Văn hóa

CLB thư pháp UNESCO Việt Tâm Bút: Gìn giữ nét văn hóa Việt

Nhiều năm nay, thú chơi Thư pháp nói chung, thư pháp chữ Việt nói riêng đã  trở thành nét văn hóa đẹp của người dân Thủ đô mỗi độ Tết đến Xuân về. Vượt lên những khó khăn, trở ngại ban đầu, Câu lạc bộ (CLB) thư pháp Việt Tâm Bút đã khẳng định được tiếng nói riêng bởi sự nỗ lực không ngừng của mỗi thành viên trong việc gìn giữ nét văn hóa Việt.

CLB thư pháp Việt Tâm Bút được thành lập năm 2004 bởi Kiều Quốc Khánh, một nhà thiết kế thời trang, vì yêu chữ Việt rồi gắn bó với thư pháp chữ Việt. Cái “duyên” bắt đầu khi năm 2000, Kiều Quốc Khánh vào thăm người quen tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi đi dạo qua tuyến phố cho chữ, nhìn ngắm những bức thư pháp chữ Quốc ngữ, anh lập tức bị “hút hồn” bởi những đường nét uốn lượn.

Trở về với công việc, Kiều Quốc Khánh ấp ủ ước mơ phát triển thư pháp chữ Quốc ngữ trên đất Bắc. Anh chuyển từ thú chơi thư pháp chữ Hán sang thư pháp chữ Việt, lập ra các nhóm thư pháp trẻ, mở nhiều lớp dạy thư pháp chữ Quốc ngữ miễn phí. Sau những bước chuẩn bị chu đáo, năm 2004, CLB thư pháp UNESCO Việt Tâm Bút chính thức được thành lập do Kiều Quốc Khánh là Chủ nhiệm. CLB là điểm hẹn những người yêu thư pháp chữ Việt, tôn vinh vẻ đẹp chữ Việt, từ đó lan tỏa thú chơi tao nhã đến cộng đồng. Hiện nay, CLB có hơn 40 hội viên, sinh hoạt 1 lần/tháng. Bên cạnh đó, CLB còn mời các CLB khác đến giao lưu, trao đổi về thư pháp.  Điều đáng mừng là các lớp học thư pháp chữ Việt của CLB đã được tổ chức không chỉ tại Hà Nội mà còn được lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành. Hàng năm, nhiều thành viên của CLB được tham gia viết chữ tại Hội chữ Xuân (tổ chức tại hồ Văn), được nhiều người tin tưởng tìm đến xin chữ.

Thực tế cho thấy, thư pháp chữ Quốc ngữ có được sự thông dụng bởi sự dễ hiểu, bởi đơn thuần nó là những chữ Việt được viết với những nét uốn lượn một cách nghệ thuật theo ý tưởng của tác giả. Thế nhưng, để viết được một bức thư pháp đẹp đòi hỏi người viết phải có những hiểu biết, tìm tòi nhất định.  Theo anh Khánh, cái khó của viết thư pháp chữ Quốc ngữ chính là những đường nét uốn lượn, nét cong, tròn. Mặt khác, do chữ Việt được ghép nối từ nhiều chữ cái, kích thước mỗi kí tự cũng khác nhau nên khi viết thư pháp Việt, khó nhất phải tạo được sự cân đối của chữ.

Nếu thư pháp chữ Hán đã có những mẫu chuẩn thì chữ Việt lại không theo khuôn mẫu nhất định. Cùng một chữ nhưng dưới bàn tay tài hoa và ý tưởng của người viết, sẽ cho ra đời những tác phẩm khác nhau. Nghề chơi cũng lắm công phu, như anh Khánh chia sẻ: “ Tùy vào từng chữ mà người viết cách điệu đường nét, tạo thành hình ngọn núi, thác nước. Nó đòi hỏi mỗi người chơi chữ không ngừng tìm tòi sáng tạo cái mới”. Từ năm 2017, anh Khánh không còn làm Chủ nhiệm CLB thư pháp UNESCO Việt Tâm Bút nữa nhưng vẫn gắn bó, sinh hoạt với CLB và hỗ trợ với vai trò cố vấn. Những ước mơ, ấp ủ của anh được tiếp tục gìn giữ, phát huy bởi người học trò Bùi Chính Hưng. Và cũng bởi quá yêu chữ Việt, anh Hưng đã sáng tạo ra nhiều trò chơi trí tuệ liên quan đến thư pháp trong đó tiêu biểu nhất là Trò chơi chữ Việt. Trò chơi sử dụng 54 thẻ chữ thư pháp hội nhập. Đây là  sản phẩm kết tinh trí tuệ tư duy hội nhập trên các thẻ chữ thư pháp Việt với mục đích đưa thư pháp Việt vào ứng dụng trong cuộc sống, giúp  mọi người nâng tầm trí tuệ để thành công hơn trong  học tập, làm việc, cuộc sống. Nếu có tư duy đúng,  phương pháp hay, hành động thực thì kết quả sẽ thành công.

Thư pháp chữ Việt đang ngày càng khẳng định được vị trí của mình, trở thành thú chơi, nét đẹp văn hóa trong cuộc sống hàng ngày của người Hà Nội và cả những du khách, đặc biệt là mỗi độ Tết đến Xuân về. Hơn 14 năm qua, các thành viên CLB UNESCO Việt Tâm Bút luôn thực hành theo đúng tôn chỉ của CLB, không ngừng học hỏi, tìm tòi và thể hiện tình yêu, sự tâm huyết của mình với chữ Việt qua từng tác phẩm. Số lượng người xin chữ tăng mỗi năm chính là niềm cổ vũ, ghi nhận cho sự cố gắng của các thành viên CLB.

Một mùa Xuân nữa đang về. Ngoài kia, đào đã thắm, không khí Xuân đã tràn ngập phố phường. Trong hành trình du Xuân Kỷ Hợi 2019, dừng chân tại Hội chữ Xuân, sẽ có rất nhiều người tìm đến gian hàng viết thư pháp chữ Quốc ngữ. Tìm đến thú chơi tao nhã này, được thả lòng mình vào cái tài, cái khéo của ông đồ qua từng nét chữ, để cảm nhận trong mỗi tác phẩm thư pháp chữ Việt, là tình yêu, niềm tự hào dân tộc; để thấu hiểu hơn tâm nguyện của những người yêu thư pháp chữ Việt của CLB thư pháp UNESCO Việt Tâm Bút, được gửi gắm vào những lời thơ:

“Mượn con chữ tỏ lòng mình

Mượn nét chữ tỏ ý tình của ta

Đậm đà Quốc ngữ chữ ta

Món quà dâng tặng gần xa kính mời”

Nguyễn Tâm

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *