Di sản – Bảo tồn

Bộ VHTTDL thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đình Quán, quận Bắc Từ Liêm

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 4828/BVHTTDL-DSVH gửi UBND thành phố Hà Nội về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đình Quán, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

 

Chùa Đình Quán

Theo đó, Bộ VHTTDL thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đình Quán với hạng mục: tu bổ Tam bảo, lát sân Tam bảo và hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo Chủ đầu tư lưu ý: Trong quá trình lập hồ sơ Thiết kế bản vẽ thi công, cần rà soát điều chỉnh kích thước vì hiên của tòa Tiền đường để đảm bảo khả năng tái sử dụng cấu kiện cũ, không chạm hoa văn trên cột hiên; đồng thời đề xuất phương án sử dụng hợp lý các cấu kiện còn lại của Tam bảo để tu bổ, tôn tạo các hạng mục khác. Ngoài ra, hồ sơ cần bổ sung bản vẽ mặt bằng và chi tiết lát sân Tam bảo.

Bộ VHTTDL đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung Dự án trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Đình Quán là ngôi chùa cổ, nằm trên địa bàn thôn Đình Quán, xã Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.Tương truyền, vào thời Trần (thế kỷ 13-14) có một công chúa đã xây chùa ở Đình Quán và tu ở đó đến khi mất. Rồi tới thời Lê sơ (thế kỷ 15), một bà vãi quê làng Bông Cời, huyện Thanh Oai, Sơn Tây (nay là Hà Nội) đã bỏ tiền tu sửa, mua 3 mẫu ruộng cúng cho chùa và cũng sống hết đời mình ở đây. Nhân dân địa phương nhớ ơn bà nên đã đặt tên chùa là Bà Bông Tự, lại tạc tượng bà và thờ hậu ở trong tam bảo. Về sau này mới đổi tên chùa thành Phúc Quang Tự. Chùa được xây theo kiểu chữ “Đinh”, bao gồm Tam quan, toà Tam bảo(Bảo Điện) tiếp đến là hai dãy nhà giải vũ, nhà tổ, nhà Mẫu và nhà khách ở cạnh phía Bắc. Đầu tháng 3/1984, cách chùa chừng vài chục mét về phía Bắc, người làng đào ao đã tìm thấy ngôi mộ cổ trong quan ngoài quách, toàn bộ quan tài được phủ một lớp than dày 0,4m. Đây là nét đặc biệt trong cấu trúc mộ quách gỗ quý được biết xưa nay. Đồ tuỳ táng trong ngôi mộ chủ yếu là đồ trang sức. Cùng với tư liệu hiểu biết của trên dưới mười ngôi mộ cùng loại được khai quật và nghiên cứu tại Việt Nam, có thể ngôi mộ này có niên đại thuộc thời Trần (thế kỷ 13,14)

Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý có giá trị về lịch sử và nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt 34 pho tượng Phật, 13 tấm bia đá, các hoành phi câu đối… trong đó tiêu biểu là quả chuông lớn “Bà Bông Tự”, đúc năm Gia Long thứ 18 (1819); ba tấm bia ghi việc trùng tu chùa trong các niên hiệu vua: Quang Hưng ( 1678 – 1599), Chính Hoà (1680 – 1705), Gia Long (1802 – 1819). Đặc biệt có bài văn bia của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1527 – 1613). Đây là nguồn tư liệu góp phần nghiên cứu tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân địa phương.

P.V

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *