Cuộc vận động "Thanh niên Hà Nội bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá Thăng Long- Hà Nội" của Hội LHTN Thành phố đã có sức lan toả lớn trong thế hệ trẻ, tạo thành điểm nhấn xây dựng lối sống có văn hoá hơn, thanh lịch, văn minh hơn cho thanh niên.
Khi cuộc vận động ra đời, Hội LHTN Thành phố Hà Nội kỳ vọng rằng nhận thức của thanh niên về các giá trị văn hoá truyền thống sẽ được nâng cao. Ý thức tôn trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, văn hoá Thăng Long- Hà Nội được quan tâm hơn, từ đó tạo ra thế hệ trẻ có bản lĩnh, tri thức để tiếp tục bồi đắp thêm cho các giá trị văn hoá tiến bộ của nhân loại.
Vượt qua cả sự kỳ vọng ấy, khi cuộc vận động được triển khai đã được phát triển ra rất nhiều hình thức đa dạng. Theo "kịch bản" chính thống, các hoạt động tuyên truyền về các giá trị văn hoá truyền thống được các cấp hội tổ chức thường xuyên hơn, trong đó việc giáo dục đạo đức, nếp sống văn minh cho thanh niên được đặc biệt nhấn mạnh. Từ khi phong trào được phát động đến nay, Hội đã tổ chức được hơn 10.000 buổi tuyên truyền về nếp sống văn minh, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng chống ma tuý…Gần 21.000 hội viên thanh niên đã thực hiện việc cưới theo nếp sống mới. Thông qua các chuyên đề như "Thanh niên sống đẹp", "Xây dựng thế hệ trẻ văn minh thanh lịch" đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của thanh niên trong việc xây dựng đời sống văn hoá tại cơ sở, giúp thanh niên biết giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống. Xây dựng nên những nét đẹp trong văn hoá ứng xử, góp phần tạo dựng ý thức, nếp sống văn hoá trong mỗi bạn trẻ hôm nay.
ảnh: Đặng Trinh
Nhưng cái đọng lại sâu hơn hết của cuộc vận động là những thanh niên đang sống lao động và học tập tại Hà Nội ý thức được rằng, họ cần luôn thể hiện mình là thế hệ trẻ của Thủ đô, có trách nhiệm của một "sứ giả" quảng bá hình ảnh văn minh, thanh lịch. Bắt đầu từ những việc rất nhỏ như không vứt rác ra đường, không vi phạm Luật giao thông, ứng xử có văn hoá. Rất nhiều nhóm thanh niên từ trường học, đô thị, nông thôn đã đứng ra tổ chức các hoạt động văn hoá truyền thống như hội chợ ẩm thực, thi kể chuyện về Thăng Long- Hà Nội, hát dân ca, tuyên truyền văn hoá, lịch sử Thăng Long- Hà Nội và họ coi đây cũng là cách góp sức cùng Thủ đô. Đậm nét nhất trong những hoạt động giữ gìn văn hoá truyền thống của thanh niên Hà Nội không thể không nói đến "Đội tuyên truyền văn hoá lịch sử Thăng Long" của sinh viên tình nguyện trường Đại học KHXH-NV Hà Nội. Đội chọn Văn Miếu- Quốc Tử Giám làm điểm hoạt động, bởi đây là khu di tích nổi tiếng gắn liền với nền giáo dục của nước ta và thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước. Thông qua việc giới thiệu với du khách về văn hoá, lịch sử Thăng Long- Hà Nội, hàng chục nghìn du khách đã có được những ghi nhận nhất định về lịch sử, văn hoá nơi đây, những nét ưu tú của văn hoá Hà Nội. Từ mô hình này, đến nay đã có hơn 10 đội thanh niên tình nguyện tuyên truyền về văn hoá, lịch sử Thăng Long- Hà Nội đóng tại các di tích lịch sử nổi tiếng, tập hợp sinh viên đến từ các trường: Đại học KHXH-NV Hà Nội, Đại học Sư phạm, CĐ Sư phạm, ĐH Văn hoá, Viện Đại học Mở Hà Nội.
Thanh niên tham gia Đội tự quản bảo đảm trật tự và văn minh đô thị.
Không chỉ giữ gìn và phát huy cho mọi người, thanh niên còn giữ gìn và truyền bá cho chính mình, bởi bản thân họ mong muốn được hiểu hơn về văn hoá Hà Nội. Nhiều bạn trẻ cho rằng, nét thanh lịch vốn là tính cách của người Hà Nội đang bị nhạt phai, ngược lại, thái độ cục cằn biểu thị ý thức không tôn trọng mọi người, không tôn trọng mình đang có chiều hướng tăng, đặc biệt là ở lớp trẻ. Điều đó thể hiện qua lời nói, dáng diệu, cách ăn mặc, cử chỉ từ trong nhà, trong trường và nơi công cộng rất khó coi.
Cuộc vận động đã đi được những bước đầu tiên và để lại dấu ấn, nhưng để thực sự bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của người Tràng An, có lẽ ngoài các hoạt động chính trong nội dung cuộc vận động xây dựng văn hoá người Hà Nội nói chung, trong thời gian tới, các cấp Hội nên tổ chức các buổi toạ đàm, diễn đàn, các cuộc thi với nội dung về truyền thống văn hoá cụ thể của người Hà Nội như ăn thế nào, mặc làm sao, chào hỏi, ứng xử, giao tiếp. qua đó thế hệ trẻ có thể hiểu và làm theo nét đẹp của người Hà Nội xưa. Đồng thời, tổ chức các hội chợ ẩm thực, thời trang hướng về truyền thống văn hoá của người Hà Nội bằng việc khôi phục lại những nét đẹp đó trong những mẫu thiết kế quần áo, đồ trang sức, đồ dùng gia đình. Điều mà thế hệ trẻ muốn cuộc vận động hướng tới sâu hơn nữa là giúp tất cả các bạn trẻ hiểu được mình cần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống nào, từ đó trở thành một thói quen trong hành vi ứng xử, lời nói, việc làm, giúp họ nuôi dưỡng tính cách, tạo nên nhân cách văn hoá ở mỗi người trẻ tuổi.
Nguyễn Văn Minh