Lễ hội

Đặc sắc lễ hội gieo cầu Viên Nội

Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng: Đây là một lễ hội có truyền thống từ lâu đời nên Nhân dân Viên Nội nói riêng và toàn huyện Đông Anh nói chung cần phải giữ gìn và phát huy.

Viên Nội là một làng quê cách mạng của xã Vân Nội, huyện Đông Anh. Nơi đây là cơ sở cách mạng của Trung ương Đảng và là nơi đặt trụ sở báo Đảng – Cờ Giải phóng. Viên Nội cũng là nơi ra đời của Chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta do Thường vụ Trung ương khởi thảo.

Viên Nội còn nổi tiếng vì nơi đây có lễ hội gieo cầu độc đáo khắp vùng.

Hội gieo cầu làng Viên Nội được tổ chức vào ngày 08 tháng Giêng tại đình Viên Nội. Hàng năm, Viên Nội đều tổ chức lễ hội, 4 năm tổ chức đại đám 1 lần, các năm khác chỉ tổ chức hội lệ. Đây là 1 trong những lễ hội đặc sắc của huyện Đông Anh. Lễ hội được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 6-9 tháng Giêng.

Đình Viên Nội là nơi thờ 2 thành hoàng làng là Tống Vĩnh và Uông Tá. Đây là 2 vị tướng thời Hai Bà Trưng. Hiện mộ của 2 ông vẫn còn ở sau làng. Tương truyền, 2 ông chính là người làng Viên Nội.

Chuyện rằng, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, 2 ông đã tập hợp dân làng, theo nghĩa quân đi đánh giặc. Trong cuộc chiến với quân giặc, quân ta thắng to. Tướng giặc bị vây bắt và bị quân ta chém đầu trên cánh đồng làng Viên Nội. Đoàn quân reo hò, vui mừng, hân hoan trong niềm vui chiến thắng. Trong niềm vui ấy, nghĩa quân đã cùng nhau tung cầu, vui chơi. Tục gieo cầu ở Viên Nội có từ khi ấy, nay đã trải qua hàng ngàn năm. Có thuyết lại cho rằng khi đánh giặc phương Bắc, các thành hoàng làng Viên Nội đã được ông quả và đàn xà giảo (đàn rắn) phù trợ.

Tại đình Viên Nội, bên cạnh 2 vị tướng của Hai Bà Trưng, dân làng còn phụng thờ Công chúa Diệu La làm thành hoàng. Tương truyền bà cũng là người có công đánh giặc ngoại xâm, mang lại binh yên cho dân làng, xã tắc. Có người cho rằng bà Diệu La cũng là tướng thời Hai bà Trưng, cùng phối hợp với 2 tướng Tống Vĩnh và Uông Tá bày binh, đánh trận. Chuyện rằng, trong 1 trận chiến đấu không cân sức, quân ta thất trận, bà Diệu La cầu thần Kim Quy đến giúp. Bỗng đâu xuất hiện quả ngọc cầu và đàn rắn khoang đen trắng bay trên đầu giặc khiến chúng thất kinh, bỏ chạy. Sau chiến thắng, quân ta mở tiệc ăn mừng ở rừng Am Thông. Tiệc đang vui, 3 vị tướng bỗng cùng hóa.

Thương việc tam tướng ra đi cùng lúc, dân làng lập miếu thờ, hàng năm nhằm ngày 8 tháng Giêng thì dâng cúng tưởng nhớ, ngày ấy bao giờ cũng có lễ thức gieo cầu ghi nhớ sự phò trợ của quả cầu và đàn xà giảo do thần Kim Quy cử đến. Nay 3 tướng được dân làng tôn làm thành hoàng làng, phụng thờ tại đình.

Trong ngày hội đình làng Viên Nội, tục gieo cầu là một nghi thức quan trọng, thể hiện niềm vui chiến thắng và cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh của địa phương và ghi nhớ công lao phò trợ của linh vật trong cuộc chiến với kẻ thù.

Cầu trong lễ hội không còn là quả cầu đơn thuần, mà trở thành vật thiêng – Thần Cầu hay ông Cầu. Cầu được làm bằng gỗ tốt, quanh năm được đặt trên ngai thờ, phủ vải đỏ, gọi là ông Quả hay thần Cầu. Sát ngày lễ, cầu được dân làng đem xuống, làm lễ mộc dục bằng nước thơm. Đàn xà giảo được làm bằng tre non. Tre này được dân làng trồng ở nơi sạch sẽ và giao cho những gia đình vẹn toàn trong làng chuốt vót, sơn khoang đen trắng. Đàn xà giảo khi ấy được gọi là ông Móc. 200 ông Móc tượng trưng cho đàn xà giảo được rước trong ngày hội hàng năm.

Vào ngày hội, ông Cầu được đặt trên kiệu để rước từ miếu ra đình. Đoàn rước ông Cầu và các vị thành hoàng làng đi trong tiếng trống, tiếng tù và rộn ràng, réo rắt như gợi lại hào khí từ ngàn năm trước của tướng lĩnh và binh lính Hai Bà Trưng.

Hội gieo cầu Viên Nội còn độc đáo ở chỗ không có sự thắng thua của người thi đấu, mà đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của người chơi, để làm sao gieo được quả cầu từ cánh đồng vào sân đình, rồi vào trong đình. Việc gieo cầu do 3 -5 hoặc 7 thanh niên thực hiện (những năm gần đây việc gieo cầu thường do 5 thanh niên thực hiện). Việc đưa quả cầu vào đình được gọi là rước thần Cầu trở lại đình. Xa xưa, việc rước thần Cầu phụ thuộc vào người chơi, có năm mãi 12 giờ đêm mới rước được thần trở lại đình. Những năm gần đây, Ban tổ chức quy định phải rước thần Cầu vào đình trước 12 giờ trưa, nên đã rút ngắn thời gian gieo cầu.

Việc thần Cầu trở lại đình được dân làng Viên Nội coi là may mắn, càng may mắn hơn nếu thần Cầu trở về đình 1 cách an toàn, như thế sẽ báo hiệu 1 năm may mắn, thịnh vượng cho con người và muôn vật.

Xưa kia Viên Nội được chia làm 2 giáp, một giáp chứa thần Cầu, 1 giáp chứa các ông Móc. Chiều mùng 7 tháng Giêng, giáp chứa thần Cầu vào nhà ông chứa và làm lễ. Sáng hôm sau, mỗi trai đinh của giáp chứa ông Móc cầm 1 ông móc đến nhà ông chứa thần Cầu, dùng các ông Móc để móc người chứa thần Cầu. Ông chứa thần Cầu phải len lỏi trong đám đông, dưới sự chống đỡ, bảo vệ của giáp chứa thần Cầu để đặt cho được quả cầu lên kiệu. Sau khi thần Cầu yên vị trên kiệu, 2 phe cùng rước thần ra đình. Tại đây, sẽ diễn ra cuộc gieo cầu, còn gọi là cướp cầu.

Đánh giá về lễ hội gieo cầu làng Viên Nội, xã Vân Nội, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng: Đây là một lễ hội có truyền thống từ lâu đời nên Nhân dân Viên Nội nói riêng và toàn huyện Đông Anh nói chung cần phải giữ gìn và phát huy.

Năm 2024 này, hội gieo cầu Viên Nội tổ chức đại đám. Hiện công tác chuẩn bị đã được địa phương lên phương án tỉ mỉ, đảm bảo cho lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, tiết kiệm mà vẫn vui tươi. Theo đó, ngày mùng 6 Tết (tức 15/2/2024) từ 6h30-7h30 tổ chức rước văn. Ngày mùng 8 Tết, từ 14h tổ chức rước thần Cầu vào nhà cụ chứa Cầu. Ngày mùng 9 Tết, từ 7h30 đến 12h30 tổ chức rước thần Cầu ra đình, sau đó tổ chức gieo cầu. 15h tổ chức lễ tế yên vị và kết thúc lễ hội…

Quỳnh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *