Tin ngành

Chung khảo Cuộc thi Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể “Người giữ màu dân tộc” Hà Nội – 2023

Sau vòng Sơ khảo được tổ chức với hình thức chấm video clip về nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc và nghệ thuật truyền thống của Thủ đô như: Hát Chầu văn, hát Ca trù, hát Xẩm, hát Dô, hát Chèo tàu, hát Trống quân, múa Bài bông, múa Rối… Ban Giám khảo đã chấm chọn được 16 đơn vị xuất sắc nhất để tham gia Chung khảo Cuộc thi.

Sáng 3/12, tại sân khấu ngoài trời Công viên Thống Nhất, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Chung khảo Cuộc thi Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể “Người giữ màu dân tộc” Hà Nội – 2023.

Cuộc thi thu hút đông đảo đại biểu và khán giả tới dự, cổ vũ

Ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở và bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tặng Cờ lưu niệm cho 16 đơn vị tham gia Chung khảo Cuộc thi

Đến dự Cuộc thi có ông Lương Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở; bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; bà Lý Thị Thúy Hạnh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố; đại diện các phòng, ban, đơn vị của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; đại diện Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã; đại diện các Câu lạc bộ Văn hóa nghệ thuật, cùng đông đảo người dân Thủ đô đến xem, cổ vũ.

Phát biểu khai mạc Chung khảo Cuộc thi, bà Lý Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố – Phó Trưởng Ban thường trực Cuộc thi cho biết: Tiếp nối thành công của Cuộc thi “Người giữ màu dân tộc” Hà Nội – 2020; Thực hiện Công ước về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể năm 2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giao Trung tâm Văn hóa Thành phố tổ chức Cuộc thi Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể “Người giữ màu dân tộc” Hà Nội – 2023. Đây là một trong những sự kiện hưởng ứng nội dung thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”.

Cuộc thi có chủ đề “Người giữ màu dân tộc”, với mong muốn tiếp tục khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc và Thủ đô, tôn vinh các tổ chức, cá nhân đã, đang cống hiến cho công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Đồng thời cũng là dịp để động viên, khích lệ phong trào quần chúng, đặc biệt để thế hệ trẻ tự nguyện tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc và các loại hình nghệ thuật truyền thống của Thủ đô.

“Sau 3 tháng phát động, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, Cuộc thi đã nhận được 44 video clip đến từ 35 đơn vị, cá nhân, Câu lạc bộ Văn hóa nghệ thuật cơ sở, đội văn nghệ đến từ các quận, huyện, thị xã, các cộng tác viên Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Cuộc thi tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là những người đang say mê gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc” – bà Lý Thị Thúy Hạnh nhấn mạnh.

Trình diễn Hát văn “Hát mừng Hà Nội – Việt Nam” 

Trình diễn Ca trù “Gửi thư” 

Trích đoạn Tuồng lịch sử “Lửa Thiên Trường”

Trình diễn “Múa Bài bông”

Trình diễn hát Trống quân “Trăng rằm giao duyên”

Trình diễn hát Xẩm “Tự hào Thăng Long Hà Nội”

Trình diễn Rối cạn “Hồn Rối dân gian”

Sau vòng Sơ khảo được tổ chức với hình thức chấm video clip về nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc và nghệ thuật truyền thống của Thủ đô như: Hát Chầu văn, hát Ca trù, hát Xẩm, hát Dô, Chèo tàu, hát Trống quân, múa Bài bông, múa Rối… Ban Giám khảo đã chấm chọn được 16 đơn vị xuất sắc nhất để tham gia Chung khảo Cuộc thi. Sau 1 buổi sáng trình diễn 16 tiết mục Di sản văn hóa phi vật thể đầy màu sắc, Cuộc thi đã khép lại, nhưng những cung bậc cảm xúc, ấn tượng sâu sắc, thích thú về Cuộc thi đã để lại dư âm tốt đẹp đối với khán giả.

PGS.TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội – Trưởng Ban Giám khảo nhận xét: Cuộc thi Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể “Người giữ màu dân tộc” Hà Nội – 2023 được chuẩn bị hết sức công phu, nghiêm túc, với tâm huyết và đam mê cháy bỏng, tinh thần trách nhiệm cao trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Được xem các đơn vị trình diễn di sản, chúng ta như được trở về quá khứ, được sống lại không gian văn hóa truyền thống, khi các loại hình nghệ thuật truyền thống rất cổ xưa được làm tươi mới với sắc màu đương đại.

Cuộc thi năm nay có sự đa dạng về thể loại, đa dạng về phong cách, thực sự rất khó cho Ban Giám khảo chấm điểm để lựa chọn ra thứ bậc của giải. Nét đặc biệt của Cuộc thi còn thể hiện ở sự đa dạng về lứa tuổi, khi xuất hiện trên sân khấu nghệ nhân hơn 80 tuổi cho đến những cháu nhỏ mới học tiểu học, xuất hiện cả những nghệ nhân khiếm thị khiến Ban Giám khảo thực sự xúc động về sự đóng góp của họ. Điều này cho thấy “Người giữ màu dân tộc” thực sự là một dòng chảy chưa bao giờ ngưng nghỉ, chưa bao giờ ngắt đoạn trong đời sống văn hóa của dân tộc nói chung, Hà Nội nói riêng.

PGS.TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội  – Trưởng Ban Giám khảo nhận xét Cuộc thi

Với tất cả những cống hiến mà các nghệ nhân mang đến cho Cuộc thi, với việc tổ chức bài bản, chuyên nghiệp của Ban Tổ chức, Cuộc thi Trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể “Người giữ màu dân tộc” đã thành công tốt đẹp, mà ở đó các nghệ nhân đang miệt mài giữ gìn “màu dân tộc” cho bền, cho đậm, cho tươi và cho muôn đời sau…

Căn cứ kết quả đánh giá của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức trao giải A cho tiết mục hát Xẩm “Tự hào Thăng Long Hà Nội” – Câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống Thanh Xuân.

Trao 5 giải B cho các tiết mục: “Hồn Rối dân gian” – Phường Rối cạn Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức); Trích đoạn Tuồng lịch sử “Lửa Thiên Trường” – Câu lạc bộ Tuồng Ngự Câu (xã An Thượng, huyện Hoài Đức); “Hát mừng Hà Nội – Việt Nam” – Câu lạc bộ Hát văn và Chầu văn Hà Nội; “Chúa Bà Chúc” – Câu lạc bộ Chèu tàu xã Tân Hội (huyện Đan Phượng); “Hà Nội mùa xuân” – Câu lạc bộ Hát Chèo Trung Lập (xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên).

Ban Tổ chức trao giải cho các đơn vị

Trao 10 giải C cho các tiết mục: “Đệ nhất nam tử” – Câu lạc bộ Ca trù xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng); “Làn điệu chèo thuyền” – Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Quốc Oai; “Hát múa Bài bông” – Câu lạc bộ Ca trù Trúc Mai (quận Ba Đình); “Dồn Đại Thạch” – Câu lạc bộ Ca trù Hà Thành; “Cô Sáu Sơn Trang” – Câu lạc bộ Văn nghệ quần chúng phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); “Trăng rằm giao duyên” – Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Phúc Thọ; “Gửi thư” – Câu lạc bộ Ca trù phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông); “Múa Bài bông” – Câu lạc bộ Múa Bài bông Phú Nhiêu (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên); “Hát mừng Thăng Long Hà Nội” – Câu lạc bộ Nhạc truyền thống UNESCO thành phố Hà Nội; “Hương sen dâng Bác” – Câu lạc bộ Hát Chèo và Hát dân ca Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Thanh Oai.

Ban Tổ chức cũng trao 10 giải Khuyến khích và 10 giải Khuyến khích chuyên đề: Giải cống hiến nghệ nhân cao tuổi Kim Liên; giải cống hiến dàn nhạc khiếm thị; giải ấn tượng – “Dồn Đại Thạch”, “Hát múa Bài bông”, “Trăng rằm giao duyên”, “Múa Bài bông”; giải chương trình đầu tư công phu – “Cô Sáu Sơn Trang”; giải thành viên trẻ – “Làn điệu chèo thuyền”; giải hát Ca trù triển vọng – “Đệ nhất nam tử”; giải phong trào – “Hương sen dâng Bác”.

Thảo Nhi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *