Được xây dựng từ thế kỷ XII, chùa Bà Tấm còn lưu giữ được những di vật quý, là Bảo vật quốc gia như đôi tượng sư tử đá thời Lý, khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc.
Sáng 22/3/2022, tại cụm di tích chùa Bà Tấm – đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) đã diễn ra lễ kỷ niệm 959 năm ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang (1063-2022); công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia Đôi tượng sư tử đá thời Lý và Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc; Khánh thành công trình hạ tầng kỹ thuật chùa Bà Tấm – Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan.
Dự buổi lễ có bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Thành phố Hà Nội; Bà Trần Thị Vân Anh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; ông Trương Văn Học- Uỷ viên BTV Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cùng đại diện lãnh đạo xã Dương Xá.
Chùa Bà Tấm được xây dựng vào năm 1115, là một trong những cụm di tích nổi tiếng, nơi chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của Thăng Long – Hà Nội và đất nước, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1996.
Chùa Bà Tấm gắn liền với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của Nguyên phi Ỷ Lan (1044 -1117) – người con quê hương Thuận Thành, Bắc Ninh, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, xuất thân trong một gia đình làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, nổi tiếng là người thông minh, xinh đẹp, dịu hiền. Bà là phi tần của vua Lý Thánh Tông, là mẹ của vua Lý Nhân Tông. Bà đã hai lần nhiếp chính và có công lao to lớn trong việc trị quốc, giúp vương triều Lý hưng thịnh. Vốn là tín đồ Phật giáo, khi đã là Linh Nhân Hoàng thái hậu, bà ra lệnh xây rất nhiều chùa khắp đất nước. Dân gian tôn sùng, gọi Linh Nhân Hoàng thái hậu là “Bà Tấm” với nghĩa như Phật Bà Quan âm – hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành. Sau khi bà mất (năm 1117), người dân thờ bà ở ngôi chùa tại quê hương và gọi đó là chùa Bà Tấm.
Qua nhiều lần trùng tu, đến nay, cụm di tích đền và chùa Bà Tấm vẫn giữ được vẻ nguyên sơ với nét kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa nhà Lý, vừa mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc lại vừa mang giá trị nghệ thuật cao, thực sự là một công trình nghệ thuật độc đáo, quý hiếm của dân tộc.
Chùa Bà Tấm còn lưu giữa nhiều hiện vật quý, tiêu biểu là đôi tượng sư tử đá thời Lý (niên đại thế kỷ XII), khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thời Mạc (niên đại thế kỷ XVI) được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tượng đôi sư tử có công năng là bệ thờ Phật, kích thước lớn (cao 1,2m; rộng 1,36m) trong tư thế phủ phục, được tạo tác từ đá khối. Tượng đôi sư tử đá có chữ “Vương” trên trán, phần bờm, tai, quanh miệng sư tử có các biểu tượng ánh chớp, hào quang, thể hiện sức giáo hóa của Phật pháp. Tượng do người Việt chế tác, đường nét mềm mại, phong thái đủ uy nghi mà vẫn hiền hòa, xứng đáng là kiệt tác nghệ thuật thế kỷ XII.
Khám thờ gỗ sơn son thếp vàng là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho loại hình đồ thờ trong đền chùa, đại diện cho kỹ nghệ chạm gỗ, sơn son thếp vàng của nước ta nói chung và thời Mạc nói riêng. Đây là một trong ba khám thờ có niên đại sớm nhất được biết đến hiện nay mang phong cách trang trí nghệ thuật, sản phẩm tiêu biểu của nghệ thuật sơn thếp truyền thống thế kỷ XVI, trải qua hơn 400 năm vẫn gần như còn nguyên vẹn. Khám thờ ở đền – chùa Bà Tấm là hiện vật có hình thức độc đáo, được làm theo kiểu long đình, như là hình thức của một công trình kiến trúc thu nhỏ, nhưng lại khá chi tiết. Khám thờ này, ngoài giá trị nghệ thuật, còn cho chúng ta biết một hình mẫu kiến trúc thời Mạc, đưa nghệ thuật dân tộc trở về với bản thể truyền thống.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cắt băng khánh thành công trình hạ tầng kỹ thuật chùa Bà Tấm với tổng mức đầu tư 37 tỷ 838 triệu đồng. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 3/2020 gồm các hạng mục: Cải tạo hạ tầng trong khuôn viên chùa; mở rộng ngoài khuân viên chùa cũ (khoảng 1,3 ha): xây dựng 02 bãi đỗ xe; kè, tạo cảnh ao sen; cải tạo, xây mới 05 tuyến đường để kết nối hạ tầng; cải tạo, xây mới hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng; tu bổ, tôn tạo các ki ốt bán hàng lưu niệm. Đến tháng 7/2021 công trình đã hoàn thành và đảm bảo thiết kế, chất lượng. Hiện nay, UBND huyện Gia Lâm đang tiếp tục lập hồ sơ dự án Tu bổ, tôn tạo Đền chính với kinh phí dự kiến khoảng 12 tỷ đồng.
Hoàng Anh