Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá được khai trương chính thức ngày 15/5 tại làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) nhân kỷ niệm 125 năm Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá (1892 – 2017). Bảo tàng do cộng đồng làng đầu tư xây dựng. Đây là nơi tổ chức trưng bày, giới […]
Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá được khai trương chính thức ngày 15/5 tại làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) nhân kỷ niệm 125 năm Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá (1892 – 2017). Bảo tàng do cộng đồng làng đầu tư xây dựng. Đây là nơi tổ chức trưng bày, giới thiệu về truyền thống của làng nghề nhiếp ảnh. Theo đó, Bảo tàng được xây dựng ở giữa làng, cạnh đình Đụn.
Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá đặt dấu ấn từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, là nơi ra đời sớm nhất bộ môn nhiếp ảnh của lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 1892, cụ Nguyễn Đình Khánh (sinh năm Giáp Tuất 1874) người thôn Lai xá đã mở hiệu ảnh chân dung đầu tiên lấy tên là Khánh Ký ở phố Hàng Da (Hà Nội). Từ hiệu ảnh này đã hình thành thêm 150 hiệu ảnh ở khắp đất nước với khoảng hơn 2000 thợ ảnh, tập trung nhất là Hà Nội có 34 hiệu, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam có 35 hiệu…
Hiện nay, hơn 80% gia đình người Lai Xá có người làm nghề ảnh. Trong nhiều năm qua, thợ ảnh Lai Xá đã được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh, nghệ nhân nhiếp ảnh. Ngày nay, Lai Xá được Nhà nước công nhận là Làng nghề nhiếp ảnh truyền thống duy nhất ở Việt Nam và cụ Khánh Ký được suy tôn là ông Tổ nghề của làng.
Lễ khánh thành Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá được tổ chức nhân kỷ niệm 125 năm Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá (1892 – 2017)
Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá hiện là nơi trưng bày khoảng 150 bức ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt và gần 15 tủ kính với khoảng 150 hiện vật. Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá được coi là bảo tàng làng nghề nhiếp ảnh đầu tiên của Việt Nam. Những người chịu trách nhiệm nội dung và trưng bày có PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học và bà Veronique Dollfus, chuyên gia tư vấn thiết kế bảo tàng người Pháp. Là người con của làng Lai Xá, ông Huy cũng đã dựng bảo tàng về cha mình là nhà văn hóa Nguyễn Văn Huyên.
Cắt băng khánh thành Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá
Theo thiết kế, tầng 1 của Bảo tàng là nơi tiếp khách và giới thiệu chung về làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá. Không gian trưng bày chính của Bảo tàng được thể hiện trên tầng 2 với nhiều chủ đề riêng. Không gian đầu tiên là Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá, giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh với dấu mốc đặc biệt mở hiệu ảnh có tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội. Không gian thứ hai như một câu chuyện kể về các hiệu ảnh Lai Xá khi xưa: Phúc Lai, Central photo, Luminor photo, Minh Tân, Tân Lai, Hợp tác xã ảnh Nắng Xuân… Ngay cạnh đó là một phòng tái hiện không gian in phóng ảnh thời xưa và một khu trưng bày với những phong cách ảnh đa dạng mang nét đặc trưng của người Lai Xá… Tầng 3 của Bảo tàng dự kiến làm nơi thờ những người có công hiến đất để ngày nay xây Bảo tàng và những người có công đóng góp cho làng nhiếp ảnh nơi đây. Tuy nhiên, trong giai đoạn khai trương, Bảo tàng hiện mới có 2 tầng với tổng diện tích trưng bày gần 300 m2.
Các đại biểu thăm quan Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá
Phát huy truyền thống của quê hương, nhân dân làng Lai Xá mong muốn Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cùng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và những thế mạnh về di sản văn hoá truyền thống của làng sẽ góp phần đưa Lai Xá sớm trở thành một điểm thăm quan du lịch – làng nghề mới của thành phố Hà Nội.
Hoài Văn