Các loại hình khác

Chuẩn bị ra mắt chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống “Long thành diễn xướng”

​Nhằm đa dạng hóa các loại hình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch, vừa qua, Nhà hát Chèo Hà Nội đã xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống “ Long thành diễn xướng”

​Nhằm đa dạng hóa các loại hình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch, vừa qua, Nhà hát Chèo Hà Nội đã xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống “ Long thành diễn xướng”. Trước khi đưa ra giới thiệu với công chúng, Nhà hát đã tổ chức lấy ý kiến của những người làm công tác quản lý du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và các đơn vị kinh doanh du lịch…​

Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống “Long thành diễn xướng”, bao gồm 11 tác phẩm hay và độc đáo được chắt lọc từ kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam, với những loại hình diễn xướng dân gian như: Múa rối nước, Chèo, Hát xẩm, Chầu văn, độc tấu nhạc cụ dân tộc, múa dân gian…Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu, chương trình hứa hẹn sẽ mang tới du khách những trải nghiệm thú vị về những giá trị đặc sắc và độc đáo của kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Giới thiệu đôi nét về các tác phẩm:

Múa dân gian :   Hương xuân– Khắc họa hình ảnh người phụ nữ Hà Nội xưa ngồi dệt vải bên khung cửi, rồi hình ảnh dải lụa trải dài trên những triền đê đẹp như những bức tranh quê của làng nghề  Vạn Phúc trong ánh ban mai long lanh, những chiếc áo yếm và những động tác tay thoi nhanh thoăn thoắt của những cô thôn nữ đã tạo nên một không gian lao động của người dân làng nghề canh cửi.

IMG-0847-3754-1421207985

Diễn xướng:  Thị Mầu lên chùa – Một lớp trò đặc sắc nhất của nghệ thuật Chèo, được kết hợp nhuần nhuyễn, điêu luyện giữa múa, hát và diễn, thể hiện tính cách lẳng lơ rất tinh tế của Thị Mầu, cô gái trẻ đẹp, tràn đầy nhựa sống. Cô tưởng Thị Kính là nam nên đã quyết phá bỏ quan niệm cũ kĩ của lễ giáo Phong kiến để được sống và yêu theo trái tim của mình

yQfK60c

Độc tấu:  Âm vang ngàn xưa – Tiết mục độc tấu nhạc cụ dân tộc sẽ đưa khán giả từ vùng văn hóa Tây Nguyên đại ngàn về hòa với văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ, với những âm hưởng dân ca đậm nét vùng miền, qua âm thanh của cây đàn K’Loong Put, đàn tranh, đàn bầu vang vọng từ ngàn xưa

Hát xẩm :    Lấy phải chồng già –  Một loại hình dân ca ở miền Bắc Việt Nam bắt nguồn từ thế kỷ 13 thường dành cho những người khiếm thị làm nghề hát rong để kiếm sống. Lời ca xẩm thường mang tính tự sự, kể chuyện nhân tình thế thái

Giao lưu tấu nhạc tre lắc:   Sào tra ngô –  Ở vùng đất Tây nguyên, hiện vẫn còn nhiều tộc người  duy trì cách làm nông nghiệp theo phương thức cổ truyền. Đó là bỏ vào trong ống nứa, ống tre những hạt ngô, và chọc xuống đất để gieo hạt…  những âm thanh  tự nhiên  nghe rất vui và lý thú.

IMG-1314-7308-1421207986

Múa dân gian:  Hứng dừa- sự gắn kết, giao thoa kỳ diệu giữa con người và thiên nhiên bằng những cảm xúc lãng mạn, hòa nhịp từ lao động sản xuất tới  tranh Đông Hồ, âm nhạc và vũ điệu.

Múa Rối :  Tễu – Giáo trò: – Là một nhân vật nổi bật nhất trong múa rối nước Việt Nam, Tễu là một nhân vật tiêu biểu đại diện cho khát vọng của người nông dân, chú Tễu đã trường tồn cùng rối nước. Vai trò của Tễu là giáo đầu, dẹp đám, là người dẫn chương trình giới thiệu cho khán giả các tích trò sẽ được diễn ra, lời thoại của chú Tễu rất sâu sắc, hóm hỉnh, đầy tính thời sự và gây tiếng cười thoải mái cho người xem

Múa rối: Tứ linh – Gồm những con vật đã có mặt trong văn hóa của nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Tứ Linh là bốn loài linh vật gồm: Long, Ly, Quy, Phượng. Lớp trò rối nước múa tứ linh gửi gắm những ước vọng con người trong cuộc sống là được cho mưa thuận, gió hòa, thái bình thịnh vượng, sống lâu trường thọ, hòa hợp âm dương

Múa rối: Loan phượng: – Trò diễn nói lên tình cảm lứa đôi, tình cảm gia đình giữa vợ với chồng, giữa bố mẹ với con cái thông qua hình tượng đôi chim Loan Phượng quấn quýt bên nhau.

Múa rối: Cấy cày nông nghiệp: – Tích trò này mô tả lại những công việc của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ trong sản xuất nông nghiệp như: cấy, cày, tát nước, gieo mạ, gặt lúa……Với khát vọng của người nông dân là có một cuộc sống no đủ, sung túc, vụ mùa bội thu

Chầu văn :   Cô bé thượng ngàn – Một loại hình ca hát cổ truyền chuyên dùng trong nghi lễ hầu Thánh Mẫu  trong văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt, có xuất xứ từ xa xưa ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các Thánh thần là người có công mở mang, bảo vệ đất nước. Có nhiều nhân vật cùng một lúc lần lượt nhập vào một người hầu đồng để ban thưởng sự may mắn cho mọi người. Đây là một  nghi lễ vẫn đang rất thịnh hành ở Việt Nam và đang được đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thanh Mai​​

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *