Các loại hình khác

Dân ca Quan họ Bắc Ninh, sức lan toả và vấn đề bảo tồn, phát triển

​Vừa nghe xong chương trình dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Đình làng Tam Tảo, Phú Lâm (Tiên Du), bà Dominigue Werler, du khách Pháp ngạc nhiên: “Lần đầu đến Việt Nam, được thưởng thức một chương trình nghệ thuật hết sức độc đáo trong không gian cổ kính, u tịch, người Quan họ niềm nở, cử chỉ duyên dáng, gần gũi, thân thiện. Tuy không hiểu ngôn ngữ của các bạn nhưng giai điệu mượt mà, thiết tha, cuốn hút. Tất cả để lại một ấn tượng khó quên. Nếu còn đến Việt Nam, tôi nhất định sẽ trở lại Bắc Ninh để được nghe dân ca Quan họ”.

Sức lan toả và hành trình "gạn đục, khơi trong"

Từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dân ca Quan họ Bắc Ninh đã thực sự bước vào thời kỳ "bùng nổ". Chỉ cần một cú click chuột mạng internet với nội dung "Quan họ…", sẽ xuất hiện hàng loạt địa chỉ, lời giới thiệu như "Đoàn chúng tôi hân hạnh phục vụ hát Quan họ tại các lễ hội, đám cưới, hát thuyền, mừng thọ, tân gia, khai trương khách sạn, công ty, nhà hàng"… Phạm vi phục vụ của các câu lạc bộ Quan họ cũng vươn xa ra ngoài Bắc Ninh đến Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc…
Báo điện tử Pháp luật và Đời sống ngày 13-3-2012 nói về chuyện "phủ sóng" Quan họ trong đám cưới ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), trong đó đề cập "Quan họ mọi lúc, mọi nơi", "sau một vài đám cưới của các gia đình có máu mặt ở địa phương với các liền anh, liền chị vừa hát, vừa mời trầu trong đám cưới làm bùng nổ trào lưu thuê các câu lạc bộ Quan họ hát tại đám cưới ở vùng này" và "việc thuê hát Quan họ trong đám cưới là điều phải làm cho không thua kém "làng trên, xóm dưới".
Đấy là Quan họ trên quê hương của hát Xoan, còn đến Bắc Ninh bây giờ, không phải chờ dịp hội xuân, đình đám hay các chương trình văn nghệ lớn, du khách dễ dàng được nghe hát Quan họ tại một hội nghị, hội thảo, đám tân gia, khao thọ, đám cưới, khai trương doanh nghiệp, công ty… và ngay cả khi dùng bữa tại một nhà hàng, khách sạn. Nội dung của một chương trình cũng phong phú: hát theo lối cổ, hát bộ, hát với phần đệm của nhạc cụ dân tộc, hát với nhạc đệm của đàn oóc-gan và sự hỗ trợ của hệ thống loa máy phóng thanh hiện đại.
Rõ ràng dân ca Quan họ Bắc Ninh đang khẳng định sức sống và sự lan tỏa sâu rộng. Những người tham gia hát Quan họ dù dưới hình thức, hoàn cảnh nào, cũng là người có sự đam mê và một tình yêu Quan họ nồng cháy, tiếp thêm sức sống của dân ca Quan họ Bắc Ninh.
Không gian văn hóa Quan họ Bắc Ninh hiện nay không phải chỉ bó hẹp trong 49 làng Quan họ gốc như trước đây mà đã phát triển thêm hàng trăm làng Quan họ thực hành với hàng nghìn câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm Quan họ ở đủ các lứa tuổi, thành phần.
Là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, diễn xướng dân gian, theo chiều dài lịch sử, sinh hoạt văn hoá Quan họ đã sáng tạo, dung nạp, chuyển hóa, sinh thành, đào thải… trong quá trình giao lưu và tiếp biến để thích nghi, đáp ứng những nhu cầu phát triển qua từng thời đại. Vì thế, giá trị nội dung, nghệ thuật của sinh hoạt văn hoá Quan họ giàu tính sáng tạo, luôn phát triển linh hoạt.
Trong đời sống đương đại, cùng với sự tồn tại của Quan họ gốc, Quan họ cổ được coi như tính bất biến, thì Quan họ lời mới, cải biên có nhạc đệm, Quan họ lên sân khấu có thể được coi như tính khả biến, sự "dịch chuyển" của loại hình dân ca này với hình thức diễn xướng mới và các dị bản trong quá trình phát triển, vận động.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Văn học (chuyên ngành văn học dân gian) Lại Phi Hùng, giảng viên Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong một lần đưa sinh viên về Bắc Ninh tìm hiểu dân ca Quan họ đã có sự chia sẻ: "Tôi đã đưa nhiều đoàn sinh viên về Bắc Ninh nghe dân ca Quan họ. Với cá nhân tôi chỉ thích đến làng Diềm, vùng Lim nghe Quan họ cổ do các cụ cao tuổi, các nghệ nhân hát. Nhưng với nhiều sinh viên lại cho rằng, Quan họ hát theo lối mới lại dễ nghe hơn. Đầu năm 2013, tôi đưa đoàn sinh viên về chùa Phật Tích và đón một đoàn Quan họ hát ngay chân núi có phần nhạc đệm. Các em tỏ ra rất thích thú. Cái hay của Quan họ là thế, nó đã biến chuyển để đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng nhất định trong đời sống xã hội mới, hiện đại. Đối với các loại hình dân ca khác không dễ có được".
Trong quá trình phát triển, dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng đang phải "gạn đục, khơi trong". Đôi khi cũng nhức lòng phải chứng kiến những hình ảnh chưa đẹp của "Quan họ dịch vụ" như các liền anh, liền chị vừa dứt lời ca Quan họ đã chuyển sang hát nhạc trẻ, hay vội cầm quạt múa phụ họa cho một bài chầu văn, nhảy múa như trong một giá hầu đồng, cách nhận tiền thưởng… Những pha tạp ấy chắc chắn chỉ mang tính nhất thời trong một quá trình vận động có quy luật.
Vẹn nguyên nét đẹp của con người và dân ca Quan họ Bắc Ninh
Ra khỏi không khí náo nhiệt của hội Lim năm 2013, đến nhà cựu chiến binh Nguyễn Năng Dụ, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim (Tiên Du). Hội làng, ông làm vài mâm cơm mời đồng đội. Sau khi dùng bữa, các cựu chiến binh (CCB) quây quần nghe chị hai làng Diềm và anh hai làng Lim hát canh. Vào ra, thưa gửi, đối đáp nền nã, thanh tao, tinh tế, hát bộ không nhạc đệm, lề lối, vang, dền, nền, nảy. Hỏi về thù lao, ông Dụ bảo "Các anh hai, chị hai Quan họ vì tình, vì nghĩa mà đến hát cho anh em tôi nghe. Gia chủ quan tâm lo xăng xe, sinh hoạt không thể coi là dịch vụ mà trả thù lao". Ấy là nét đẹp văn hóa của người Quan họ.
Trở lại đình làng Tam Tảo, Phú Lâm, đón đoàn du khách Pháp, các anh hai, chị hai Tiên Du hát những làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh với phần nhạc cụ dân tộc đệm theo dạng bè tòng theo giai điệu. Dưới mái đình cổ kính, cử chỉ nền nã, thanh thoát, giọng điệu mượt mà, sâu lắng của người Quan họ đã thực sự chinh phục những người khách đến từ phương xa, thuộc một nền văn hóa khác.
Tìm về làng Diềm, Hòa Long (thành phố Bắc Ninh), vùng Thủy tổ Quan họ, đến nhà chị hai Nguyễn Thị Sang, Đội trưởng đội Quan họ làng Diềm được biết đội Quan họ của làng có hơn 60 người, trong đó có 6 nghệ nhân, 16 em thuộc lớp Quan họ nhỏ tuổi. Mỗi năm, đội Quan họ của làng đón khoảng 40 đoàn khách quốc tế và trong nước. Khách đến đây thường chỉ muốn nghe Quan họ cổ. Chị hai Sang tâm sự: "Người làng Diềm trọng hát Quan họ theo lề lối cổ với 5 giọng cơ bản, có chất riêng, tinh tế và sâu hơn về vang, dền, nền, nảy, trong hát có người dẫn, người luồn như một giọng. Hát Quan họ thì không khó, nhưng chơi Quan họ mới khó. Người Quan họ "giấy rách phải giữ lấy lề", ăn nửa miếng, nói nửa lời, cười nửa miệng, vui nửa lòng. Cũng vì thế "người Quan họ không có giá" để khách nghe mặc cả cho mỗi canh hát mà ở tùy tâm người thưởng thức". Chị hai Nguyễn Thị Sang cùng em gái Nguyễn Thị Thềm học hát từ cha, mẹ khi hơn 10 tuổi và chú tâm học nghề chơi Quan họ đã vài chục năm nay.

Trong thời buổi mà phần lớn mọi người đều đặt công việc, làm ăn trở thành tối thượng, vẫn còn đó những nghệ nhân cả đời nặng lòng với dân ca Quan họ. Suy nghĩ, ứng xử và hành động của họ là minh chứng thuyết phục cho nét văn hóa truyền thống của đất và người Bắc Ninh.

 

Một canh Quan họ ngày xuân.

Hướng bảo tồn, phát triển dân ca Quan họ    
Văn hoá Quan họ nói chung, dân ca Quan họ nói riêng là sản phẩm độc đáo của đất Bắc Ninh, khi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực và việc làm cụ thể để bảo tồn và lan tỏa dân ca Quan họ Bắc Ninh như tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, biểu diễn Về miền Quan họ, Festivan; truyền dạy dân ca Quan họ cũng diễn ra thường xuyên, liên tục ngay trong từng gia đình, dòng họ, làng xã ở khắp cộng đồng các làng Quan họ; là địa phương tiêu biểu, đi đầu trong việc công nhận và tôn vinh nghệ nhân dân ca Quan họ Bắc Ninh; đưa dân ca Quan họ vào giảng dạy trong các trường học phổ thông… Đặc biệt trong Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013 và định hướng phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bắc Ninh chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch gắn với văn hóa Quan họ-di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khách du lịch đến với Bắc Ninh đa phần muốn thưởng thức văn hóa, dân ca Quan họ; mà đã hát Quan họ thường phải gắn với lễ hội, di tích lịch sử, văn hoá. Đây là cơ sở để Bắc Ninh xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa có thể khai thác tốt thế mạnh của tỉnh về hệ thống di tích dày đặc vừa bảo tồn văn hóa truyền thống. Anh Võ Văn Lý, hướng dẫn viên Công ty du lịch Hương Giang (Huế) trong một lần đưa du khách quốc tế về Bắc Ninh cho biết: "Đoàn du khách nước ngoài vừa từ Huế ra du lịch Hà Nội. Trong thời gian 2 giờ đồng hồ chờ phòng khách sạn, chúng tôi tự liên hệ để đoàn về Bắc Ninh nghe dân ca Quan họ".
Văn hóa Quan họ là tổng hòa của nhiều yếu tố như hát Quan họ, trang phục, ẩm thực, ứng xử, phong tục tập quán, không gian văn hóa… Cần những hành động thiết thực trong kết nối các tour du lịch để đón du khách đến với Bắc Ninh, để họ được đắm mình vào không gian văn hóa, lễ hội, những làn điệu dân ca mượt mà, tình tứ, đúng lề lối của đất Bắc Ninh.

Vũ Thắng – Bảo Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *