Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, diện tích tự nhiên 9.562,9km2, có đường biên giới quốc gia dài 400,861km, là tỉnh đa dân tộc với nền kinh tế xã hội nghèo nàn, lạc hậu. Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính, 112 xã, phường, thị trấn; 87 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của tỉnh, trong 5 năm qua, việc triển khai công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình với việc nhân rộng và duy trì mô hình phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả nhất định.
Sở VHTTDL tỉnh đã từng bước cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo hướng dẫn cơ sở trong việc triển khai thực hiện, sự phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể đã có nhiều hoạt động trong công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác gia đình cho cán bộ cơ sở; xây dựng các mô hình hoạt động lồng ghép nhằm góp phần ngăn chặn và giảm tỷ lệ bạo lực gia đình như: Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, Câu lạc bộ ông bà mẫu mực- con cháu thảo hiền, Câu lạc bộ phát triển bền vững, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình… Ngành đã tham mưu triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục truyền thông trong công tác gia đình và Luật PCBLGĐ, nâng cao năng lực của tổ chức, bộ máy từ tỉnh xuống cơ sở trong tổ chức, triển khai Luật PCBLGĐ, đặc biệt là việc triển khai nhân rộng mô hình PCBLGĐ.
Với sự chỉ đạo và phối hợp của các cấp, các ngành và lồng ghép với phong trào "TDĐKXDĐSVH", các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới đã được triển khai tới tất cả các xã, phường thị trấn, và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hành vi ứng xử của các thành viên trong gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi ngày một nâng cao. Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình, góp phần xóa bỏ những định kiến về tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong gia đình và đối với xã hội; tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển chung của gia đình và xã hội.
Theo số liệu điều tra từ cơ sở cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 443 vụ BLGĐ, trong đó: bạo lực đối với người già: 35 vụ; đối với phụ nữ: 349 vụ; đối với trẻ em: 31 vụ; đối với nam giới: 28 vụ.
Tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay ngày một gia tăng, so với 6 tháng đầu năm 2011 số vụ bạo lực gia đình tăng 120 vụ. Hiện nay, việc thành lập các cơ sở tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình là chưa có. Hoạt động tư vấn chưa theo trình tự, người (nhóm người) tư vấn hoạt động kiêm nhiệm, không có chuyên môn hoặc tư vấn theo cảm tính. Tuy nhiên, hoạt động can thiệp của địa phương đối với các vụ BLGĐ cũng đạt được một số kết quả như: số vụ BLGĐ được được xử lý hòa giải: 225/443vụ; số vụ BLGĐ được đưa ra góp ý tại cộng đồng dân cư: 283/443 vụ.
Bằng các hình thức tuyên truyền phù hợp như: tọa đàm, tuyên truyền cổ động trực quan, treo băng rôn, khẩu hiệu, lồng ghép trong các chương trình văn hóa, văn nghệ, các buổi sinh hoạt… tùy theo điều kiện của từng địa phương, các huyện, thị, thành phố đã tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của Ngày quốc tế phụ nữ 8/3; Ngày gia đình Việt Nam 28/6; Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11);… nhằm giúp người dân hiểu được vai trò của phụ nữ, ý nghĩa của gia đình đối với mỗi cá nhân và đối với xã hội từ đó cần phải quan tâm đến gia đình nói chung và phụ nữ nói riêng, đề cao gia đình và củng cố mối quan hệ trong gia đình; Giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh và kỹ năng ứng xử trong gia đình; tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trong gia đình. Vấn đề bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong gia đình đang được quan tâm tạo sự chuyển biến nhận về thức trong nhân dân. Các thành viên trong gia đình quan tâm chăm sóc lẫn nhau, con cháu kính trên nhường dưới,chăm sóc phụng dưỡng ông bà cha mẹ, vai trò của người phụ nữ trong gia đình được khẳng định.
Tổ tư vấn, tổ hòa giải, các địa chỉ tin cậy được thành lập ở các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố và hoạt động tương đối hiệu quả nhanh chóng can thiệp giải quyết kịp thời, đa số các vụ bạo lực gia đình đều được hòa giải và ổn định sau khi góp ý. Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 30/6/2012 trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 15/112 xã, phường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình (trong đó có 6 BCĐ lồng ghép với BCĐ phong trào "TDĐKXDĐSVH"); trong đó có 248 nhóm phòng chống bạo lực gia đình có QĐ thành lập, 43 CLB gia đình phát triển bền vững (11 CLB lồng ghép ).
Hiện nay các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình vẫn đang tiếp tục duy trì sinh hoạt, một số câu lạc bộ vẫn duy trì sinh hoạt định kỳ 01quý/01lần, ngoài ra các câu lạc bộ khác do điều kiện kinh phí không có nên thường tổ chức sinh hoạt lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố; tọa đàm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3; ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. Hoạt động chủ yếu của các CLB, nhóm PCBLGĐ là tuyên truyền, triển khai hoạt động, ngăn chặn và giải quyết kịp thời khi có hành vi bạo lực gia đình hoặc nguy cơ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, để đưa công tác PCBLGĐ đi vào cuộc sống và việc xử lý các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình được triệt để cần phải có sự phối kết hợp và chỉ đạo sát sao của các cơ quan, ban, ngành và của cấp ủy Đảng, chính quyền tại cơ sở.
Với đặc thù tỉnh Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới, địa bàn rộng, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, các khu vực, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng chậm, kết cấu hạ tầng cơ sở đầu tư chưa đồng bộ. Cơ chế chính sách, kinh phí đầu tư cho công tác gia đình còn nhiều hạn chế. Vì vậy, công tác tuyên truyền chưa được đẩy mạnh và chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đời sống của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và trong đời sống sinh hoạt. Do đó nhận thức về vai trò, trách nhiệm của gia đình và tầm quan trọng của Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…. chưa cao. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch; các tệ nạn xã hội luôn có nguy cơ tiềm ẩn đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình trên địa bàn toàn tỉnh chủ yếu là kiêm nhiệm, hầu hết chưa có kinh nghiệm nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động . Bên cạnh đó việc phổ biến, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình đến người dân chưa đạt hiệu quả cao nên các quy định của Luật chưa đi vào thực tế; tuy có sự can thiệp ở cấp độ cộng đồng đối với tình trạng bạo lực gia đình đã có tác động kịp thời nhưng vẫn còn nhỏ lẻ. Mặt khác, vấn đề bạo lực gia đình chủ yếu vẫn được coi là vấn đề của phụ nữ nên việc can thiệp và công tác tuyên truyền chưa thu hút được nam giới tham gia. Nhận thức không đầy đủ về bạo lực gia đình và bình đẳng giới cũng khiến cho việc tiếp cận với các đối tượng gây ra bạo lực và bị bạo lực trong gia đình trở nên khó khăn hơn.
Công tác gia đình nói chung và công tác tổ chức điều tra thu thập toàn bộ số liệu về gia đình và PCBLGĐ còn gặp nhiều khó khăn do không có nguồn kinh phí để hoạt động, (mục chi bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở thu thập số liệu, kể cả kinh phí in ấn các loại biểu mẫu ….) dẫn đến tình trạng đánh giá chưa sát với thực tế trên địa bàn tỉnh. Mặt khác cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình ở cơ sở, mỗi xã, phường, thị trấn chỉ phân công cán bộ văn hóa xã hội kiêm nhiệm, nên việc phát hiện, tổng hợp, xử lý phòng chống bạo lực gia đình còn hạn chế; đồng thời các nguồn lực đầu tư cho công tác này chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Để triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình và triển khai duy trì nhân rộng mô hình PCBLGĐ cần tập trung vào các giải pháp sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, nâng cao việc tuyên truyền, tư vấn chuyển đổi nhận thức, thái độ và hành vi của gia đình; sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp; có chính sách biện pháp cụ thể phù hợp với địa phương; thường xuyên kiểm tra; giám sát hoạt động PCBLGĐ.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về PCBLGĐ; phải có quy định chặt chẽ để các tổ dân phố, thôn, bản có trách nhiệm rõ ràng trong việc phát hiện và phối hợp với ban hòa giải ở cơ sở.
Cần tập trung tăng cường công tác truyền thông PCBLGD qua các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép trong các cuộc họp của thôn, bản, tổ dân phố; các buổi sinh hoạt câu lạc bộ…; đẩy mạnh nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình thôn, bản tổ dân phố văn hoá, tiếp tục nhân rộng mô hình xây dựng gia đình theo tiêu chí " Gia đình ấm no, bình đẳng tiến bộ hạnh phúc và bền vững".
Cần phải hướng dẫn cơ sở trong việc lựa chọn cán bộ có năng lực và nhiệt tình ngay từ khi triển khai thành lập mô hình, đồng thời phải có kinh phí hỗ trợ hoạt động, tổ chức tập huấn một cách bài bản, nội dung cụ thể theo hệ thống: Tập huấn về công tác tuyên truyền, công tác hòa giải can thiệp, tư vấn khi có bạo lực, công tác điều tra thu thập số liệu; hướng dẫn chi tiết và thường xuyên theo sát tình hình hoạt động của các câu lạc bộ và các nhóm PCBLGĐ.