Văn hóa cơ sở

Câu lạc bộ văn nghệ Đan Phượng – nơi chắp cánh thơ ca

Đan Phượng -vùng đất cổ Chu Diên, Đan Sơn là một miền quê trải ngàn năm lịch sử tích tụ, lắng đọng xây đắp lên truyền thống văn hiến ngàn đời.

Đan Phượng ra mắt tập sách “Văn nghệ Đan Phượng” Xuân Kỷ Hợi

Đan Phượng tự hào có Chèo Tàu tổng Gối được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đan Phượng còn là quê hương nhà thơ Quang Dũng với tác phẩm “Tây tiến” của ông được xem là một trong những bài thơ hay nhất của thế kỷ XX. Chính mảnh đất và con người Đan Phượng cùng bao truyền thống tốt đẹp đã khơi gợi cảm xúc cho nghệ thuật, chắp cánh cho thơ ca.

Có thể nói, từ trước đến nay, rất hiếm có huyện nào lại ra được tập những sáng tác văn thơ của huyện đều đặn hàng năm và chất lượng như Đan Phượng. Trong 17 năm hoạt động và phát triển,  Câu lạc bộ Văn nghệ  Đan Phượng đã trở thành  hạt nhân để xây dựng phong trào sáng tác thơ ca của huyện, thu hút được nhiều hội viên và nhân dân tham gia. Trong 17 năm, Câu lạc bộ Văn nghệ Đan Phượng đã cho ra mắt bạn đọc 18 tập sách, trong đó 9 tập “Đan Phượng thơ”, 8 tập “ Văn nghệ Đan Phượng” và tập sáng tác đặc biệt: “Tự hào quê hương Đan Phượng” chào mừng huyện Đan Phượng đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Từ ấn phẩm “Đan Phượng thơ” chỉ gồm các tác phẩm thơ, đến năm 2012 được thống nhất đổi tên thành: “Văn nghệ Đan Phượng”, trong đó gồm các loại hình nghệ thuật  văn, thơ, âm nhạc, hội hoạ, nhiếp ảnh, thư pháp và các bài nghiên cứu văn hoá dân gian. Các ấn phẩm có chất lượng ngày càng  cao, nội dung phong phú.

Dù là cây bút chuyên hay bán chuyên nghiệp nhưng những tác phẩm trong tập “Văn nghệ Đan Phượng” (hay còn gọi là “Đan Phượng thơ”) đều cháy bỏng tình yêu xứ sở. Không chỉ sáng tác cho thỏa lòng yêu thơ, mà những người con Đan Phượng còn mong muốn đóng góp những áng văn, vần thơ… để góp phần giữ gìn và tiếp nối nét văn hóa truyền thống của quê hương mình. Những tập thơ của Đan Phượng có sự góp mặt của các văn nghệ sỹ nổi tiếng như nhà thơ Phan Văn Đà, Khổng Minh Dụ, Nghiêm Bằng, Nguyễn Đăng Luận, nhạc sỹ Đoàn Bổng, nhà nghiên cứu Đào Hà… và cả những người không phải là văn nghệ sỹ chuyên nghiệp nhưng yêu nghệ thuật như Nguyễn Đức Thục, Trần Trọng Kiểm, Quách Duy Bịch, Minh Nhương, Lưu Yên Thế…

Ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư huyện ủy trao tặng tập sách “Văn nghệ Đan Phượng” cho Hội Liên hiệp VHNTHà Nội, Thư viện Hà Nội và  CLB thơ của Hà Nội

Nhà nghiên cứu Đào Hà, một trong những người sáng lập Câu lạc bộ thơ huyện Đan Phượng cho biết, câu lạc bộ duy trì đều theo các mùa, các quý. Câu lạc bộ còn mời khách là những văn nghệ sỹ có uy tín trong cả nước về nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm và giao lưu với các văn nghệ sỹ Đan Phượng để nâng cao chất lượng sáng tác của các hội viên nơi đây. Ngoài ra, câu lạc bộ còn tạo điều kiện cho các hội viên sáng tác như tổ chức những chuyến đi thực tế, giao lưu với các huyện, tỉnh lân cận để thâm nhập thực tế, mở mang vốn sống và tạo điều kiện cho hội viên ra được các ấn phẩm. Mỗi thành viên câu lạc bộ luôn ý thức trau dồi vốn sống để sáng tác, tiếp bước nhà thơ Quang Dũng và tô thắm nét văn hóa truyền thống của Đan Phượng.Những sáng tác thơ của Đan Phượng đã và đang được các nhạc sỹ phổ nhạc, trong đó, bài “Thăng Long thiên sử vàng chói lọi” của nhà thơ Nguyễn Xuân Cửu (nguyên Bí thư huyện ủy huện Đan Phượng) đã được nhạc sỹ Đăng Tài phổ nhạc, giới thiệu tác phẩm mới trên sóng truyền hình Hà Nội.

Những ấn phẩm văn nghệ cùng hoạt động tích cực của câu lạc bộ  là tình cảm sâu đậm và niềm tự hào của những người con Đan Phượng  ca ngợi quê hương trong diện mạo mới, phát triển toàn diện và bền vững.

                                                Quốc Hải

 

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *