Năm 1989, cụm di tích Thiền Quang – Quang Hoa – Pháp Hoa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích thắng cảnh. Với nhiều nét độc đáo trong kiến trúc, hệ thống tượng phong phú… nơi đây được nhiều du khách gần xa đến chiêm bái, tham quan…
Nằm trên bán đảo nhỏ phía Tây hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng), ba ngôi chùa Quang Hoa, Thiền Quang và Pháp Hoa thu hút nhiều du khách xa gần đến chiêm bái, lễ Phật. Năm 1989, cụm di tích Thiền Quang – Quang Hoa – Pháp Hoa đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích thắng cảnh.
Cuối thế kỷ thứ 19, khu vực Cụm di tích Thiền Quang – Quang Hoa – Pháp Hoa thuộc đất thôn Liên Đường, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, Hà Nội có hồ Liên Thủy chiếm phần lớn diện tích của thôn. Những năm 1928 – 1940, trong chương trình quy hoạch thành phố, khu vực này bắt đầu được mở mang, xây dựng. Trong đó, hồ Liên Thủy được ngăn đôi. Bờ Bắc hồ được lấp san bằng, bờ Đông và bờ Tây được cạp lại vuông vắn thành hồ Thiền Quang như hiện nay. Những công trình kiến trúc, trong đó, có một số ngôi chùa nằm xung quanh hồ Liên Thủy đều bị di dời, tập trung lại ở phía Tây hồ Thiền Quang. Trong số đó, có chùa Thiền Quang, Quang Hoa và Pháp Hoa.
Tam bảo chùa Quang Hoa
Nổi bật trong cụm di tích là chùa Quang Hoa. Hiện nay, chưa xác định chùa được xây dựng từ năm nào. Theo tấm bia “Quang Hoa thiền tự sự tích bi ký”, niên đại Tự Đức (1866), chùa Quang Hoa khởi đầu chỉ là một ngôi am nhỏ bằng tranh. Qua nhiều lần tu bổ, xây dựng ngày càng có quy mô lớn và khang trang. Chùa chính quay hướng Nam. Quy mô của chùa khá bề thế với 7 gian Tiền đường và 5 gian Thượng điện, phía sau là 10 gian nhà Tổ và nhà Mẫu. Hai bên là hai dãy nhà Khách. Trong chùa lưu giữ được những bức y môn, bức cốn được chạm trổ rất cầu kỳ công phu với nhiều đề tài: Tứ linh, trúc lão, hoa văn thực vật…kết hợp với nghệ thuật chạm nổi, chạm thủng có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt, hệ thống tượng pháp ở đây khá phong phú và có mặt đầy đủ những nhân vật trong Phật điện Phật giáo Đại thừa. Nổi bật là bộ tượng Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, Hoa Nghiêm Tam Thánh. Hệ thống bia đá hiện còn trong chùa cũng rất phong phú. Cổ nhất là tấm bia có niên đại Minh Mệnh năm thứ 2 (1821), bia Minh Mệnh năm thứ 6 (1825), bia Minh Mệnh năm thứ 12 (1831) và các bia có niên đại Tự Đức năm thứ 19 (1866), bia Tự Đức năm thứ 34 (1882), bia Bảo Đại (1938)…
Tượng Thập điện Diêm vương
Ảnh: Internet
Pháp Hoa là một ngôi chùa nhỏ quay ra mặt hồ Thiền Quang nhìn về phía Đông. Theo những người dân quanh đây kể lại, sau khi di chuyển, vì thiếu nguyên liệu nên 2 làng Quang Hoa và Pháp Hoa phải dựng chung một ngôi chùa và lấy tên là Quang Hoa. Năm 1951, dân làng Pháp Hoa muốn dựng chùa riêng. Chính quyền thời gian ấy đã cắt 2 dãy nhà phụ 3 gian của chùa Quang Hoa cho dân làng Pháp Hoa dựng chùa mới. Với những khó khăn của thời gian đầu, cùng những năm tháng thăng trầm sau này, mà nhiều năm sau, ngôi chùa Pháp Hoa vẫn không thay đổi nhiều. Di vật cùng với thời gian cũng bị thất lạc. Những năm gần đây, được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ban, ngành, cùng với công đức của nhân dân, ngôi chùa được tu sửa lại khang trang hơn.
Chùa Thiền Quang quay về hướng Tây, khuôn viên cũng như quy mô kiến trúc của chùa nhỏ và đơn giản. Phía sau chùa vẫn còn hai tháp mộ của các nhà sư trụ trì đã viên tịch. Giá trị chính của chùa Thiền Quang thể hiện qua hệ thống tượng tròn. Do những biến động của lịch sử, nhiều pho tượng đã bị thất lạc. Những pho tượng còn lại đều là những pho tượng mang giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Trong số đó, nổi bật hơn cả là pho tượng Bồ Tát, Di Đà phát quang, mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.
Năm 2018, HĐND quận Hai Hà Trưng đã phê duyệt phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Giải phóng mặt bằng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử di tích chùa Quang Hoa, chùa Thiền Quang, chùa Pháp Hoa nhằm góp phần bảo tồn và nâng cao giá trị của di tích, đưa cụm di tích trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh của du khách gần xa.
An Phú