Văn hóa cơ sở

Đặc sắc Lễ rước tôn vinh tổ nghề dệt lụa Vạn Phúc

Ngày 29/10, Ban Tổ chức Tuần văn hóa Du lịch – Thương mại làng nghề Vạn Phúc (quận Hà Đông) tổ chức Lễ rước tôn vinh tổ nghề dệt lụa với chủ đề “Cội nguồn văn hoá làng nghề”.

Làng lụa Vạn Phúc có tuổi nghề hơn 1.000 năm, đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động đến ngày nay”. Theo các thư tịch cổ, một số tài liệu và di vật cổ còn lưu giữ cho thấy, nghề dệt lụa Vạn Phúc ra đời khoảng thế kỷ thứ 9. Tương truyền có bà Ả Lã Thị Nương từng sống ở trang Vạn Bảo (sau đổi thành làng Vạn Phúc) có công dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Sau khi mất, bà được dân làng tôn kính và phong làm Thành Hoàng làng.

Trải qua thời gian, lụa Vạn Phúc đã khẳng định danh tiếng, các sản phẩm tơ lụa rất được ưa chuộng dưới thời Nguyễn (1802 – 1945). Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại hội chợ đấu xảo quốc tế Mác – xây (năm 1931) và được người Pháp đánh giá là “Đệ nhất tinh xảo của vùng Đông Dương”. Từ năm 1990, lụa Vạn Phúc xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.

Lễ rước tôn vinh tổ nghề Đức Thành hoàng có công gây dựng quê hương và truyền dạy cho Nhân dân Vạn Phúc nghề dệt lụa

Lễ rước tôn vinh tổ nghề dệt lụa Vạn Phúc nằm trong chuỗi hoạt động Tuần văn hóa Du lịch – Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023, thu hút hơn 600 người tham gia với 3 khối rước chính (khối truyền thống cách mạng, khối tâm linh và khổi nghề). Đi đầu là kiệu rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ngồi soạn thảo “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” tại làng Vạn Phúc ngày 19/12/1946. Tiếp đến là đội hình rước kiệu tôn vinh tổ nghề Đức Thành hoàng có công gây dựng quê hương và truyền dạy cho Nhân dân Vạn Phúc nghề dệt lụa. Khối làng nghề truyền thống có thợ dệt đang thao tác cùng các công cụ sản xuất, sản phẩm làng nghề. Hình ảnh các cô gái hân hoan gánh lụa, những dải lụa mềm mại khe khẽ tung bay đã ghi nhận cho sự đóng góp công sức của người thợ làng nghề. Lễ rước tôn vinh tổ nghề còn có cờ hoa rực rỡ, trống chiêng rộn ràng, màn múa lân sư rồng đặc sắc… tạo không khí vui tươi, hoành tráng, đem đến biết bao cung bậc cảm xúc cho người tham dự.

Trong dịp này, UBND phường Vạn Phúc và Ban Quản lý di tích phường vinh dự đón nhận Quyết định của UBND thành phố Hà Nội công nhận 11 Đạo sắc phong ở đình Vạn Phúc là tài liệu lưu trữ quý hiếm tại các cơ sở thờ tự.

Mai Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *