Làng cổ Đường Lâm có ưu thế là quần thể di tích có mật độ dày đặc với 50 di tích có giá trị, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp thành phố. Ngoài ra, ở Đường Lâm còn lưu giữ gần 1.000 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn…
Được xác định là điểm đến hấp dẫn của vị trí phía Tây Hà Nội, di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây luôn là địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu. Cùng với các di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu có giá trị của thị xã Sơn Tây như: Thành cổ Sơn Tây, Đông cung (Đền Và), Khu làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Làng cổ Đường Lâm đang tạo thành 1 tour du lịch trọng điểm tiêu biểu, tạo điều kiện cho sự bứt phá của ngành du lịch Thủ đô, từng bước nâng cao mức thu nhập cho cộng đồng dân cư hiện đang sinh sống ở trong và ngoài di tích.
Theo báo cáo của UBND thị xã Sơn Tây về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, từ khi được công nhận là di tích cấp quốc gia đến nay, thị xã Sơn Tây đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tu bổ tôn tạo các di tích trên địa bàn với tổng kinh phí 369 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác phát huy giá trị di tích được chú trọng, các tour tham quan làng cổ, mô hình du lịch Homestay; phối hợp tập huấn kỹ năng cho hướng dẫn viên tại địa phương được từng bước thực hiện…
Làng cổ Đường Lâm có ưu thế là quần thể di tích có mật độ dày đặc với 50 di tích có giá trị, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp thành phố. Ngoài ra, ở Đường Lâm còn lưu giữ gần 1.000 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn…, tạo ra nhiều tiềm năng phát triển du lịch cho địa phương. Đến nay, đã có trên 100 hộ dân tại khu vực 5 thôn ở khu vực di tích làm dịch vụ du lịch cũng như tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Trong 10 năm, làng cổ Đường Lâm đã đón trên 80 vạn lượt khách tham quan, thu gần 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do đặc thù là một “di tích sống”, có diện tích khoanh vùng rộng, đông dân (5 thôn trong khu vực di tích làng cổ có gần 1.500 hộ dân với khoảng 6.000 nhân khẩu đang sinh sống), công tác bảo tồn di tích ở khu vực bảo vệ I rất khó khăn, nhất là trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng, nhằm giải quyết thỏa đáng vấn đề giữa bảo tồn và phát triển.
Tôn tạo nhà cổ ở Đường Lâm
Thực tế, theo thời gian, nhiều ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng không thể ở được. Nhiều nhà dân đã phải kêu cứu trong khi chờ đợi chính sách bảo tồn hợp lý cho di tích. Trong khi đó, công tác bảo tồn, quản lý di tích làng cổ còn thiếu sót, chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển di tích; còn có tình trạng các hộ dân xây dựng nhà ở, công trình sinh hoạt không phép trong khu vực I và II.
Một ngõ cổ trong làng
Sau 12 năm được công nhận di tích cấp quốc gia, đa số người dân vẫn chưa được hưởng lợi từ việc phát huy giá trị di tích (số hộ dân được hưởng lợi từ dịch vụ du lịch chỉ ở mức hơn 10%); việc kết nối các tour tuyến chưa đồng bộ; kinh phí hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện giãn dân còn khó khăn…
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sơn Tây đã đề ra giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc tập trung thúc đẩy tiến độ hoàn thiện Quy hoạch điều chỉnh khoanh vùng di tích làng cổ theo hướng thu hẹp trình Bộ VH-TT&DL vào tháng 8-2018. Ngoài ra, địa phương tăng cường tuyên truyền vận động, thực hiện tốt quản lý trật tự xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giãn dân; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân.
Hoàng Lân