Làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) là cái nôi nghệ thuật ca trù cả nước. Hơn 600 năm tồn tại, ca trù Lỗ Khê vẫn giữ nét riêng có, được bảo tồn và phát triển trong nhịp sống hiện đại.
Cái nôi ca trù Việt cùng lịch sử hơn 600 trăm năm
Thời phong kiến, Lỗ Khê là một trang thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc, sau này trở thành một thôn của xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. Những dấu tích về ca trù Lỗ Khê vẫn còn được lưu giữ tại đình thờ Ca Công, xây dựng từ năm 1430 để thờ hai vị Tổ nghề. Tại đình còn lưu giữ hai pho tượng gỗ sơn son thếp vàng Đinh Dự và Đường Hoa – hai vị Tổ nghề, hộp đựng sắc phong được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng do nhà vua các triều đại nhà Nguyễn phong tặng.
Theo ông Nguyễn Thế Đạm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ca trù Lỗ Khê, từ thế kỷ XV, nơi đây đã có Giáo phường chuyên đi biểu diễn khắp các trấn, tổng thuộc xứ Kinh Bắc và cả kinh thành Thăng Long. Đến hai cuộc chiến tranh vệ quốc, người dân tại Lỗ Khê đã mở ca quán ở các khu phố trung tâm của Thủ đô. Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX được xem thời kỳ hưng thịnh của nghệ thuật ca trù Lỗ Khê. Nhiều ca nương, đào nương, kép đàn nổi tiếng thuở trước sinh ra tại Lỗ Khê, đó là bà Phạm Thị Mùi, Nguyễn Thị Diêm, Nguyễn Thị Tĩnh; các danh đào, kép đàn Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thế Bam, Nguyễn Văn Tiếu…
Sự hình thành và ra đời của ca trù Lỗ Khê gắn với những điển tích lịch sử. Tương truyền, Đinh Dự (con trai ngài Đinh Lễ – một vị tướng giỏi nhất của nghĩa quân Lam Sơn thời vua Lê Lợi) sinh ra và lớn lên từ làng quê có bề dày văn hóa của xứ Kinh Bắc, từ nhỏ đã say mê đàn hát.
Thuở niên thiếu, ngài đã nổi tiếng khắp vùng bởi tài đàn hay hát giỏi. Trong một ngày du xuân vãn cảnh, tại thắng cảnh chùa Thiên Thai, tình cờ Đinh Dự gặp một thiếu nữ tên Đường Hoa Thiên Hải có sắc đẹp “trăng thẹn hoa ghen” cùng tài đàn hát. Hai người tâm đầu ý hợp, sau nên duyên vợ chồng, rồi cùng nhau về Lỗ Khê và sáng tạo ra hát ca trù.
Được sự đồng ý của cha mẹ, vợ chồng ngài đã mở giáo phường dạy đàn hát, thu hút 12 dòng họ và 11 làng ở các huyện lân cận: Đông Ngàn, Đông Anh, Tiên Du, Yên Phong… cùng tham gia. Sau khi Đinh Dự qua đời, để duy trì truyền thống, hai họ Nguyễn Văn và Nguyễn Thế đã tiếp nối truyền dạy và lập ra Giáo phường Hoàng Phú – Giáo phường lớn nhất vùng lúc bây giờ.
Nét đặc sắc riêng có của ca trù Lỗ Khê
Nghệ thuật ca trù không chỉ có riêng tại Lỗ Khê mà còn hiện diện ở nhiều địa bàn khác của Hà Nội cũng như có tại các tỉnh, thành phố ở nước ta như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,… Tuy nhiên, theo nghệ nhân dân gian Phạm Thị Điền – cây đại thụ của ca trù Lỗ Khê đã ở tuổi 80, một số nơi ca trù thường là lối hát chơi, hát hàng hoa. Riêng với ca trù Lỗ Khê vẫn giữ được lối hát cửa đình, hát đàn khuôn, phách khuôn đòi hỏi ca nương, kép đàn, trống chầu phải rất nghiêm túc, ca nương phải hát tròn vành rõ chữ.
Lỗ Khê là một làng có truyền thống hát cửa đình từ xưa đến nay. Hằng năm, hát cửa đình thường được tổ chức tại đình làng vào ngày mở hội tế thần, tế Thành hoàng làng. Hát cửa đình có 15 thể cách, luật lệ hát rất chặt chẽ, nghiêm khắc, nghi lễ hát linh thiêng. Khi hát phải nhịp theo các tiết mục hành lễ và các động tác của người tế. Lối hát cửa đình còn gọi là hát giai. Kép hát câu một (mưỡu) và hát nói. Đào hát câu một (mưỡu) và hát nói, gọi là hà liễu. Khi kép hát một câu rồi đến đào hát một câu, thì kêu là đào luồn kép vói.
Cách hát phải bắt rõ ràng, cần nhiều hơi nhưng lại phải cao giọng để mọi người có thể nghe rõ. Điệu bộ khi hát phải đoan chính, không được hát lối lẳng lơ hay cung bậc dập dờn, tiếng to tiếng nhỏ. Những bài hát giai được chọn hát ở cửa đình thường là những bài hát nói có ý tứ trang nghiêm, hoặc là bàn về sử sách, sự tích các danh nhân, diễn tả phong cảnh, tuyệt đối không được hát những bài có ca từ tình tứ, lãng mạn. Cô đầu luân phiên nhau hát, thời gian hát từ 9 giờ tối cho đến sáng hôm sau được gọi là một chầu.
Hát cửa đình ở Lỗ Khê tuy nghi tiết nghiêm túc kính cẩn, nhưng đàn phách nhàn nhã, không công phu bằng hát khuôn. Đặc điểm nổi bật của hát cửa đình là sự uy nghi, nghiêm kính và thiêng liêng. “Tại Lỗ Khê, một bản ca trù có thể đã chứa 36 giọng, cứ vài câu trong bài lại chuyển một giọng khác. Một số tác phẩm ca trù cổ như thét nhạc, hát tỳ bà, cung Bắc, Chúc hỗ… đòi hỏi lối hát rất khó, có thể kéo dài đến 30 – 40 phút. Ca trù Lỗ Khê vẫn đang giữ được các tác phẩm ca trù cổ với những làn điệu khó. Ngoài ra, ca trù Lỗ Khê không chỉ có hát mà còn có các điệu múa”, nghệ nhân dân gian Phạm Thị Điền chia sẻ.
Chẳng hạn điệu múa dâng hương, 4 đào trẻ vừa múa vừa hát. Với múa bỏ bộ, thường là 4 đào trẻ ở 4 góc chiếu, vừa hát vừa múa bộ y như câu hát. Bên ngoài có người gảy đàn đáy, ca nương lớn tuổi gõ phách giữ nhịp và hát giữ cung khổ, chuyển điệu. Nội dung hát bỏ bộ phản ánh nét sinh hoạt của xã dân trước Thành hoàng.
Với điệu múa dâng đài, 4 đào trẻ chỉ múa theo nhạc Lưu thủy bát âm, múa lúc quan viên dâng đài rượu vào cung, không có hát. Trong khi đó, múa Tứ linh gồm 4 kép trong đội hình tứ tế tuần theo nhạc Lưu thủy hoặc “Tùng choặc”. Múa bài bông ít nhất phải có 8 cô đầu, đặc biệt phải trẻ đẹp như những bông hoa trước Thành hoàng. Long trọng hơn thì có 16, vào dịp đại lễ có thể lên đến 32 người. Điệu múa này lấy nhạc làm chuẩn đích, tiến thoái nhanh chậm đều do nhạc điều khiển, lúc quay chỉ quay nửa người, không bao giờ quay lưng vào hương án.
Nỗ lực gìn giữ và phát triển
Trước tác động của đời sống xã hội, nhiều loại hình văn hóa giải trí thời đại mới du nhập, trong nhịp sống hiện đại ca trù Lỗ Khê có lúc đứng trước nguy cơ mai một. Những tác phẩm, làn điệu cổ có thể thất truyền vì nghệ nhân giỏi nghề đa phần lớn tuổi và dần rơi rụng.
Nhưng với sự đam mê và tâm huyết muốn gây dựng lại, duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của cha ông, từ năm 1995, những ca nương, kép đàn tại Lỗ Khê đã tập hợp lại và thành lập CLB Ca trù Lỗ Khê. CLB hiện có gần 40 thành viên, trong đó có nhiều người biết hát, biết đàn, biết gõ trống chầu. Nổi bật có nghệ nhân dân gian Phạm Thị Mận, ca nương Nguyễn Thị Thảo, Hoàng Thị Thư, Đinh Thị Vân, Nguyễn Thị Huyền; kép đàn Phạm Văn Phong, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tuyến… Đặc biệt nơi này có ca nương Thục Trinh – 15 tuổi, có giọng hát bay bổng, đã giành nhiều giải thưởng lớn khi tham gia các liên hoan nghệ thuật ca trù của Thủ đô và cả nước.
“Trước kia người theo học ca trù phải mất hàng chục năm mới thành thạo nghề, bây giờ thuận lợi hơn vì mọi người có điện thoại thông minh để thu, nghe nên học chăm chỉ và yêu ca trù thì vài tháng có thể hát được”, nghệ nhân dân gian Phạm Thị Điền, chia sẻ, “hiện tôi đang đào tạo một số bạn trẻ chơi đàn đáy, các em học rất hăng say và đã gảy được những làn điệu cơ bản, có em còn có thể hát”/
Để gìn giữ nghệ thuật ca trù Lỗ Khê, chính quyền xã Liên Hà tạo điều kiện địa điểm sinh hoạt cho CLB tại đình thờ Ca Công. Mỗi tháng, CLB sinh hoạt hai lần. Hoặc địa phương, một số đơn vị thuộc ngành văn hóa đề nghị CLB ca trù Lỗ Khê đi diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, điểm di tích, các liên hoan ca trù…, CLB sẽ tổ chức tập đột xuất, trình diễn theo yêu cầu. Nhiều năm qua, chính quyền huyện Đông Anh phối hợp với CLB tổ chức các lớp học truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ tại địa phương, góp phần bảo tồn, phát triển di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp đã được UNESCO vinh danh. Hy vọng rằng với những nỗ lực của các nghệ nhân, sự trao truyền “đặc sản” quê hương qua nhiều thế hệ sẽ góp phần giữ gìn và phát huy di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại./.
Hoa Quỳnh
Bài 4: Ca trù Lỗ Khê – xứng danh cái nôi ca trù Việt (nguoihanoi.vn)