Thạch Thất – nghe cái tên đã thấy đượm màu đá ong. Nếu ai đã một lần đến Thạch Thất, chắc hẳn sẽ không bao giờ quên hình ảnh những ngôi nhà, cổng làng, giếng nước tường bao… được xây bằng đá ong mang vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của vùng bán sơn địa, […]
Thạch Thất – nghe cái tên đã thấy đượm màu đá ong. Nếu ai đã một lần đến Thạch Thất, chắc hẳn sẽ không bao giờ quên hình ảnh những ngôi nhà, cổng làng, giếng nước tường bao… được xây bằng đá ong mang vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của vùng bán sơn địa, mang đặc trưng văn hóa xứ Đoài. Đá ong không chỉ là một loại vật liệu rẻ, bền, đẹp được ứng dụng trong các công trình xây dựng, những năm gần đây, người dân Thạch Thất còn nghĩ ra một nghề mới để kiếm sống, đó là nghề làm đồ mĩ nghệ bằng đá ong.
Nghệ nhân đang chế tác đá ong
Thạch Thất có 23 xã, thị trấn, có rất nhiều làng nghề truyền thống. Ranh giới giữa các làng nghề trong huyện được xác định bởi dòng sông Tích. Bên này là các xã: Canh Nậu, Dị Nậu, Phùng Xá, Chàng Sơn, Hữu Bằng với nghề mộc, kim khí, mây tre đan, may mặc. Bên kia là các xã: Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Đồng Trúc, Thạch Hòa… tập trung vào nghề khai thác đá. Đá xuất hiện khắp mọi nơi, có khi ở dạng lộ thiên, cũng có khi nằm sâu dưới các lớp đất. Trong lòng đất mẹ thì đá mềm dẻo nhưng đào lên gặp ánh nắng mặt trời, dầm sương dãi gió đá càng cứng chắc với thời gian. Việc sản xuất đá ong là công việc năng nhọc, hoàn toàn làm thủ công, chỉ với cái thuổng, cái mai nhỏ bằng thép, người thợ sẽ thuốn định hình viên đá tùy theo kích cỡ của mình. Đá ong khi khai thác được chia làm ba loại: lớp đầu tiên là đá sản, kế đó là lớp thân và cuối cùng là đá chân. Trong đó đá thân là loại có khả năng chịu lực tốt nhất. Quá trình “ong hóa” đã làm cho đá khi thành viên có hoa văn trên bề mặt. Khi sử dụng đá ong để xây dựng, người ta không cần trát vữa lên bề mặt đá mà cứ để nguyên bề mặt thô mộc, xù xì, thô ráp, vàng sậm và lỗ chỗ như tổ ong tạo nên vẻ đẹp bí ẩn, trầm mặc cho những công trình xây dựng bằng đá ong.
Một ngôi nhà làm hoàn toàn bằng chất liệu đá ong
Ở Thạch Thất, bước chân từ nhà ra là thấy đá: đá làm nhà ở, đá xây đình chùa, bậc thềm, cầu ao… Đá gắn với đời sống sinh hoạt, tình cảm của người dân nơi đây từ đời này qua đời khác. Hiện ở Thạch Thất có nhiều hộ sống bằng nghề khai thác và chế tác đá ong, nhưng Bình Yên – vựa đá ong chiếm đa số (khoảng 200 hộ). Nghề chế tác đá ong ở đây rất lạ, chẳng cần mẫu hay thiết kế, không có trường lớp nào đào tạo, cũng không phải là nghề gia truyền nhưng người thợ nơi đây vẫn có thể tạo ra những sản phẩm vô cùng ngộ nghĩnh, sinh động. Để làm được nghề này thì ngoài đôi bàn tay khéo léo cần phải có bộ óc sáng tạo, tính kiên trì mới có thể thành công. Từ những khối đá ong vô tri vô giác, khi qua bàn tay tài hoa của người thợ bỗng trở thành những công trình kiến trúc, những tác phẩm mang đậm tính nghệ thuật mang vẻ đẹp tự nhiên như tượng rồng, voi, hổ, báo, sư tử, lọ độc bình, bàn ghế, chum nước, cột đèn trang trí, chậu hoa tinh xảo, cổng làng đá ong… Giờ đây nhu cầu sử dụng các sản phẩm đá ong trong xây dựng khá lớn, nhất là các công trình chùa chiền hoặc nhà ở muốn làm theo lối cổ. Những dạng công trình này, để tạo nên vẻ đẹp mộc mạc, thân thiện và gần gũi với thiên nhiên, đá ong là loại vật liệu đắc dụng nhất. Có lẽ vì thế mà ngày càng có nhiều người kinh tế khá giả khắp mọi nơi sẵn sàng bỏ tiền của về Thạch Thất tìm thú chơi đá ong. Và cũng nhờ đó mà đời sống người dân Thạch Thất vừa có của ăn của để, lại vừa có thể góp ích làm đẹp cho đời. Một số người thợ suốt bao năm gắn bó với nghề chế tác đá ong như anh Nguyễn Văn Dân, Trần Văn Nghiêm, Tăng Hữu Dũng, Phạm Huy Tuấn ở xã Bình Yên đang ngày đêm lăn lộn với nghề không chỉ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mà còn làm nên những công trình xây dựng bằng đá ong nổi tiếng Bắc – Nam.
Thạch Thất giờ đây đang đô thị hóa từng ngày, những vạt đồi đá ong sẽ nhường cho các dự án lớn. Dẫu biết rằng khi các dự án được triển khai góp phần tạo công ăn việc làm cho nhân dân quanh vùng, Thạch Thất mang vóc dáng hiện đại hơn. Nhưng trong sâu thẳm mỗi người con Thạch Thất, nhất là những nghệ nhân cả một đời “nặng lòng” với đá rất tiếc nuối khi đá ong chỉ còn trong huyền thoại.
Sông Hương