Tin tức - Sự kiện

Công nghiệp văn hóa tạo động lực thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo”

Sáng 18/6/2021, Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm khoa học thứ hai về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025”, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045- Thực trạng và giải pháp” với mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến tham vấn của các cơ quan, chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy các sáng kiến giúp Thành phố Hà Nội hoạch định tầm nhìn, xác định chiến lược phát triển, xây dựng kế hoạch dài hạn nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh văn hóa- con người Hà Nội- một nguồn lực quan trọng, sức mạnh nội sinh quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì buổi tọa đàm

Tham dự tọa đàm có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Viện Văn hóa- Nghệ thuật Quốc gia, Vụ văn hóa, nghệ thuật Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Điện ảnh và đại diện một số tổ chức quốc tế, gồm: Tổ chức UNESCO tại Hà Nội, đại học Quốc tế RMIT Việt Nam, đại diện một số nước có ngành công nghiệp văn hóa phát triển như: Pháp, Italia… các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết: Với vị thế là Thủ đô, hiện nay Hà Nội đã và đang hội tụ đầy đủ nhất tiềm năng, lợi thế phát triển, đặc biệt, Thăng Long – Hà Nội mảnh đất “Rồng bay” tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của nền văn hóa dân tộc, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, có kho tàng di sản văn hóa to lớn, là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước, ở thời điểm cơ cấu dân số vàng (trên 51,7% dân số trẻ), cùng với tiến trình hội nhập mạnh mẽ, quan hệ hợp tác quốc tế được phát triển mở rộng với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới đã và đang tạo nên thế và lực mới trên trường quốc tế, tạo đà cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Điều đó đặt ra trọng trách lớn đối với Hà Nội, phải làm sao thực sự xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn tiêu biểu của cả nước, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trung tâm lớn về kinh tế, có sức cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.

Để đạt được mục tiêu ấy và thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII vào đời sống xã hội, quan điểm phát triển của thành phố Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, tạo nên diện mạo, môi trường văn hóa mới, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.

Đảng bộ Thành phố quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, nhằm bắt nhịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần Nhân dân gắn với thu hẹp khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng (khu vực đô thị, ngoại thành, khu xa trung tâm…), góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2045 Hà Nội “có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD”.

Đây vừa là việc cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, vừa là quyết tâm chính trị cao của Thành phố thực hiện cam kết với UNESCO trong việc xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Để hiện thực hóa việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP Thủ đô, đạt được mục tiêu “Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước” trong Chiến lược của Chính phủ; tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, Thành phố Hà Nội cũng nhận thấy còn nhiều khó khăn, thách thức như: Từ vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, văn hóa số; sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; quá trình đô thị hoá nhanh; sự gia tăng cơ học dân số quá cao; trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách văn hóa; giáo dục sáng tạo, đào tạo trên các lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới; thiếu cơ chế phối hợp, liên kết tuần hoàn, bền vững giữa các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra; thị trường văn hoá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…

Tại buổi tọa đàm khoa học lần này, Hà Nội mong muốn nhận được sự đóng góp trí tuệ, sáng kiến tham vấn tâm huyết để xây dựng, phát triển Thủ đô của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, văn nghệ sỹ, trí thức và cộng đồng sáng tạo đang hoạt động trên 12 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ, gồm: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Quảng cáo; Thủ công mỹ nghệ; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và phát thanh; Thời trang; Du lịch văn hóa; Kiến trúc; Thiết kế; Xuất bản; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.

Theo đó, buổi tọa đàm khoa học lần này đã nhận được nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước tham luận về các chủ đề: “Năng động văn hóa”, Tái tạo đô thị và phát triển kinh tế, Giáo dục sáng tạo và đổi mới các chính sách.

Theo Ông Michael Croft – Trưởng Đại diện UNESCO Việt Nam trao đổi tại tọa đàm

Theo Ông Michael Croft – Trưởng Đại diện UNESCO Việt Nam:Thành phố sáng tạo” là một câu chuyện mới, góp phần đưa Hà Nội trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á. Lĩnh vực thiết kế mà Hà Nội lựa chọn góp phần tạo nên thương hiệu cho Thủ đô Hà Nội.

Sau khi Hà Nội thành công gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo, UNESCO đã làm việc với lãnh đạo thành phố và chính quyền Trung ương để hiện thực hóa tầm nhìn Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo. Trong đó, UNESCO, phối hợp với các đối tác là UN Habitat, UNIDO và với sự hỗ trợ của Tập đoàn SOVICO đã phát triển dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho Thủ đô sáng tạo Hà Nội” với khẩu hiệu “ Rethink (Nghĩ khác) Hà Nội”.

Sáng kiến này sẽ giúp thúc đẩy tầm nhìn chiến lược mới cho Thủ đô sáng tạo – một thành phố trao quyền cho công dân của mình; Xây dựng một nền kinh tế cân bằng, đa dạng và đổi mới và hướng tới một cách tiếp cận bền vững hơn, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển. Việc kết nối và hợp tác giúp Thủ đô phát triển, trong đó nên đặt giới trẻ vào vị trí trung tâm.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đánh giá: Hà Nội là thành phố giàu tài nguyên và tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa. Các chính sách của Thành phố triển khai trong thời gian qua đã bước đầu tạo khung thể chế có khả năng phát huy được 8 trụ cột tài nguyên mềm văn hóa. Sự năng động của các ngành công nghiệp văn hóa tạo động lực để Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo đầu tiên của Việt Nam tham gia UCNN ở lĩnh vực thiết kế. Tuy nhiên, Hà Nội cũng gặp nhiều thách thức, đó là: rào cản chính sách khiến công nghiệp văn hóa chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các nguồn lực văn hóa. Hà Nội cũng chưa tạo được cơ chế phối hợp dồng bộ hiệu quả trong phát triển công nghiệp văn hóa, theo đó PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất, Hà Nội muốn phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa, cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm; tạo cơ chế đầu tư tài chính và thu hút vốn, hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo, đồng thời triển khai chương trình hành động mà Hà Nội đã cam kết với mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ông Emmanuel Cerise, Đại diện Vùng Île-de-France (Cộng hòa Pháp) tại Hà Nội cho rằng: Hà Nội có nhiều tiềm năng về công nghiệp văn hóa, không chỉ tập trung ở khu vực đô thị trung tâm, Hà Nội nên mở rộng đầu tư ở các vùng ngoại vi xung quanh Thủ đô như: Phát triển khu vực ven sông Hồng thành trục không gian văn hóa với du lịch đường sông và du lịch sinh thái ven sông. Các làng nghề ở ngoại thành Hà Nội có thể trở thành cơ sở phát triển các sản phẩm thiết kế sáng tạo. Các di tích tôn giáo và văn hóa ở ngoại thành Hà Nội là cơ sở để phát triển các sản phẩm du lịch phục vụ khách nội địa và quốc tế. Vì vậy, Hà Nội  nên đặt mục tiêu thiết lập các lộ trình tham quan kết nối nhiều địa danh du lịch với nhau để tạo nên những câu chuyện văn hóa từ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long tới Khu phố cổ và các làng nghề, di tích văn hóa.

TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đề xuất một số giải pháp cụ thể

Đứng từ góc độ gắn di sản văn hóa phi vật thể với phát triển công nghiệp văn hóa, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đề xuất: dựa vào cộng đồng sáng tạo các sản phẩm văn hoá, tạo ra giá trị di sản đương đại, giá trị gia tăng từ di sản, Hà Nội cần đánh giá đúng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay để có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hoá; Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hoá; Chú trọng ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hoá dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông; Xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hoá trong kinh tế, xã hội hoá quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định nhất là vấn đề bảo vệ di sản văn hoá, quyền và lợi ích của chủ thể văn hoá (cộng đồng), vấn đề bình đẳng văn hoá và bản quyền.

PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Còn theo PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam: Con người là chủ nhân của sáng tạo, là động lực để sáng tạo hình thành, phát triển và cũng con người là đối tượng duy trì sáng tạo. Vì thế, với mong muốn sáng tạo bền vững, chúng ta cần có công dân sáng tạo, làm chủ và nâng tầm sáng tạo bắt đầu từ các trẻ em được giáo dục sáng tạo.

Buổi tọa đàm còn nhận được tham luận của Ông Antonio Alessandro Đại sứ Italia tại Việt Nam về việc chia sẻ kinh nghiệm trong  việc triển khai các triển lãm trực tuyến, mời nghệ sĩ hàng đầu các nước về hợp tác; Mrs. Dương Hồng Loan đến Đại học RMIT với chuyên đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Ông Nguyễn Thế Sơn, Họa sĩ, Giám tuyển độc lập và giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam với các dự án nghệ thuật cộng đồng; ông Lê Quang Bình, Trưởng nhóm Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống với ý tưởng biến các nhà máy cũ thành những không gian sáng tạo; ông Nguyễn Thanh Hùng, Tập đoàn Sovico với việc phát triển công nghiệp văn hóa tại trục phía Tây Thành phố; ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương về lựa chọn lĩnh vực thế mạnh để phát triển…

Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định: Văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Hà Nội mà còn góp phần phát triển kinh tế- xã hội, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, lâu đời, tiêu biểu của Hà Nội, đồng thời góp phần mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt, phát triển công nghiệp văn hóa giúp việc cập nhật ứng dụng được cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa cũng như các lĩnh vực khác. Với những bước thay đổi từ trong nhận thức, Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự tham vấn, hợp tác của các nhà khoa học, nhà quản lý, các văn nghệ sĩ, trí thức, các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp…Hà Nội xin cam kết sẽ chủ động tìm đến với các cơ quan đơn vị tổ chức với mô hình có giá trị để mời gọi sự hợp tác cùng phát triển, góp phần công nghiệp văn hóa của Thủ đô vươn ra các nước trong Châu lục và trên thế giới.

Thanh Mai

Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *