Địa danh

Chùa Hương Tuyết- Di tích cách mạng kháng chiến

Chùa Hương Tuyết là địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách gần xa, đặc biệt là những người yêu lịch sử. Đến đây, du khách không chỉ được khám phá những nét đẹp kiến trúc mà còn có thêm những hiểu biết về một địa danh lịch sử cách mạng, liên quan đến thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tọa lạc trong ngõ 205 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, chùa Hương Tuyết là di tích tích lịch sử – văn hóa và cũng là di tích cách mạng – kháng chiến, nơi ghi dấu ấn sâu sắc thời kỳ chuẩn bị mọi mặt về tổ chức và lực lượng, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Chùa Hương Tuyết

Chùa Hương Tuyết được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, lúc đó thuộc huyện Hoàn Long, ngoại thành Hà Nội. Bài ký trên bia thờ Hậu chùa Hương Tuyết dựng năm Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân thứ 6 (1912) ghi rõ: Ông Nguyễn Hữu Quang ở phố Hàng Đào, phường Đồng Lạc, cùng vợ là Trương Thị Điều, phát tâm mua một khu vườn tư tại địa phận phường Bạch Mai, huyện Hoàn Long để xây dựng chùa thờ Phật, cùng với việc tô tượng, đúc chuông… Đến năm Tân Hợi (1911), tháng 10, ngày lành chùa xây xong, đặt tên là “Hương Tuyết Tự” (Chùa Hương Tuyết). Chùa có lối kiến trúc độc đáo truyền thống và bài trí nội thất tuân thủ theo nghi thức thờ Phật. Quần thể kiến trúc chùa bao gồm chùa chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách.

Nhà Tổ chùa Hương Tuyết

Chùa chính làm theo lối “tiền nhị, hậu đinh”, gồm Tiền đường, Trung đường và Thượng điện. Nhà tiền đường và trung đường được bố cục song song hình chữ “nhị” giống nhau cả về kích thước lẫn kiểu dáng, cả hai nếp nhà này đều có mặt bằng 5 gian, xây dựng kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Nhà tiền đường có kết cấu kiến trúc đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Các con hoành, xà, kẻ được bào trơn, bào soi trông rất nhẹ nhàng. Trên đầu các con rường, xà, kẻ được chạm nổi với những họa tiết trang trí đơn giản như hoa thị, lá thực vật được lặp đi lặp lại.

Thượng điện gồm ba gian chạy dọc, nối với các gian giữa là nhà Trung đường với 4 bộ vì kèo kết cấu kiến trúc theo kiểu chồng rường giá chiêng, tất cả được bào trơn, kẻ soi. Riêng ở gian giữa thượng điện có 2 bức cốn nách được kết cấu theo kiểu cốn mê, trên cốn được chạm nổi đề tài rồng cuốn thủy, với những đường nét chạm khắc khá công phu, có giá trị nghệ thuật, mang đậm dấu ấn của nghệ thuật kiện trúc thời Nguyễn thế kỷ XX. Nhà Mẫu và nhà thờ Tổ đều được cấu tạo theo kiểu kiến trúc truyền thống và bài trí nội thất tuân thủ theo nghi thức thờ tự như vẫn thường gặp tại các di tích tôn giáo tín ngưỡng khác.

Chùa Hương Tuyết hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý: Chuông đồng, bia đá thời Nguyễn và trên 50 pho tượng tròn, được tạo tác vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX… được chạm khắc tứ linh, tứ quý, rồng chầu, hổ phù rất tinh tế. Đây là những hiện vật vừa mang ý nghĩa nội dung, vừa mang giá trị nghệ thuật cho di tích. Bên cạnh các pho tượng Phật, còn có các pho tượng Mẫu có giá trị nghệ thuật. Cùng với các di vật điển hình được tạo tác bằng chất liệu gỗ gồm: Hoành phi, câu đối, y môn, của võng, cuốn thư, hương án, long ngai, khám thờ… chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quí, rồng chầu, hổ phù… tất cả được sơn son thếp vàng, đã làm tăng thêm sự trang nghiêm lộng lẫy cho kiến trúc Phật giáo tại chùa Hương Tuyết.

Không chỉ là di tích văn hóa, chùa Hương Tuyết còn là di tích cách mạng kháng chiến của quận Hai Bà Trưng. Năm 1929, chùa Hương Tuyết là địa điểm liên lạc của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, sau đó, là cơ sở hoạt động của các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Trần Học Hải, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung… Chùa còn là trụ sở của Ủy ban bãi công của công nhân xưởng Aviat. Ủy ban nhận chủ trương trực tiếp từ đồng chí Nguyễn Phong Sắc và đồng chí Ngô Gia Tự, chỉ đạo công nhân đấu tranh (từ 28-5-1929 đến 10-6-1929). Đây là cuộc đấu tranh có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển phong trào cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào công nhân nói riêng. Nâng lên một tầm cao mới biến đổi về chất, từ đấu tranh tự phát nâng lên đấu tranh tự giác có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Công Hội Đỏ tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay. Di tích Chùa Hương Tuyết và cuộc đấu tranh của công nhân Aviat  Hà Nội được xem là động lực trực tiếp thúc đẩy làn sóng đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta, dẫn tới sự ra đời của tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng (17/6/1929) hạt nhân chủ yếu của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập ngày 3/2/1930.

Xưởng Aviat là một xưởng sửa chữa và buôn bán ô tô lớn nhất Bắc kỳ đầu thế kỷ XX, nằm trên phố Rialan (nay là số 16 – 18 phố Phan Chu Trinh) có hơn 200 công nhân làm việc. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, công nhân Aviat đấu tranh quyết liệt đòi tăng lương, bỏ đánh đập, không được đuổi công nhân tham gia bãi công… Công nhân Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Mạo Khê, Vinh, Bến Thủy, Hà Đông, Ninh Bình… đồng lòng ủng hộ công nhân Aviat đấu tranh suốt 12 ngày và giành được thắng lợi.

Chùa Hương Tuyết là địa điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách gần xa, đặc biệt là những người yêu lịch sử. Đến đây, du khách không chỉ được khám phá những nét đẹp kiến trúc mà còn có thêm những hiểu biết về một địa danh lịch sử cách mạng, liên quan đến thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thanh Hà

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *