Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua Triển khai kịp thời, thống nhất từ thành phố đến cơ sở; nhiều mô hình văn hóa được quan tâm, xây dựng, tạo dựng môi trường […]
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua
Triển khai kịp thời, thống nhất từ thành phố đến cơ sở; nhiều mô hình văn hóa được quan tâm, xây dựng, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, nếp sống văn minh được củng cố và từng bước hoàn thiện; nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng con người và môi trường văn hóa; từng bước nâng tầm văn hóa Hà Nội lên một vị thế mới, xứng đáng là Thủ đô của một dân tộc có truyền thống ngàn năm văn hiến… Đó chính là những ưu điểm sau 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn Thủ đô.
Là một phong trào văn hóa rộng lớn, phát triển sâu rộng trên cả nước do Ban chỉ đạo Trung ương phát động, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các địa phương, các ngành, đoàn thể triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả phù hợp với từng giai đoạn nhất định, theo định hướng đã được xác định rõ trong Nghị quyết 15/NQ-TƯ ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong thời kỳ 2001-2010 “Xây dựng văn hóa Thủ đô giàu bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống Thăng Long-Hà Nội. Tập trung làm lành mạnh môi trường văn hóa, xã hội; xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và phong cách lao động sáng tạo của con người Việt Nam”. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào đã được triển khai nhanh chóng, sâu rộng tạo thành phong trào thi đua rộng lớn từ trong mỗi gia đình, trên các địa bàn dân cư và trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp. Ban chỉ đạo TDĐKXDĐSVH các cấp đã triển khai các nội dung phong trào kịp thời, phù hợp với thực tiễn.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội
Việc xây dựng các mô hình văn hóa (một trong những nội dung chủ yếu của phong trào) đã được triển khai sâu rộng, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở Thủ đô. Các địa phương đã nhanh chóng triển khai thực hiện nghiêm túc các quy trình đăng ký, bình xét, công nhận theo tiêu chí, trình tự, thủ tục đã được Thành phố quy định. Trong đó, Ban chỉ đạo các cấp xác định việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng Gia đình văn hóa luôn được đặt lên hàng đầu để danh hiệu này thực sự phát huy tác dụng và là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt các nội dung khác.Việc đăng ký, bình xét, công nhận Gia đình văn hóa hàng năm tại các địa phương được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, đúng tiến độ với tỷ lệ tham gia đăng ký và đạt trên 95% (so với tổng số hộ dân). Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa trung bình hàng năm đạt trên 85% (so với tổng số hộ dân). Hệ thống “Câu lạc bộ Văn hóa gia đình” ở tất cả các quận, huyện, thị xã được quan tâm phát triển và duy trì hoạt động đều đặn với nhiều buổi sinh hoạt chuyên đề, phổ biến những kiến thức cần thiết về đối nhân xử thế trong quan hệ gia đình, cộng đồng, sinh hoạt tín ngưỡng; chăm sóc, giáo dục con cái và các biện pháp phòng chống các tệ nạn xã hội; giúp nhau phát triển kinh tế… Qua đó giáo dục các thành viên tiếp thu các giá trị chân, thiện, mỹ; ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến tính bền vững của gia đình trong cơ chế thị trường, hướng tới xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nhiều năm qua, nhiều hoạt động tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu từ Thành phố tới cơ sở diễn ra phong phú, sôi nổi và trang trọng, vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền Thành phố và mọi cấp ngành đối với công tác này, vừa là nguồn động viên thiết thực nhất đối với các gia đình.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Thăng Long – Hà Nội
Song song với xây dựng Gia đình văn hóa, phong trào xây dựng Làng văn hóa với yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, giúp nhau phát triển kinh tế; tạo lập cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; xoá bỏ các hủ tục, giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng nếp sống văn minh; hình thành môi trường văn hóa lành mạnh; thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những quy định của chính quyền các cấp, tôn trọng pháp luật… được các huyện hết sức chú trọng. Nhiều huyện chú trọng công tác xây dựng triển khai thực hiện Quy ước Làng văn hóa làm tiền đề cho công tác xây dựng Làng Văn hóa. Công tác đăng ký, bỉnh xét, công nhận và trao tặng danh hiệu Làng văn hóa được thực hiện theo đúng quy chế công nhận các danh hiệu văn hóa của Bộ VHTTDL về trình tự, thủ tục và thẩm quyền công nhận nhưng tiêu chuẩn xét chọn được Ban chỉ đạo Thành phố đặt yêu cầu cao hơn so với tiêu chuẩn của Bộ như: đời sống kinh tế, trình độ vắn hóa ở mức cao hơn, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn…Ban chỉ đạo Thành phố luôn yêu cầu các địa phương phải đảm bảo chất lượng trong quá trình bình xét, công nhận; tổ chức kiểm tra từng thôn làng theo tiêu chuẩn đã định; tổ chức trao tặng đón nhận các danh hiệu này nghiêm túc, long trọng, trở thành ngày hội văn hóa của các thôn làng được công nhận nhằm tôn vinh danh hiệu này, có tác dụng cổ vũ, động viên các thôn làng tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả đạt được đồng thời là mục tiêu hướng tới của những thôn làng đang trong quá trình phấn đấu.
Việc xây dựng tổ dân phố văn hóa đã được Ban chỉ đạo thành phố thống nhất triển khai rộng theo một quy trình chặt chẽ từ năm 2002 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những mẫu hình văn hóa được các quận triển khai xây dựng ở khu vực nội đô khá hiệu quả như: Khu phố văn hóa, Khu tập thể văn hóa, Số nhà đông hộ văn hóa, Cầu thang văn hóa…Khi quy chế công nhận các danh hiệu văn hóa của Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ VHTTDL) chưa đề cập đến mô hình này thì thành phố Hà Nội đã xây dựng mô hình “Tổ dân phố văn hóa” thể hiện được tính ưu việt, phù hợp với đặc điểm tình hình và tính chất địa bàn dân cư ở khu vực nội thành và các thị trấn. Về tiêu chuẩn xét công nhận, Ban chỉ đạo thành phố đã điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với điều kiện Thủ đô như: có tiêu chí đặc cao hơn về đời sống kinh tế, trình độ dân trí, sự hoàn thiện các thiết chế văn hóa… song cũng có những tiêu chí được xác định thấp hơn yêu cầu của Trung ương như nội dung về phòng chống các tệ nạn xã hội (tỷ lệ người nghiện ma túy).
Nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đang là mục tiêu hướng tới khi triển khai thực hiện những nội dung cơ bản của cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” do Liên đoàn Lao động Thành phố phát động từ năm 2001. Phong trào xây dựng “Đơn vị văn hóa” được triển khai rộng rãi trong khối các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang…Đến năm 2015, toàn thành phố có trên 7.000 đơn vị đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.
Sau 15 năm thực hiện, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn Thủ đô đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa theo hướng “gạn đục, khơi trong”, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, vừa bảo tồn những nét văn hóa mang tính dân tộc truyền thống, vừa phát huy có chọn lọc tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới. Phong trào đã trở thành cái gốc vững chắc cho việc bồi đắp văn hóa người Hà Nội, từng bước nâng tầm văn hóa Hà Nội lên một vị thế mới, xứng đáng là Thủ đô của một dân tộc có truyền thống ngàn năm văn hiến.
Minh Huệ