Người Lai Xá hào hứng giới thiệu truyền thống của làng mình. NDĐT – Ngày 15-5, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) được khai trương. Nhân dân Lai Xá đã chung sức, đồng lòng lập nên Bảo tàng của thôn mình. Đây là bảo tàng đầu tiên của một […]
Người Lai Xá hào hứng giới thiệu truyền thống của làng mình.
NDĐT – Ngày 15-5, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) được khai trương. Nhân dân Lai Xá đã chung sức, đồng lòng lập nên Bảo tàng của thôn mình. Đây là bảo tàng đầu tiên của một làng nghề được người dân thôn tự xây dựng.
Áp dụng “Kỹ thuật bảo tàng” hiện đại
Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá có nhiều nội dung, được thiết kế trưng bày bằng “kỹ thuật bảo tàng” khá hiện đại, được tư vấn bởi nhiều chuyên gia (PGS. TS Nguyễn Văn Huy, các nhà thiết kế Pháp – bà Veronique Dolfus và ông Patrick Hoarau, họa sĩ Đam Ca…). Bảo tàng tái tạo kiểu sắp đặt biểu tượng một phòng chụp ảnh xưa với các hình ảnh trưng bày về ông tổ nghề ảnh của làng; Các hiệu ảnh xưa, Bếp núc của nghề nhiếp ảnh; Ảnh Thờ; Ảnh chân dung; Chân dung các nghệ sĩ; Nghệ thuật chiếu sáng; Ảnh tô mầu; Phóng viên, nghệ sĩ; Câu lạc bộ nhiếp ảnh Khánh Ký và Các hiệu ảnh ngày nay…
Bảo tàng có sự hấp dẫn.
Bảo tàng còn dành một không gian mang tính thường xuyên thay đổi đề giới thiệu những bức ảnh đẹp của các nghệ sĩ nhiếp ảnh người Lai Xá. Tất cả nội dung của Bảo tàng tập trung kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá – Làm thế nào ông Khánh Ký – tổ nghề ảnh của làng – và những người kế thừa nghề này có thể làm cho một thôn trước đó chỉ sống bằng cây lúa trở thành một làng nghề “kỹ thuật – công nghệ cao” đầy tính nghệ thuật và thời sự (có thời điểm tới 80% người Lai Xá làm nghề ảnh)? Họ xây dựng thương hiệu của mình như thế nào? Những người Lai Xá đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển văn hoá ảnh?…
Giải tỏa nhiều khó khăn
Từ năm 2015, nhân dân và chính quyền thôn nêu quyết tâm xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Đất để xây dựng là vấn đề nan giải nhất. Nhân dân đã cùng bàn bạc rồi thống nhất dành khu đất nhà hậu ở gần đình Đụn làm nơi xây dựng Bảo tàng nhưng vẫn dành không gian trong Bảo tàng để “thờ hậu” những người đã có công đóng góp cho làng. Phương án này được sự đồng thuận của cả dân thôn. Kinh phí xây dựng cũng được tự nguyện đóng góp từ sức dân.
Bảo tàng không phải là nơi chỉ trưng bày các cổ vật. Trưng bày ở một bảo tàng hiện đại, dù lớn hay nhỏ đều đòi hỏi thông tin về hình ảnh, hiện vật, nhất là làm rõ thông điệp và những câu chuyện muốn chuyển tải. Thông tin về người và nghề ảnh Lai Xá rất phong phú. Tuy nhiên, Bảo tàng còn cần hiện vật và những thông tin gắn với hiện vật.
Chiếc máy ảnh có tuổi gần một thế kỷ.
Cùng với quyết định xây dựng toà nhà bảo tàng, còn có một cuộc vận động cộng đồng nhiếp ảnh Lai Xá hiến tặng các hiện vật, tư liệu về nghề ảnh của làng hoặc có liên quan. Cuộc vận động ngay lập tức đã được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của những thợ ảnh, nhà nhiếp ảnh, các chủ hiệu ảnh xưa và nay. Đặc biệt, các thợ ảnh và nhà nhiếp ảnh lão thành rất nhiệt tình sưu tầm và tặng cho bảo tàng nhiều máy ảnh và các thiết bị khác của nghề ảnh. Nhờ sự nhiệt tình của cộng đồng nhiếp ảnh, chỉ trong một thời gian ngắn Bảo tàng đã tiếp nhận được nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu khác nhau, tạo nên sự hấp dẫn, phong phú của nội dung trưng bày.
Kể cho người thăm nhiều câu chuyện
Không chỉ trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý, Bảo tàng còn có cả những tư liệu độc bản. Ở đó, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá còn kể cho người thăm nhiều câu chuyện sau đó.
Đó là câu chuyên về sự đồng thuận trân trọng những giá trị văn hóa được cha ông trao truyền. Từ sự đồng thuận đó mà nhiều việc khó đã được giải quyết
Đó là câu chuyện về lịch sử truyền thống của một nghề, một tổ nghề, một làng nghề, của nhiều câu chuyện được tiếp nối… cho người xem thú vị của sự tìm hiểu, khám phá lịch sử – văn hóa của một làng nghề độc đáo
Đó còn là một hướng mới, gợi ra với nhiều làng nghề truyền thống nổi danh trong tiến trình vận động phát triển hôm nay. Khi người dân hiểu biết và trân trọng những giá trị văn hóa của mình, họ sẽ còn tiếp tục sáng tạo thực hiện những phương cách làm thay đổi cuộc sống, chuyển đổi hình ảnh của làng, biến tiềm năng văn hóa thành động lực cho sự phát triển.
“Bảo tàng thôn” của nhân dân Lai Xá mở ra một hướng phát triển mới cho ngành văn hóa – du lịch. Hà Nội đã có Đường Lâm, sẽ có thể có Lai Xá (và các làng nghề khác) là điểm du lịch mới của Thủ đô
Theo Báo Nhân dân