Tin tức - Sự kiện

Cơ hội để Hà Nội ban hành cơ chế đặc thù thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề

Ngày 5/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hiện nay Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của Thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững.

Quy mô sản xuất trong làng nghề tăng trưởng chưa tương xứng

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm.

Mặc dù vậy, đánh giá khách quan cho thấy, quy mô sản xuất trong làng nghề tại Hà Nội hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; thiết bị sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu; năng lực, trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; tính cạnh tranh của một số sản phẩm làng nghề chưa cao, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô…

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã phản ánh, kiến nghị, đề xuất các vấn đề liên quan đến quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; các cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề về vốn vay, đào tạo… và nhóm vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.

Cơ hội để Hà Nội ban hành cơ chế đặc thù thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Ông Đồng Quang Chính, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Đức Anh nêu những khó khăn về chi phí tham gia các chương trình xúc tiến, trong giao thương… và đề nghị Thành phố tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài, tạo ra nhiều sân chơi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại.

Bà Nguyễn Thị Lương, đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên) nêu việc đơn vị mình chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ với 95% hàng được xuất khẩu thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ.

Thời gian qua, công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ của Thành phố và huyện trong đào tạo nghề, đặc biệt mặt hàng xuất khẩu được hỗ trợ 100% về thuế suất; các thủ tục nhanh gọn, thuận lợi…

Tuy nhiên, công ty vẫn gặp những khó khăn về chi phí vận chuyển, thiếu mặt bằng để sản xuất. Do đó, bà Lương kiến nghị Thành phố tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là được tham gia các hội chợ quốc tế.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thăng Long (thôn Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh) bày tỏ mong muốn Thành phố tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư vào phát triển ngành nghề.

Sau khi lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp làng nghề, đại diện các Sở, ngành đã giải đáp các vướng mắc.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội thông tin ngành Ngân hàng đã và đang triển khai nhiều chính sách và giải pháp tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh các giải pháp có tính khả thi đối với các gói tín dụng, chính sách ưu đãi góp phần hỗ trợ và tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng đã và đang có các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khách hàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng bằng các giải pháp tiết kiệm chi phí, giảm lãi suất cho vay; có những sản phẩm gói tín dụng, sản phẩm vay ưu đãi tốt nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làng nghề có thể tiếp cận…

Cơ hội để Hà Nội ban hành cơ chế đặc thù thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề
Đại diện doanh nghiệp nêu ý kiến.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cho biết, công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giao lưu, xúc tiến thương mại là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND Thành phố giao HPA.

Đầu năm 2024, HPA đã tổ chức hội chợ xúc tiến tại Lào, gần chục sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã tham gia và được giới thiệu, quảng bá đến nhân dân Lào.

Thời gian tới, đơn vị sẽ báo cáo thành phố Hà Nội để tiếp tục được tổ chức các chương trình hội chợ tương tự để các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của các cơ sở, doanh nghiệp được đến tay người tiêu dùng.

Về ý kiến của đại diện Công ty Hiền Lương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại nước ngoài được hỗ trợ theo 2 hình thức: Nếu doanh nghiệp tham gia có gian hàng sẽ được hỗ trợ 100% chi phí; nếu doanh nghiệp tham gia hội chợ nhưng không có gian hàng sẽ được hỗ trợ vé máy bay…

Sở Công Thương khẳng định sẽ luôn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trên tinh thần đồng hành hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làng nghề…

Phải nghĩ lớn, làm lớn và hợp tác với nhau

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những ý kiến chia sẻ của các doanh nghiệp, HTX làng nghề.

Chủ tịch UBND Thành phố nêu con số, trong 2 năm qua, GRDP của Hà Nội luôn đạt trên 50 tỷ USD, trong đó, doanh thu của các làng nghề chiếm khoảng 1 tỷ USD (bằng 1/50 tổng giá trị sản xuất của Hà Nội), đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn…

Quan trọng hơn, làng nghề là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của Thủ đô Hà Nội. Sự phát triển của các làng nghề đã giúp mang văn hoá Hà Nội và Việt Nam ra thế giới, qua đó khẳng định, trong bối cảnh nào, Việt Nam cũng là quốc gia có nền văn hoá vô cùng đặc sắc.

Cơ hội để Hà Nội ban hành cơ chế đặc thù thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề
Toàn cảnh hội nghị.

Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định cấp ủy, cả hệ thống chính quyền rất quan tâm tới doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng thẳng thắn cho biết, có lúc có nơi sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp chính quyền khiến lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn; vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, thế mạnh vốn có của các làng nghề và lợi thế của Thủ đô…

Thực tế, nhiều sản phẩm làng nghề có chất lượng rất tốt, được chứng nhận OCOP nhưng việc duy trì và phát triển thương hiệu lại chưa được quan tâm. Thậm chí “hàng thủ công mỹ nghệ nhiều sản phẩm lô đầu rất đẹp nhưng lô sau lại làm ẩu, làm mất khách hàng…

Do đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ quan điểm phải nghĩ lớn làm lớn, hợp tác với nhau, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận khoa học công nghệ, thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế…

“Hiện nay, Thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của Thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội cũng cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp làng nghề; nhất là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Ngân Phương

Theo Theo LĐTĐ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *