Tin ngành

Bảo tàng Hà Nội tăng cường hoạt động giáo dục qua thực tiễn cho các em học sinh

Ngày 24/3, Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông) tổ chức chương trình giao lưu nhân kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Hoạt động này là sự tiếp nối các chương trình giáo dục mà Bảo tàng Hà Nội đã thực hiện trong thời gian qua nhằm tạo các sân chơi bổ ích cho các em học sinh khi đến tham quan Bảo tàng Hà Nội.

Các em được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Thủ đô thông qua các tài liệu hiện vật

Đến tham quan Bảo tàng Hà Nội – nơi lưu giữ và truyền tải những thông điệp về Thủ đô ngàn năm văn hiến, các em được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Thủ đô thông qua các tài liệu hiện vật, tạo sự hứng khởi với cơ hội cảm nhận và trải nghiệm niềm vui học tập khi tham gia các hoạt động tại bảo tàng. Đây cũng là cơ hội cho học sinh mọi lứa tuổi trau dồi kiến thức về di sản văn hóa dân tộc mà tất cả chúng ta đang cỗ gắng giữ gìn và phát huy.

Sau khi tham quan nội dung trưng bày, các em được tham gia các trò chơi dân gian như: bịt mắt đập niêu, kéo co, bắt trạch trong chum, nhảy bao bố. Đặc biệt, các em được tham gia hoạt động thi nấu cơm và Rung chuông vàng.

Hoạt động thi nấu cơm

Thi nấu cơm là trò chơi dân gian cổ truyền của cư dân trồng lúa nước. Đó không chỉ là một trò chơi giải trí đơn thuần mà là một trò diễn thể hiện lòng quý trọng lúa gạo, quý trọng mồ hôi, công sức của con người một nắng hai sương làm ra hạt gạo. Đồng thời trau dồi, truyền thụ những thao tác chế biến một sản phẩm nông nghiệp quan trọng bậc nhất do chính con người làm ra. Để nấu được một nồi cơm ngon không hề đơn giản. Người chơi phải biết ước lượng lượng nước cho vào để không bị quá khô hay quá nhão, khi nào đun lửa to khi nào đun lửa nhỏ. Do đó trò chơi Thi nấu cơm giáo dục người chơi tính khéo léo, kiên trì, nhẫn nại… tăng cường kỹ năng sống cho các em học sinh.

Với sự tham gia của 50 học sinh đến từ các khối lớp, cuộc thi Rung chuông vàng đã diễn ra thành công. Mục đích của cuộc thi là nhằm đẩy mạnh có hiệu quả phong trào thi đua học tập tốt, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh. Đặc biệt là tạo cơ hội cho học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ và sự sáng tạo, rèn luyện kỹ năng tư duy logic và xử lý tình huống, giúp các em giao lưu và học hỏi thêm kiến thức một cách toàn diện.

Các em học sinh tham gia cuộc thi Rung chuông vàng được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội

Trải qua các câu hỏi bổ ích, lý thú xoay quanh chủ đề lịch sử, văn hóa Thủ đô, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của Hà Nội, các danh nhân… Đặc biệt là về quá trình hình thành và phát triển của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với những câu hỏi về lịch sử của Đoàn như: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã qua bao nhiêu lần đổi tên; về những bí thư của Đoàn thanh niên qua các thời kỳ; Các phong trào tiêu biểu của đoàn thanh niên… một lần nữa khơi gợi lại niềm tự hào về truyền thống anh hùng của thanh niên, hướng các em phấn đấu để được là đoàn viên tương lai.

Chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động trải nghiệm của các em học sinh ngày hôm nay, bà Lê Minh Nguyệt, hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông) cho biết “Đây là buổi trải nghiệm đầu tiên có ý nghĩa sâu sắc của học sinh trường chúng tôi tại Bảo tàng Hà Nội. Đến với Bảo tàng, các con được tham quan, được nghe thuyết minh về các hiện vật. Qua đó, các con có thể hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc mình, về truyền thống văn hóa của cha ông mình. Tham gia các hoạt động trải nghiệm, các em được chơi các trò chơi dân gian như thi nấu cơm, bắt chạch trong chum, kéo co. Các trò chơi này có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tình cảm của học sinh”.

Bà Lê Minh Nguyệt, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông – Hà Nội)

Các em học sinh tham gia các trò chơi trải nghiệm rất sôi nổi. Từ trò chơi kéo co, bắt chạch trong chum hay đập niêu tới trò thi nấu cơm hay rung chuông vàng. Em Nguyễn ThịThu Oanh, học sinh lớp 6A3 hào hứng kể “Em rất thích đến Bảo tàng Hà Nội. Em thích nhất là trò chơi bịt mắt đập niêu. Em rất mong sẽ được trở lại bảo tàng, được tham gia các hoạt động trải nghiệm như ngày hôm nay. Đây là một hoạt động rất bổ ích đối với chúng em”.

Em Nguyễn Thị Thu Oanh, học sinh lớp 6A3, Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông- Hà Nội)

Một số hoạt động bổ ích khác của các em học sinh tại Bảo tàng Hà Nội:

Chơi kéo co
Bịt mắt đập niêu
Bắt chạch trong chum

TN

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *