Di sản – Bảo tồn

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của lễ hội Chử Đồng Tử  – Tiên Dung

Lễ hội truyền thống xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội (hay còn gọi là lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung) diễn ra ngày 1 – 4 âm lịch hằng năm. Đặc trưng nổi bật của lễ hội nơi dây là Lễ rước nước nhằm tái hiện huyền tích tình yêu “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung”, vừa là nghi thức tín ngưỡng vừa thể hiện khát vọng của người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

z4331222193529_9db2260fd238230cba01c93f064e691f.jpg
Lễ rước Tam vị thánh tiên tại lễ hội truyền thống Chủ Đồng Tử – Tiên Dung

Chủ tịch UBND xã Tự Nhiên Nguyễn Xuân Phiến cho biết, năm nay lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung xã Tự Nhiên sẽ tổ chức long trọng trong 03 ngày, từ 18-20/5 (tức từ ngày 29/3-2/4 âm lịch). Sau 3 năm tạm dừng tổ chức vì dịch COVID-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tự Nhiên đã sẵn sàng cho ngày hội lớn của địa phương. Để đảm bảo lễ hội diễn ra trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm; vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tín ngưỡng, chống các hoạt động mê tín, dị đoan; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội; đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19…, UBND xã đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 6/4/2023 về việc chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống xã Tự nhiên năm 2023; thành lập Ban tổ chức, Ban chỉ đạo và 10 tiểu ban liên quan trực tiếp điều hành, thực hiện các hoạt động tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phân luồng giao thông, phòng chống cháy nổ; các hàng quán, dịch vụ trò chơi xung quanh các khu vực diễn ra lễ hội cũng được Ban tổ chức đặc biệt lưu tâm.

z4332358243275_15727489d97f6022f01a50887309bc13.jpg
Nhân dân sáng đèn mỗi tối, hăng say luyện tập chuẩn bị lễ hội 
z4332358264981_ff3498856355a0388be47f1e82b0dd9d.jpg
Ban tổ chức đang khẩn trương chuẩn bị các công việc liên quan đến lễ hội

“Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung xã Tự Nhiên là lễ hội đặc sắc, mang đậm giá trị văn hoá truyền thống lâu đời của người Việt nói chung và nhân dân vùng ven sông Hồng, trong đó có xã Tự Nhiên nói riêng. Để tổ chức lễ hội này, Ban tổ chức phải huy động lực lượng đông đảo nhân dân với số lượng gần 600 người tham gia cùng với thời gian chuẩn bị, tập luyện kéo dài cả tháng”, ông Nguyễn Xuân Phiến nhấn mạnh.

Truyền thuyết kể về huyền thoại tình yêu giữa Chử Đồng Tử – Tiên Dung kỳ lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Một nàng công chúa lá ngọc cành vàng (công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng Vương thứ 18), nhan sắc tuyệt trần, nhưng lại không có ý định lấy chồng, đã bất chấp mọi lễ giáo phong kiến, ngôi vị thứ bậc trong xã hội để yêu, kết mối lương duyên trời se với người con trai nghèo đến không có quần áo che thân, mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng lại rất mực hiếu thảo tên là Chử Đồng Tử. Họ mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hoá trên sông. Nơi ấy trở thành nơi đô hội, thuyền bè buôn bán tấp nập.

z4331227003622_a076ff357de820e5b0f10afe6762f96c.jpg
Một cảnh diễn trong tích huyền thoại tình yêu “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” và du thuyền trên sông tại lễ hội

Cảm mến tình cảm vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung, tiên ông đã truyền phép thần cho Chử Đồng Tử. Họ cùng nhau đi khắp vùng Khoái Châu (Hưng Yên) dùng chiếc gậy thần để cứu sống những người chết do bị nạn dịch, đói khổ… Trên đường cứu nhân độ thế, Tiên Dung tình cờ gặp nàng Tây Sa (Hồng Vân) vốn là công chúa Tây cung giáng trần, bèn kết nghĩa chị em, rồi se duyên cho Chử Đồng Tử, cùng nhau giúp đời. Nàng Tây Sa rất giỏi bùa chú dùng chiếc gậy thần và cái nón tiên xây dựng cung điện bằng châu ngọc và kho tàng đầy đủ của cải, màn gấm chiếu hoa. Đi đến đâu, họ cũng dang rộng vòng tay để cứu giúp người khó, người khổ, chỉ đường dẫn lối cho họ sống tốt hơn.

z4332405210090_79499a870115b82da258208e77319950.jpg
Chiếc gậy thần và nón tiên theo truyền thuyết được nhân dân lưu giữ cẩn thận trong đình làng

Khi nhà vua lâm bệnh nặng, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã bí mật cho nàng Tây Sa về chữa bệnh cho vua cha. Được thuốc tiên, nhà vua khỏi bệnh liền phong cho nàng Tây Sa là “Công chúa của nước phật”.

Có kẻ nịnh thần về kinh đô tâu với Vua Hùng rằng: Vợ chồng công chúa Tiên Dung dùng phép lạ dựng thành quách, muốn lập riêng bờ cõi. Ngỡ con làm phản, Vua Hùng sai quan quân đến dẹp. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cưỡng lại mệnh cha, chờ chịu tội. Nửa đêm hôm ấy một trận cuồng phong nổi lên, cả lâu đài thành quách của vợ chồng Chử Đồng Tử cùng bay lên trời, để lại một đầm nước rộng mênh mông. Người đời sau gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ (đầm một đêm). Nơi Chử Đồng Tử vùi thân giấu mình nay thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội hiện có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là: đình Hạ – đình Thượng và khu Giá ngự. Đây chính là quần thể di tích thờ Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và Hồng Vân công chúa.

z4332358250348_28281bc10b37120af5509a7bfff19678.jpg
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: đình Hạ – đình Thượng và khu Giá ngự xã Tự nhiên

Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung xã Tự Nhiên bao gồm các mục rước nước và rước kiệu như: cờ bát bửu, hương án, kiệu, quân đèn, long đình… Rước nước là một nghi lễ đi thuyền ra giữa sông Hồng, múc nước vào cái chum rồi đem về lễ thánh. Những người cao tuổi trong xã nói việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc, nhằm tưởng nhớ về thánh Chử Đồng Tử với nghề đánh cá xuôi ngược trên sông.

Rước kiệu được cử hành long trọng đúng với nghi lễ cổ truyền, một nghi lễ trọng thể đầy đủ các tự khí với trống chiêng rộn ràng, cờ quạt tàn, tán phấp phới, tàn lọng và những bản nhạc của phường bát âm.

z4331225734791_589c1c3f795fabbfcfb806e6d0ef1329.jpg
Lễ rước kiệu từ Đình làng đến khu Giá ngự ra bãi tắm nàng tiên trong lễ hội

Vào ngày chính hội, nhân dân nô nức rước ngay từ Đình làng qua các cụm dân cư số 2, số 1 đến khu Giá ngự ra bãi tắm nàng tiên. Tại đây, đám rước sẽ lấy nước cọ kiệu và diễn lại tích huyền thoại tình yêu “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” và du thuyền trên sông. Tiếp đến là màn rước đức thành Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân cùng các cùng các nghi thức của lễ hội về khu Giá ngự. Sau cùng là màn rước Tam vị thánh tiên cùng các nghi thức của lễ hội về đình.

Theo cụ Nguyễn Văn Đính, Trưởng ban Khánh tiết Đình hạ – Đình thượng xã Tự Nhiên chia sẻ, đình làng Tự Nhiên là nơi thờ phụng Đức thánh Chử Đồng Tử (một trong “Tứ bất tử”, công chúa Tiên Dung, công chúa Hồng Vân và tướng Đào Thành của Nhị vua Hai Bà Trưng. Đình làng xây năm 1702 đã được xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 1988. Tương truyền khi rước Tam vị thánh tiên, rước ra thì bà Hồng Vân (công chúa Tây Sa) đi trước (để dẹp đường), còn rước về cũng bà Hồng Vân đi trước (dọn giường, chiếu, xem chỗ ăn, chỗ ở, đảm bảo an toàn cho ông và bà Tiên Dung).

z4331227603309_0095e31e35deb55f1cade872b79fb8e7.jpg
Múa rồng trong lễ hội

Trong khuôn khổ những ngày diễn ra lễ hội năm nay, Ban tổ chức sẽ trưng bày các nghi thức và trồng kiệu, tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ truyền thống, múa rồng, múa bồng, múa sênh tiền … tại khu Giá ngự và sân đình để nhân dân cùng du khách thập phương về dự lễ hội được trở về với không gian văn hoá lâu đời, bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng ven sông Hồng từ hàng ngàn năm về trước, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy và khai thác giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, kinh tế – xã hội tại địa phương./.

Theo truyền thuyết kể lại, Chử Đồng Tử quê ở làng Chử Xá (nay thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Một ngày, bà Bùi Thị Gia mơ thấy một tiên ông, đến ban cho một đồng tử (trẻ con), rồi cảm nhận thấy mình đã có thai. Đến mùa thu, bà sinh ra được một người con trai, dựa theo đó đặt tên là Đồng Tử. Chàng trai nghèo họ Chử là kết quả cuộc nhân duyên ba kiếp hương lửa mặn mà và trái tim rộng lượng khoan dung nhân hậu, tu nhân tích đức giữa hai vợ chồng ông Chử Toại Vân và bà Bùi Thị Gia.

Chử Đồng Tử có tư chất thông minh, bản tính thành kính, hiếu thảo. Đến năm 13 tuổi bất hạnh vì mẹ bị bệnh và mất sớm, lại gặp phải cảnh cháy nhà, tài vật trong nhà đều không còn gì, duy nhất chỉ còn lại một chiếc khố vải. Mỗi khi có việc ra vào hai cha con lại thay nhau để mặc. Cho đến khi cha bị bệnh nặng và lâm chung, dặn bảo lại Đổng Tử rằng: “Kiếp nhân sinh có túng thiếu nghèo đói, phú quý giàu sang đều không ngoài được ý của trời. Nhà ta ngày trước giàu sang về sau nghèo túng, cũng là do ý trời. Bởi vậy, không thể nào làm khác được. Nay cha bị bệnh, số trời đã định khó có thể qua. Cha chết đi, con giữ cái khố lại mà che thân, cho thiên hạ khỏi chê cười”. Trước tình thế đó không thể làm gì được, Chử Đồng Tử chỉ còn biết ôm thi hài cha để khóc rằng: “Công sinh thành dưỡng dục chưa trả, nay nhà mình hoàn cảnh khó khăn bản thân hèn mọn, báo đáp lại công ơn cha mẹ như thế nào đây”. Chử Đồng Tử lại nghĩ rằng nay ta còn sống tồn tại ở đời, trời sẽ không phụ tấm lòng của ta, thì y phục sẽ còn có thêm nhiều. Cha ta ở trên trần trên người cũng đã không có quần áo, mà nay thác xuống âm, há làm ma mà cũng không có y phục quần áo hay sao? Đổng Tử bèn lấy chiếc khố mặc cho cha và đưa đi an táng chôn cất.

Cũng từ đó trở đi trên người Chử Đổng Tử không có quần áo che thân. Hàng ngày, chàng ẩn thân mình ở dưới lòng sông, lấy đó làm kế sách để che thân. Thấy nhiều thuyền của các thương lái buôn bán, chàng đóng làm hành khất xin ăn. Bên cạnh đó, chàng còn câu cá, bắt cua để kiếm sống qua ngày.

Thuở ấy, đời vua Hùng thứ 18 có một người con gái tên là Tiên Dung. Nàng mười tám tuổi, nhan sắc tuyệt trần, nhưng lại không có ý định lấy chồng. Nàng chỉ thích ngao du, thăm những danh lam thắng cảnh của đất nước. Vua cha chiều con để nàng dạo chơi tùy ý. Hàng năm vào tháng hai, tháng ba, công chúa đi thuyền tam bản trên sông theo hướng làng Chử Xá (nay thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội).

Vào một ngày đẹp trời, thuyền của công chúa Tiên Dung dạo chơi dọc sông Hồng. Lúc đó, Chử Đồng Tử đang ngâm mình bắt cá dưới sông, nhìn thấy từ xa đoàn thuyền dong buồm đi tới. Sợ quá chàng liền chạy lên bờ nhằm khóm lau vùi mình xuống cát. Ngắm phong cảnh hữu tình, công chúa Tiên Dung cho dừng thuyền, sai tỳ nữ lên bờ quây màn tắm bên một khóm lau. Chẳng ngờ lại đúng nơi chàng trai họ Chử giấu mình. Nước dội cát trôi, phút chốc nàng thấy lộ ra thân hình một chàng trai trẻ cũng không quần áo. Trước người con gái có thân thể như ngọc như ngà, Chử Đồng Tử sợ hãi định chạy trốn. Sau phút sợ hãi, Chử Đồng Tử kể lại với nàng về cuộc đời khổ cực của mình. Nghe xong công chúa nói: “Ta nguyện không lấy chồng, nhưng nay cơ sự thế này chắc là nguyệt lão xe duyên cho chúng ta”. Liền đó, Tiên Dung truyền mang quần áo cho Chử Đồng Tử và cùng chàng làm lễ kết duyên ngay trên thuyền.

Vua Hùng nghe tin con gái lấy kẻ nghèo hèn thì đùng đùng nổi giận không nhận là con nữa. Tiên Dung thấy vậy không dám về, ở lại cùng Chử Đồng Tử sống một cuộc sống bình dị mà hạnh phúc. Họ mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hoá trên sông. Nơi ấy trở thành nơi đô hội, thuyền bè buôn bán tấp nập. Cảm mến tình cảm vợ chồng Chử Đồng Tử, Tiên Ông đã truyền phép thần cho Chử Đồng Tử. Họ cùng nhau đi khắp vùng Khoái Châu dùng chiếc gậy thần để cứu sống những người chết do bị nạn dịch, đói khổ… Trên đường cứu nhân độ thế, Tiên Dung tình cờ gặp nàng Tây Sa vốn là công chúa Tây cung giáng trần, bèn kết nghĩa chị em, rồi se duyên cho Chử Đồng Tử, cùng nhau giúp đời. Nàng Tây Sa rất giỏi bùa chú dùng chiếc gậy thần và cái nón tiên xây dựng cung điện bằng châu ngọc và kho tàng đầy đủ của cải, màn gấm chiếu hoa. Khi nhà vua lâm bệnh nặng, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã bí mật cho nàng Tây Sa về chữa bệnh cho vua cha. Được thuốc tiên, nhà vua khỏi bệnh liền phong cho nàng Tây Sa là “Công chúa của nước phật”.

Có kẻ nịnh thần về kinh đô tâu với Vua Hùng rằng: Vợ chồng công chúa Tiên Dung dùng phép lạ dựng thành quách, muốn lập riêng bờ cõi. Ngỡ con làm phản, Vua Hùng sai quan quân đến dẹp. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cưỡng lại mệnh cha, chờ chịu tội. Nửa đêm hôm ấy một trận cuồng phong nổi lên, cả lâu đài thành quách của vợ chồng Chử Đồng Tử cùng bay lên trời, để lại một đầm nước rộng mênh mông. Người đời sau gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ (đầm một đêm). Nơi Chử Đồng Tử vùi thân giấu mình nay thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Tương truyền sau khi Chử Đồng Tử và Tiên Dung hóa (về trời), Vua Hùng Duệ Vương đã đến chỗ con gái ở. Hối hận và thương con, nhà vua đã ban tước Chử Công cho Chử Đồng Tử và cho lập đền thờ.

Truyền thuyết này không chỉ dừng lại ở một thiên tình sử đẹp mà còn ca ngợi sự cống hiến lớn lao của hai vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung trong việc cứu giúp nhân dân khỏi bệnh tật, tai ương. Đi đến đâu, họ cũng dang rộng vòng tay để cứu giúp người khó, người khổ, chỉ đường dẫn lối cho họ sống tốt hơn. Chính vì thế mà người đời tôn Chử Đồng Tử là một trong “Tứ bất tử” với sự thành kính, thờ phụng.

LyLy

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của lễ hội Chử Đồng Tử  – Tiên Dung (nguoihanoi.com.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *