Văn hóa cơ sở

Bảo tồn nghệ thuật múa rối nước ở huyện Thạch Thất

Múa rối nước (hay còn gọi là trò rối nước) – một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian lâu đời của cư dân nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng. Loại hình này thường diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Do tính đặc sắc, múa rối nước đã trở thành bộ môn nghệ thuật truyền thống, một sáng tạo đặc biệt của người Việt.

Hà Nội có 5 phường rối thì riêng huyện Thạch Thất có tới 3 phường: Rối nước làng Ra (xã Bình Phú), rối nước làng Yên (xã Thạch Xá) và rối nước Chàng Sơn (xã Chàng Sơn). Rối  nước làng Ra do pháp sư Từ Đạo Hạnh truyền dạy cho dân làng từ thế kỷ XI. Sau khi pháp sư Từ Đạo Hạnh về ngự tại chùa Thầy (xã Sài Sơn – huyện Quốc Oai), cùng với việc đi truyền giáo cho các làng xung quanh, pháp sư đã dạy dân làng Ra múa rối nước. Để ghi nhớ công ơn pháp sư, hàng năm vào dịp lễ hội chùa Thầy (mùng 7 tháng 3 âm lịch), phường rối nước làng Ra thường sang biểu diễn tại thủy đình trước cửa chùa Thày. Rối nước làng Ra không bắt đầu bằng hình ảnh chú Tễu mà sử dụng ông tướng Loa (mô phỏng vị tướng Đào Khang – Thành hoàng của làng) ra giới thiệu chương trình cho từng buổi diễn. Các con rối của làng Ra có khuôn mặt tựa mặt Phật. Đây là nét đặc trưng riêng của nghệ thuật rối nước làng Ra. Các tích trò rối nước của làng Ra luôn độc đáo, đòi hỏi kỹ thuật biểu diễn cao, nội dung các trò kết hợp hài hòa giữa vốn văn hóa cổ truyền với hiện đại. Nhiều tiết mục rối nước cổ tiêu biểu, đặc sắc thường xuyên được biểu diễn như: “Vinh quy bái tổ”, “Mời trầu”, “Leo cột cắm cờ”, “Rước kiệu rời tượng”, “Múa rồng”…Phường rối làng Ra đã từng đi biểu diễn và tham gia nhiều sự kiện quan trọng trong nước, được mời biểu diễn tại Italia, Đài Loan, tham dự triển lãm múa rối nước ở Áo, Singapore, Trung Quốc…

Các nghệ nhân say mê gìn giữ rối nước làng Ra.

Làng Chàng Sơn, xã Chàng Sơn cũng nổi tiếng với nghề mộc và múa rối nước. Nghề mộc là sinh kế, còn múa rối là đam mê của mỗi cá nhân và trách nhiệm với làng quê. Theo những người thợ làm rối lâu năm của làng Chàng Sơn, tạo hình nhân vật rối phải được kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc dân gian và nghệ thuật điêu khắc cung đình. Các quân rối khi làm ra đều mang tính ước lệ tượng trưng, sáng tạo không theo một khuôn mẫu nhất định. Nhờ sự tâm huyết và bàn tay khéo léo, điêu luyện của các nghệ nhân, những con rối vô tri bỗng trở thành nhân vật có tính cách, tâm hồn, truyền tải những câu chuyện đời thường xưa nay. Rối Chàng Sơn sử dụng dây để điều khiển, nhờ thế có thể đi xa buồng trò đến chào khán giả. Ðây là lý do mà khán giả rất thích thú khi xem rối nước Chàng Sơn. Ngoài biểu diễn trong các dịp lễ hội, phường rối Chàng Sơn còn biểu diễn ở nhiều nơi trên địa bàn huyện Thạch Thất, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tham gia Festival Huế…

Rối nước Chàng Sơn biểu diễn tại Bào tàng Dân tộc học Việt Nam.

Ở làng Yên, xã Thạch Xá, nghệ thuật múa rối nước xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước. Vào những năm 40 của thế kỷ XX, phường rối làng Yên thường diễn tại hội làng và nhiều nơi khác, có lần được mời vào Hoàng cung Huế diễn cho vua Bảo Đại xem. Sau này, do chiến tranh và những khó khăn của thời kỳ bao cấp, phường rối ngừng hoạt động. Năm 1980, phường rối làng Yên chính thức được phục hồi. Trải qua nhiều vất vả, phường rối vẫn cố gắng duy trì hoạt động, giữ gìn nguyên vẹn các tích trò cổ phản ánh nét sinh hoạt văn hóa của làng quê. Hàng năm, du khách về chùa Tây Phương trẩy hội đều được thưởng thức màn múa rối nước của phường rối làng Yên.

Nghệ thuật múa rối nước sống động đến vậy, nhưng khi những tràng pháo tay, những tiếng reo hò thích thú kết thúc, cũng là lúc các phường rối trở về với thực tế đầy khó khăn. Hiện nay, con rối của các phường rối nước Thạch Thất đều đã cũ kỹ, bong tróc nhưng thiếu kinh phí đầu tư thay mới, thiếu thế hệ kế cận. Theo những nghệ nhân múa rối nước, chi phí trung bình để làm ra một con rối là hai triệu đồng, chưa tính đến những con rối kích thước lớn hơn, có các chi tiết cầu kỳ hơn. Vì thế, đầu tư thay mới một bộ con rối thực sự là quá sức với các phường rối. Đa số nghệ nhân mưu sinh bằng các nghề khác nhau như làm nông nghiệp, làm mộc, thợ nề…nên khi có dịp biểu diễn mới tập hợp nhau lại. Tập luyện rất vất vả. song thù lao nhận được lại rất ít ỏi, điều này khiến lớp trẻ không mặn mà nối nghề của cha ông.

Để gìn giữ múa rối nước không chỉ đòi hỏi sự say mê, tâm huyết với nghề mà còn cần có cơ chế khuyến khích, thu hút giới trẻ mong họ chung tay bảo vệ bộ môn nghệ thuật truyền thống. Giai đoạn 2015-2020, huyện Thạch Thất đã triển khai dự án khôi phục nghệ thuật múa rối nước ở các xã Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá; phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn múa rối nước cho các học viên; cử các phường rối tham gia Liên hoan nghệ thuật múa rối nước do thành phố tổ chức giúp các nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu; đẩy mạnh quảng bá nghệ thuật múa rối nước trong các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề. Cùng với đó, các phường rối cũng rất cần sự quan tâm đầu tư bài bản, có chiều sâu của thành phố đối với bộ môn đặc sắc này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của múa rối nước, mong muốn múa rối nước trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Thạch Thất, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Mai Phương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *