Chưa được phân loại

Bảo tồn những giá trị đặc trưng

Phố cổ Hà Nội là khu vực chứa đựng những giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc không chỉ với Thủ đô mà còn đối với cả nước. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của một đô thị hiện đại, hạ tầng Khu phố cổ Hà Nội đang đối mặt […]

Phố cổ Hà Nội là khu vực chứa đựng những giá trị rất lớn về văn hóa, lịch sử, kiến trúc không chỉ với Thủ đô mà còn đối với cả nước. Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển của một đô thị hiện đại, hạ tầng Khu phố cổ Hà Nội đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Hà Nội Ngày nay ghi lại ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý, người dân về vấn đề này.

Nhiều gia đình đông người, gồm nhiều thế hệ vẫn phải sống chung trong những ngôi nhà cũ nát, chật chội, không bảo đảm diện tích ở tối thiểu cho mỗi người dân.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội:
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn

 

 

Khu phố cổ là khu vực mang tính chất di sản đặc thù, một dấu ấn của Thăng Long – Hà Nội, tiêu biểu cho sự chuyển hóa từ mô hình đô thị thời phong kiến sang mô hình đô thị hiện đại. Trải qua quá trình phát triển, đời sống ngày càng hiện đại, phương tiện giao thông ngày càng đa dạng, dân số tăng nhanh… nhưng hạ tầng lại không thay đổi nhiều là những áp lực rất lớn. Thêm vào đó, không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa, khu phố cổ còn là một khu du lịch, dịch vụ, thương mại khá sầm uất, đồng nghĩa với việc đối tượng tiếp cận với khu phố cổ khá đông, gây áp lực lên hệ thống giao thông “ô bàn cờ” cũ, mặt cắt đường nhỏ chỉ đáp ứng được nhu cầu đi bộ hoặc các phương tiện thô sơ… Thêm một bất cập nữa là, trong khu phố cổ lại thiếu các điểm đỗ xe.

Khoảng 20 năm qua đã có nhiều dự án quy hoạch của thành phố đặt ra các điểm đỗ xe cho khu phố cổ như điểm đỗ xe khu vực gầm cầu Chương Dương – Chợ Gạo, vườn hoa Hàng Đậu hoặc vài điểm đỗ xe ngầm khu vực Hàng Bông… nhưng vẫn chưa thực hiện thành công. Về phía hạ tầng kỹ thuật, hệ thống điện, cấp thoát nước và đặc biệt là hệ thống cống ngầm chủ yếu xây dựng từ thời Pháp, khó đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại.

Trước những áp lực đến từ cuộc sống hiện đại, theo tôi, giải pháp nên bắt đầu từ đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng, đường giao thông. Đường giao thông trong khu phố cổ hiện không chỉnh sửa mặt cắt được vì nó liên quan đến giải phóng mặt bằng, nên chúng ta cần chú trọng hoàn thiện các điểm tập kết xe và quản lý phương tiện giao thông ra, vào. Về hệ thống giao thông, chúng ta phải tạo điều kiện, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng. Đặc biệt, 25 năm qua, việc giãn dân vẫn được coi là phương án mấu chốt để giảm tải hạ tầng cho khu phố cổ nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa làm triệt để. Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giảm tải hạ tầng khu phố cổ.

PGS.TS Nguyễn Vũ Phương, nguyên Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội:
Bảo tồn di sản văn hóa đô thị là cần thiết

 

 

Khu phố cổ Hà Nội, còn gọi là khu “36 phố phường”, được hình thành từ thời Lý – Trần, nằm ở phía đông của Hoàng thành Thăng Long. Dân từ các nơi tụ tập về đây sinh sống, buôn bán tạo thành khu phố đông đúc. Vào khoảng thế kỷ XVI đã có một số Hoa kiều buôn bán ở đây, hình thành thêm các phố người Hoa. Ban đầu nó là một khu vực thương mại, có vị trí cạnh bờ sông Hồng, thuận tiện về mặt giao thông để phát triển các hoạt động thương mại. Nơi đây tập hợp những thợ thủ công đến từ khắp nơi, hình thành nên các phường hội vừa làm nghề, vừa buôn bán sản xuất phục vụ nhu cầu người dân kinh thành Thăng Long. Họ đến, mang theo phương thức sản xuất, lối sống, lề lối văn hóa, ẩm thực. Chính vì vậy, khu phố cổ tập trung rất nhiều công trình văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng như đình, đền, chùa… kết hợp với nhà ở tạo nên diện mạo đặc trưng, đặc biệt là về hình thái và phong cách kiến trúc.

Cuộc sống người dân trong khu phố cổ gắn liền với hoạt động buôn bán, sản xuất thủ công truyền thống nên đã hình thành kiến trúc nhà ở – dạng nhà ống đặc trưng, bên ngoài là cửa hàng phục vụ buôn bán, các lớp trong là nơi ở và sản xuất. Thời Pháp thuộc, khu phố cổ được chỉnh trang, mở rộng, người Ấn Độ, người Pháp cũng đến đây buôn bán, tạo nên sự đa dạng về văn hóa và dân cư. Kiến trúc khu phố cổ lúc này có sự giao thoa với kiến trúc phương Tây, hình thành nhiều phong cách kiến trúc hiện đại, đa dạng trong một sự thống nhất, vì thế người ta vẫn nhận thấy sự khác biệt của kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội so với những khu vực khác.

Qua thăng trầm lịch sử, phố cổ Hà Nội xưa và nay vẫn là khu buôn bán nhộn nhịp nhất của Hà Nội, tuy nhiên hạ tầng đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu từ cuộc sống hiện đại. Một trong những nguyên nhân là khu phố cổ có mật độ dân cư rất cao, lại nằm ở trung tâm thành phố, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, hấp dẫn khách du lịch và người dân các nơi khi thăm Hà Nội. Bên cạnh đó, các hoạt động buôn bán tại khu vực này rất sôi nổi. Sức hút của khu phố cổ rất lớn, cộng với hoạt động sinh hoạt phong phú của người dân gây nên việc quá tải hạ tầng đô thị.

Bảo tồn di sản văn hóa đô thị khu phố cổ là cần thiết, theo nguyên tắc bảo tồn kết hợp phát huy giá trị văn hóa cũng như giá trị đặc trưng về hình thái không gian kiến trúc khu phố cổ, kiểm soát mật độ xây dựng và chiều cao các công trình xây dựng mới. Bên cạnh đó là việc cải tạo hạ tầng đô thị, công tác giãn dân nhằm giảm tải về hạ tầng, cải tạo môi trường và nâng cao điều kiện sống của người dân. Thêm vào đó, cần kiểm soát tốt các hoạt động thương mại, tập trung nhiều hơn vào các hoạt động thương mại truyền thống.

Nhìn vào thực tế, có thể thấy chúng ta chưa làm tốt việc này, đặc biệt là chưa quyết liệt trong việc kiểm soát vấn đề xây dựng tại khu phố cổ. Bên cạnh đó, chúng ta cần hoàn thiện, cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị như đường sá, bãi đỗ xe công cộng… Nếu có các biện pháp tổng thể và đồng bộ, chúng ta mới hy vọng giảm tải cho khu phố cổ và gìn giữ được nét văn hóa, kiến trúc lâu đời nơi đây.

Chị Lương Ngọc Dung (phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội):
Mong có chính sách cải tạo nhà ở hợp lý

 

 

Đa phần những ngôi nhà tại khu phố cổ đều được xây dựng từ trước năm 1954 và những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Những ngôi nhà này đều có chung đặc điểm là nền móng khá thô sơ, chỉ đáp ứng được cho ngôi nhà từ 1 đến 2 tầng. Trải qua thời gian, nền móng của những ngôi nhà này đều đã xuống cấp, lại chịu thêm áp lực rất lớn khi chủ nhà cải tạo, cơi nới, chồng thêm 1 – 2 tầng nữa. Ngôi nhà 2 tầng ở số 56 phố Hàng Bông bị sập vào năm 2019 cũng là do móng nhà yếu, nhà cũ nát mà người thuê ngôi nhà này làm cửa hàng đã sửa chữa, gia cố lại biển quảng cáo quá nặng.

Gia đình tôi nhiều thế hệ cùng chung sống trong căn nhà vẻn vẹn 10m2, “các phòng” được ngăn cách bằng rèm. Diện tích nhà chỉ có vậy mà số người lại tăng, nên mong muốn cải tạo là điều dễ hiểu. Bởi thế, tôi mong muốn thành phố có chính sách cải tạo hợp lý để giúp người dân ổn định cuộc sống.

Theo Báo Hà nộimới

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/825457/bao-ton-nhung-gia-tri-dac-trung

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *