Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy, đến nay, các ban, ngành, đoàn thể Thành phố và các quận, huyện đã thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được xác định tại Chương trình 06-CTr/TU gắn với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.
Công tác tuyên truyền được tổ chức bằng nhiều hình thức, mô hình hay nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội có nhân cách tốt, lối sống đẹp, đoàn kết, sáng tạo, thanh lịch, văn minh; phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Cụ thể, bám sát 03 nhiệm vụ trọng tâm và 18 chỉ tiêu (được cụ thể hoá thành 22 chỉ tiêu) của Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy, đến nay đã có 14 chỉ tiêu hoàn thành và tập trung nâng cao chất lượng. Trong đó, một số chỉ tiêu như: Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; Tỷ lệ cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa hằng năm… đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu Thành phố đề ra. Bên cạnh đó, có 05 chỉ tiêu cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong năm 2024 và 03 chỉ tiêu khó khăn cần có giải pháp để hoàn thành đến năm 2025.
Về phát triển văn hóa đã tập trung lãnh đạo phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp văn hóa, có chiều sâu, thực chất hơn. Quan tâm tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích văn hóa, không gian cây xanh; tập trung vào đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ, các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch, sản phẩm làng nghề có lợi thế, tiềm năng của địa phương. Thường xuyên chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện, đề xuất cơ chế, chính sách đảm bảo sự đồng bộ trong quy hoạch, khai thác, sử dụng các thiết chế, sản phẩm văn hóa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch văn hóa, phát triển các không gian sáng tạo văn hóa.
Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu: Chất lượng giáo dục phổ thông tiếp tục được giữ vững và có nhiều tiến bộ; chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng được quan tâm, tăng cường phối hợp giáo dục đại học gắn với cơ chế, chính sách phù hợp để tận dụng thế mạnh của các cơ sở đào tạo đại học trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp góp phần giải quyết việc làm, đưa tỷ lệ lao động được đào tạo ngày càng tăng cao, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực, phát triển các ngành công nghiệp tại địa phương. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ tiếp tục được quan tâm.
Đáng chú ý, trong công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã tập trung tuyên truyền nâng cao vai trò của mỗi công dân Thủ đô, gia đình, thôn, làng, tổ dân phố, phường, xã trong việc xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, sống nhân ái, nghĩa tình. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thể chất, giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng ứng xử văn minh đến các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý; nâng cao chất lượng các mô hình, phong trào văn hóa, nhất là “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc Thành phố” gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”. Nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trong toàn xã hội, nhiều tấm gương sáng, câu chuyện đẹp kịp thời được phát hiện, biểu dương và tôn vinh. Đặc biệt, đã tham mưu Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; thực hiện Chương trình 16 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045”; thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương và Thành ủy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đối với phát triển công nghiệp văn hóa, Thành phố đã chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng và là lợi thế của Thủ đô như: du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ, ẩm thực… Chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo nguồn lực tài chính ổn định; đổi mới cơ chế quản lý, huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực từ xã hội hóa. Thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, phổ biến lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; việc triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa để quản lý, kết nối, chia sẻ, quảng bá, được quan tâm chỉ đạo, bước đầu có hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như việc phát triển công nghiệp văn hóa, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa sau đầu tư của các quận, huyện, thị được giám sát chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; Việc đầu tư nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển văn hóa, giáo dục, công nghiệp văn hóa còn hạn chế; Chỉ tiêu về xây dựng trường chuẩn quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo hoàn thành theo chương trình, kế hoạch; Việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị còn hạn chế, tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, vi phạm trật tự xây dựng, đổ phế thải ra không đúng nơi quy định còn diễn ra ở nhiều nơi…
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc triển khai ban hành kế hoạch truyền thông về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy gắn với thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa, kế hoạch thực hiện xây dựng Thành phố sáng tạo. Rà soát các chỉ tiêu nhiệm vụ, chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Quyết liệt trong triển khai các dự án trong kế hoạch đầu tư công để hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, tiến độ; đồng thời đề xuất, bổ sung các dự án vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2025 – 2030. Chỉ đạo tổ chức tốt 9 nhóm lĩnh vực và 47 đầu việc đã được xác định tại kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 22/3/2024 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành các tiêu chí xây dựng Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Thôn văn hóa, xã/phường/thị trấn tiêu biểu theo Nghị định 86/NĐ-CP của Chính phủ; Bộ tiêu chí đánh giá phường/thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định 04/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức Hội thảo triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy, để ban hành Bộ tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Nhật Minh