Ca trù là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt.
Trong khi các chuyên gia dang nghiên cứu và tìm kiếm các tư liệu mỹ thuật và khảo cổ học để khẳng định Ca trù có từ thời Lý (Thế kỷ XI), thì bài thơ của Lê Đức Mao* là tư liệu sớm nhất về Ca trù và đáng tin cậy nhất để có thể chắc chắn vào thế kỷ XV Ca trù đã có mặt trong văn hóa Việt Nam.
Trải qua quá trình phát triển lâu dài, Ca trù đã ngày càng xâm nhập vào hầu hết các mặt của đời sống quá khứ và khẳng định tư cách độc lập và độc đáo của nó trong bức tranh chung của văn hóa dân tộc.
Nghệ thuật Ca trù diễn ra trong các không gian ở đình làng, đền thờ thần, nhà thờ tổ nghề, dinh thự và ca quán thính phòng. Cùng với đó là các hình thức hát thờ, hát thi, hát tế tiên sư, hát chơi, không những đóng góp vào sinh hoạt của cộng đồng làng xã, của giới trí thức mà còn góp phần vào các hoạt động lễ tiết của nhà nước trong khuôn khổ của việc đón tiếp ngoại giao. Quá trình này gắn liền vớihoạt động của tổ chức giáo phường (sinh hoạt và tổ chức giáo phường), cũng như các nét đẹp trong sinh hoạt và quan hệ trong các giáo phường Ca trù.
Kết quả điều tra, nghiên cứu của Bộ Văn hóa – Thông tin (do Viện Âm nhạc thực hiện) năm 2005, theo chương trình lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể nhằm chuẩn bị trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại cho thấy Ca trù hiện có ở 17 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đóng góp của Ca trù vào văn hóa Việt Nam thật lớn. Từ Ca trù, một thể thơ hết sức độc đáo ra đời và trở nên có vị trí sáng giá trong dòng văn hoặc chữ Nôm của dân tộc. Đó là thể thơ hát nói, được ưa chuộng qua nhiều thế kỷ. Về mặt âm nhạc, có hai loại nhạc khí là đàn Đáy và Phách, trải qua quá trình sử dụng lâu dài đã trở thành những nhạc khí đặc trưng của Ca trù, góp phần đưa Ca trù trở nên một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam.
(Thông tin từ trong “Đặc khảo Ca trù Việt Nam”, Viện Âm nhạc (Nhạc Viện Hà Nội), NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006)