ra bạo lực gia đình, họ vẫn giữ tư tưởng gia trưởng, xem nhẹ vai trò và giá trị của người phụ nữ trong gia đình.
Trách nhiệm của xã hội trước vấn nạn bạo lực gia đình là phải hành động tích cực, coi bạo hành gia đình là vấn đề chung của cả cộng đồng, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, đem đến cho những phụ nữ bị bạo hành thông điệp: "Phòng chống bạo lực giới, họ không đơn độc" để tạo dựng niềm tin cho họ.
Có thể nói, để trong mỗi chúng ta và thế hệ con cháu chúng ta ai cũng có ý thức cộng đồng, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân trong gia đình, đặc biệt là những người đàn ông, xóa bỏ lối suy nghĩ lạc hậu, định kiến xã hội và hãy nêu cao khẩu hiệu "nói không với bạo lực gia đình"..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *