Gia đình là tế bào của xã hội, là chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho mỗi thành viên, là nơi để mọi người được thể hiện, bày tỏ tình yêu thương, sự chia sẻ dành cho nhau. Gia đình còn là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp được hình thành, phát triển và gìn giữ, vun đắp trong mỗi gia đình. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh, trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững. Tuy nhiên hiện nay, một thực trạng rất đáng báo động đó là bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại và tiềm ẩn trong các gia đình.
Thống kê qua số vụ bạo lực gia đình xảy ra cho thấy, hình thức bạo lực chủ yếu là bạo lực tinh thần và thân thể. Nạn nhân của bạo lực gia đình gồm trẻ em, người già, phụ nữ. Tuy nhiên đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất của bạo lực gia đình vẫn là phụ nữ.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng bạo lực gia đình, đó là do ảnh hưởng của tư duy phong kiến, bất bình đẳng giới, trọng nam, khinh nữ, thái độ gia trưởng ở một số nam giới; do thiếu kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, thiếu hiểu biết về quy định của pháp luật như Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em. Các tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, mại dâm, ngoại tình,… cũng dẫn đến bạo lực gia đình. Một nguyên nhân quan trọng khác nữa đó là sự cam chịu, không dám công khai, báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của các nạn nhân.
Bạo lực gia đình gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ gây tổn thương về thể xác và tâm lý đến các nạn nhân bị bạo lực gia đình trực tiếp; bạo lực gia đình còn ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ em sống trong gia đình có bạo lực; ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, làm cho gia đình tan vỡ không hạnh phúc, thậm chí dẫn đến ly hôn, từ đó giảm trách nhiệm quan tâm chăm sóc con cái. Hậu quả con cái sẽ xa rời gia đình, dễ tiếp thu những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội hoặc trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội. Bạo lực gia đình còn gây ra những thiệt hại về kinh tế: Tài sản của gia đình bị giảm sút do sự đập phá, tiêu tán bởi hành vi bạo lực gia đình; thu nhập của gia đình và đóng góp cho xã hội giảm bởi khả năng lao động của nạn nhân bị hạn chế. Vì vậy, việc nhận diện đúng, đủ về tệ nạn bạo lực gia đình để mọi người ý thức chấp hành tốt Luật Phòng chống bạo lực gia đình luôn là việc cần thiết cho từng mái ấm gia đình, cộng đồng và xã hội.
Theo số liệu báo cáo tổng hợp thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Hà Nội, nếu như năm 2013 xảy ra 369 vụ bạo lực gia đình, thì năm 2023 chỉ còn 45 vụ. Đây là một dấu hiệu đáng mừng trong công tác phòng chống bạo lực gia đình của Thành phố. Hà Nội đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình của địa phương; Đưa các mục tiêu, nội dung của Chương trình phòng chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; Tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình; Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; quan tâm xây dựng gia đình văn hoá, làng/tổ dân phố văn hoá, trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma tuý vào tiêu chí bình xét công nhận gia đình văn hóa…
Cùng với nỗ lực của chính quyền, đoàn thể trong việc xây dựng cộng đồng, xã hội văn minh, an toàn, để ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực gia đình, xây dựng một gia đình hạnh phúc phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động từ mỗi cá nhân. Vợ – chồng cần nâng cao trách nhiệm, hiểu biết để làm chủ cuộc sống của mình, có kiến thức trong ứng xử, trong nuôi dạy con, nâng cao sự tự chủ trong kinh tế. Các thành viên trong gia đình cần nâng cao hiểu biết xã hội, kiến thức pháp luật để bảo vệ hạnh phúc gia đình mình.
Quyên Lê