Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”…
Ngày 15/11/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 4839/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa, địa chỉ xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội là điểm du lịch. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội là đơn vị có trách nhiệm quản lý điểm du lịch, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.
Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương (thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên). Thế kỷ 10, Ngô Quyền lại chọn làm kinh đô, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ dân tộc, xây dựng Nhà nước phong kiến tập quyền ở nước ta.
Cụm di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa
Thành Cổ Loa được các nhà khảo cổ học đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Chất liệu chủ yếu dùng để xây thành là đất, sau đó là đá và gốm vỡ, gồm 9 vòng xoáy trôn ốc. Chu vi vòng ngoài 8 km, vòng giữa 6,5 km, vòng trong 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2 km²… Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Khi xây thành, người Việt cổ đã biết lợi dụng tối đa và khéo léo các địa hình tự nhiên: Chiều cao của các đồi, gò, đắp thêm đất cho cao hơn để xây nên hai bức tường thành phía ngoài, vì thế hai bức tường thành này có đường nét uốn lượn theo địa hình chứ không băng theo đường thẳng như bức tường thành trung tâm. Người xưa lại xây thành bên cạnh con sông Hoàng để dùng sông này vừa làm hào bảo vệ thành vừa là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ hệ thống hào vừa là đường thủy quan trọng. Đầm Cả rộng lớn nằm ở phía Đông được tận dụng biến thành bến cảng làm nơi tụ họp cho hàng trăm thuyền bè…
Lễ hội cổ Loa được tổ chức long trọng hàng năm
(Ảnh chụp trước khi có dịch COVID-19)
Theo Quyết định, các sở, ngành: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đông Anh, Công an thành phố Hà Nội…có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa theo đúng quy định của pháp luật và Thành phố, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.
Quỳnh Anh