Văn hóa cơ sở

Cách làm sáng tạo giữ gìn, phát huy văn hóa đọc

“Ngôi nhà trí tuệ” đã trở thành điểm đến của những người yêu văn hóa đọc trên địa bàn bởi khuôn viên  sạch sẽ, gọn gàng; sách báo được sắp xếp khoa học, dễ tìm. Nơi đây còn tổ chức nhiều buổi trò chuyện để truyền cảm hứng đọc sách cho người dân; các sự kiện vinh danh, tặng quà trẻ em học giỏi, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Đọc sách, báo đem lại những lợi ích lớn, quan trọng đối với con người, vừa góp phần nâng cao dân trí, vừa tạo thói quen giải trí lành mạnh, bổ ích. Trước sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, các loại hình giải trí, nhiều nơi đã có cách làm hay để giữ gìn, phát huy giá trị của việc đọc sách, báo. Mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” ở thôn Đồng Vật, xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa là một ví dụ.

Thành lập từ năm 2019, “Ngôi nhà trí tuệ” ra đời nhờ ý tưởng lớn của gia đình bà Phạm Thị Diệu, người con quê hương thôn Thành Vật luôn hết mình với các hoạt động khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Dù không sinh sống thường xuyên tại quê nhà  bởi đang công tác ở thành phố, gia đình bà Phạm Thị Diệu đã tự bỏ toàn bộ kinh phí để sửa chữa, xây dựng ngôi nhà mang tên “Ngôi nhà trí tuệ”, cung cấp các đầu sách hữu ích, giúp mọi người cùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm, sinh hoạt cộng đồng…Ngôi nhà trí tuệ có người trông nom, quản lý, hỗ trợ hoạt động đảm bảo đạt hiệu quả. (Kinh phí cho người trông nom do gia đình bà Diệu chi trả).

“Ngôi nhà trí tuệ” thu hút đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi. Ảnh: Bạch Thanh

“Ngôi nhà trí tuệ” đã trở thành điểm đến của những người yêu văn hóa đọc trên địa bàn bởi khuôn viên  sạch sẽ, gọn gàng; sách báo được sắp xếp khoa học, dễ tìm. Đặc biệt, nơi đây hiện có nhiều đầu sách phong phú, đủ lĩnh vực: Ngoại ngữ, kinh doanh, y học, công nghệ, du lịch, văn hóa…đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Không chỉ tạo không gian đọc sách thân thiện, gần gũi, “Ngôi nhà trí tuệ” còn tổ chức nhiều buổi trò chuyện để truyền cảm hứng đọc sách cho người dân;  là nơi tổ chức các sự kiện vinh danh, tặng quà trẻ em học giỏi, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Thời gian tới, các nhà hảo tâm và cá nhân gia đình bà Phạm Thị Diệu, người xây dựng “Ngôi nhà trí tuệ” dự kiến đổi mới trong hoạt động, như: Tổ chức các lớp học tiếng Anh trực tuyến với giáo viên người nước ngoài cho trẻ em; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thảo luận, trao đổi nhóm về kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm chia sẻ kinh nghiệm ôn thi, học tập hiệu quả, phương pháp làm việc theo nhóm…

 

Đọc sách cung cấp tri thức, tạo thói quen giải trí lành manh, bổ ích. Ảnh: Bạch Thanh 

Sau một thời gian hoạt động, “Ngôi nhà trí tuệ”- mô hình thư viện tư nhân đã cho thấy hiệu quả thiết thực khi thu hút đông đảo người dân đến đọc sách, báo, tham gia các hoạt động bổ ích. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng và phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập. Mô hình được lãnh đạo xã Đồng Tiến, Hội Khuyến học huyện Ứng Hòa đánh giá cao.

Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *