Văn hóa

Chuẩn mực người Hà Nội: giá trị cốt lõi của văn hóa Thủ đô

Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới được đặc biệt quan tâm. Với vị thế trung tâm của cả nước, việc xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô […]

Xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới được đặc biệt quan tâm. Với vị thế trung tâm của cả nước, việc xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa gắn với chuẩn mực con người Việt Nam

Nghị quyết Đại hội XIII xác định, xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là vấn đề tất yếu để bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận của dân tộc, của đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững. Đồng thời là nhu cầu khách quan trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Lương Đức Thắng cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực văn hóa. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng hệ giá trị văn hóa gắn kết chặt chẽ, hài hòa với việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam.

Xây dựng hệ giá trị gia đình được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.
Xây dựng hệ giá trị gia đình được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã không ngừng đổi mới, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm khơi thông dòng mạch cho nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người. Thành phố đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Chương trình xác định rõ, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó, nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.

Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội có nhiều nguồn lực, tài nguyên để phát triển văn hoá, trong đó con người là nguồn lực số 1 và quan trọng nhất. “Hà Nội có rất nhiều lợi thế để có thể phát triển văn hoá và con người, TP Hà Nội cũng xác định việc phát triển văn hoá, con người là động lực để phát triển Thủ đô” – ông Đỗ Đình Hồng chia sẻ.

Gìn giữ hệ giá trị người Hà Nội trong thời kỳ mới

Hà Nội nghìn năm văn hiến là nơi hội tụ nhiều nét tinh hoa của dân tộc. Nổi bật trong đó là nét đẹp văn hóa gia đình, là ứng xử thanh lịch, văn minh gia đình cũng như ngoài xã hội. Sở VH&TT đã cụ thể hóa Chương trình 06-CTr/TU bằng các hoạt động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, những quy định từ việc cưới, việc tang đến Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng văn hóa công sở… và góp phần thiết thực vào việc giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình và xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong điều kiện mới.

Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa cao tại Hà Nội đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó vấn đề gia đình và con người Hà Nội đang nổi lên nhiều bất cập. Cùng với đó, vấn đề gia đình cũng đứng trước nhiều thách thức trước những thay đổi về cách thức tổ chức đời sống cá nhân và đời sống cộng đồng trong điều kiện mới, mô hình gia đình hạt nhân không còn sự gắn kết như xưa, nhất là khi công nghệ 4.0 lên ngôi.

Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới là một yêu cầu tất yếu. Bên cạnh giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, những giá trị mới, phù hợp với thời đại cũng cần đặt ra. Bản thân những giá trị truyền thống cũng phải chọn lọc sao cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Từ đó, đề ra những giải pháp khả thi, có hiệu quả cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Xây dựng văn hóa người Hà Nội từ mỗi gia đình

Xây dựng văn hóa người Hà Nội từ mỗi gia đình  .
Xây dựng văn hóa người Hà Nội từ mỗi gia đình  .

Nền nếp ứng xử của mỗi cá nhân luôn được xây dựng từ mỗi gia đình – môi trường mà mỗi người hằng ngày tiếp xúc. Bởi vậy, TP Hà Nội luôn chú trọng gìn giữ những nét đẹp truyền thống cùng với tiếp thu những giá trị văn hóa mới phù hợp. Với chủ trương “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, Thành phố coi trọng việc tôn vinh những gia đình văn hóa tiêu biểu, để lan tỏa những điều tích cực đến cộng đồng.

TP Hà Nội cũng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp từ giáo dục, xây dựng các mô hình văn hóa, thực hiện các Quy tắc ứng xử… Trong đó, xây dựng văn hóa gia đình là nền tảng căn bản của xây dựng văn hóa, con người Thủ đô, nhất là mô hình Gia đình văn hóa.

Và trong các nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa năm 2024, Thành phố phấn đấu duy trì tỷ lệ 88% số hộ gia đình trên toàn Thành phố đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Nhiệm vụ này được 100% các quận, huyện, thị xã triển khai thành những chương trình, kế hoạch cụ thể. Theo đó, khắp các đơn vị thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Gia đình văn hóa, giữ gìn văn hóa gia đình…

Tại Hội nghị toạ đàm triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới, diễn ra mới đây, Cục phó Cục Văn hoá cơ sở Lương Đức Thắng cho rằng: Việc xây dựng hệ giá trị người Hà Nội hôm nay, cần phải được đặt trong “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Hệ giá trị này cần phải được lượng hoá cụ thể, sát với thực tế, phục vụ mục đích phát triển của Thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Quỳnh Anh

https://kinhtedothi.vn/chuan-muc-nguoi-ha-noi-gia-tri-cot-loi-cua-van-hoa-thu-do.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *