“Chợ phiên – Chào năm mới 2024” là chủ đề hoạt động tháng 12 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) nhằm giới thiệu những nét văn hóa đầu xuân mới qua văn hóa ẩm thực cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc.
Chương trình tháng 12 có sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc:
Phiên chợ vùng cao ngày Tết: Tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao với niềm vui hân hoan đón chào năm mới 2024 tại “ngôi nhà chung”. 50 gian hàng và khu vực nhà dân tộc Phù Lá là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc.…
Không gian giới thiệu du lịch: Giới thiệu sản phẩm du lịch điểm đến của huyện Xín Mần, Hà Giang; giới thiệu ẩm thực truyền thống và phục vụ nhu cầu của du khách khi tham quan.
Giới thiệu nghệ thuật trình diễn dân gian múa Khèn dân tộc Mông: Các nghệ nhân dân tộc Mông sẽ trình diễn múa khèn đơn, khèn đôi; Giới thiệu cấu tạo của chiếc khèn và cách sử dụng khèn tới đồng bào và du khách; nghệ nhân giúp mọi người có thể trải nghiệm cùng trao đổi với nhau về tiếng khèn của đồng bào dân tộc Mông.
Giới thiệu, trình diễn nghệ thuật thêu, chà bóng vải đen, vẻ đẹp trang phục của dân tộc Nùng, Mông, Dao: Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc có kiểu dáng và cách trang trí hoa văn không giống nhau. Cùng với những bộ váy áo do đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn thẩm mỹ của các thiếu nữ tạo ra thì những bộ trang sức như các loại vòng cổ, vòng tay bằng bạc là không thể thiếu được trong trang phục của người dân tộc.
Chương trình thi thổi xôi ngũ sắc và mâm cơm mừng năm mới: Hội thi sẽ đưa du khách về với một không gian đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc phía Bắc. Từ phần chuẩn bị nguyên liệu thô, giã thóc thành gạo, lấy lửa tự nhiên, nấu cơm. 03 đội tham dự hội thi với 03 chõ đồ xôi các màu sắc khác nhau: Xôi màu đỏ được gọi là “khảu đeng” được ngâm với cây khảu đeng; Xôi màu tím được gọi là “khảu cắm” được ngâm với cây khảu cắm; Xôi màu vàng được gọi là “khẩu lương” được ngâm với hoa bó phón; Xôi màu xanh được gọi là “khảu kheo” được ngâm với lá cơm nếp hoặc lá dứa; Xôi màu trắng được gọi là “khảu đón” để nguyên. Sau đó các nghệ nhân sẽ trình bày mâm xôi ngũ sắc để giới thiệu đến du khách.
Tái hiện lễ hội cầu mùa của dân tộc Dao, huyện Xín Mần, Hà Giang: Lễ cầu mùa của người Dao được tổ chức trang trọng, có sự tham gia của cả cộng đồng, đồng bào dân tộc sinh sống tại một bản, một vùng vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới. Già làng, trưởng bản, các thầy mo và bà con trong bản họp bàn nhau để chuẩn bị cho lễ cúng với các công việc như chọn thầy cúng, chuẩn bị lễ vật, chọn địa điểm và ngày cúng. Lễ cúng thường được tổ chức vào ngày Thìn hoặc ngày Sửu vì theo quan niệm của đồng bào Dao thì tổ chức vào ngày này làng bản sẽ gặp nhiều may mắn. Bằng các nghi lễ truyền thống, điệu múa cầu mùa trong nghi thức cũng thể hiện sự tôn kính với thần rừng, thần núi, thần trời và thần đất. Đây không chỉ là nơi thể hiện nét đặc sắc trong truyền thống của bà con dân tộc Dao mà còn là nơi thể hiện ý nghĩa tâm linh sâu sắc trong đời sống văn hóa của họ.
Tái hiện Lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Lào tỉnh Sơn La: Đối với đồng bào dân tộc Lào đến từ huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nói riêng, các cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung, việc làm nhà hay sửa nhà là việc đại sự. Vì thế, từ xa xưa đến nay, lễ vào nhà mới của đồng bào dân tộc Lào là không thể thiếu khi dựng xong ngôi nhà mới hay về nhận nhà mới để ở. Đây luôn là cuộc vui thực sự của cả cộng đồng. Thông qua lễ vào nhà mới, du khách tham quan đã được trải nghiệm với một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Lào, được thưởng thức các món ẩm thực độc đáo và những tiết mục dân ca dân vũ đặc sắc…
Bên cạnh đó còn có các hoạt động giới thiệu văn hóa, ẩm thực, trò chơi dân gian, trình diễn nghệ thuật truyền thống của đồng bào các dân tộc đang sinh sống tại Làng; chương trình dân ca dân vũ “Phiên chợ ngày xuân” của cộng đồng các dân tộc tại không gian chợ vùng cao phía Bắc và các hoạt động cuối tuần, hoạt động hằng ngày hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.
V.H