Tôi đã lê la ở hầu hết các vỉa hè TP lớn của cả nước và nhận ra rằng, mỗi nơi có những đặc trưng, ấn tượng đặc biệt. Ví như trên vỉa hè các con phố Hà Nội, tôi hay bị ấn tượng bởi hình ảnh những người đánh giày từ các miền quê […]
Tôi đã lê la ở hầu hết các vỉa hè TP lớn của cả nước và nhận ra rằng, mỗi nơi có những đặc trưng, ấn tượng đặc biệt. Ví như trên vỉa hè các con phố Hà Nội, tôi hay bị ấn tượng bởi hình ảnh những người đánh giày từ các miền quê tụ đến. Họ có thể là cậu bé, người trung niên, thậm chí cả những người phụ nữ luống tuổi.
Không biết nghề đánh giày xuất hiện ở vỉa hè Hà Nội từ bao giờ nhưng tôi ấn tượng đầu tiên với người đánh giày từ hồi còn rất nhỏ, cách đây đã gần 30 năm. Đó là một cậu bé quê ở Khoái Châu, Hưng Yên. Người cậu nhỏ thó, ánh mắt tinh ranh, miệng lúc nào cũng nhỏn nhoẻn cười. Hồi ấy, đồ nghề đánh giày không đơn giản, gọn nhẹ như giờ mà lỉnh kỉnh đủ thứ. Trong đó, nổi bật nhất là chiếc thùng được đóng bằng gỗ, có tay xách nhưng cậu bé phải buộc thêm dây để khoác lên vai, có lẽ vì nặng.
Bên trong chiếc thùng, một góc là mấy hộp xi, một bên là bàn chải, rồi gọn gàng một góc là những mảnh vải lụa, lót đế. Góc kia là đôi dép cũ để khách đi tạm trong lúc chờ. Bên ngoài, cậu còn xâu một chuỗi các vật dụng linh tinh khác, khoác lên vai. Nào là lủng lẳng những đón gót bằng sừng, dăm bảy loại, nào là dây buộc giày, rồi cả xủng xẻng mấy thứ đồ lấy ráy tai, bấm móng tay, bật lửa, dây dù…
Thôi thì đủ cả. Cậu cười: “Tiện gì bán nấy. Có người ngồi đợi đánh giày, thấy nhiều đồ hay hay, lạ lạ, lại hỏi mua”. Rồi cậu còn tin cậy bật mí cho tôi những bí quyết rất “nhà nghề”: “Sở dĩ mang nhiều loại xi vì mình phải nhìn từng loại khách mà dùng xi cho hợp. Trong thùng phải có cả xi Tàu, xi Thái, xi nội địa. Nhìn giày của khách, trông mặt khách mà chọn xi. Nói chung phải “tinh” và “dẻo mỏ” nữa”!
Đó là câu chuyện của cậu đánh giày mới chỉ trên chục tuổi hồi xưa. Ở cái tuổi ấy, nhiều đứa trẻ bây giờ còn chưa biết cắm cơm, ấy mà cậu ta phải bươn chải một mình xa nhà lên Hà Nội kiếm sống. Còn những năm gần đây, cách “hành nghề” đánh giày cũng khác nhiều. Hình ảnh những cậu bé lẽo đẽo đuổi theo du khách đi bộ trên vỉa hè không còn nữa. Đồ nghề của họ cũng đã gọn nhẹ hơn, không còn lỉnh kỉnh trăm thứ, với chiếc thùng gỗ kềnh càng như trước. Họ gần như đã phân chia “cát cứ” theo từng khu vực.
Đặc biệt, tôi để ý, hầu hết những người đánh giày bây giờ là đàn ông trung niên, ăn mặc lịch sự hơn, mời chào nhẹ nhàng, không đeo bám, nài nỉ. Đồ nghề của họ có khi chỉ gọn gàng chứa trong một chiếc túi xách, ai không quan sát kỹ sẽ nghĩ họ giống như một người đi dạo phố.
Một lần ngồi quán cafe, thấy người đàn ông khoảng gần 50 tuổi vận quần âu, áo sơ mi sơ vin lại gần mời đánh giày, tôi trêu: “Nhìn anh còn sành điệu hơn cả em, vậy mà lại đi đánh giày à?”. Anh không tự ái, mà cười hiền: “Vì đặc thù công việc thôi em ạ. Công việc của mình là phục vụ khách, mình cũng phải ăn mặc, nói năng, mời chào sao cho phù hợp, văn minh hơn. Đâu cứ phải lao động, làm thuê là rách rưới, thô kệch. Nhìn những người như vậy đến mình còn thấy ái ngại, không muốn gần, huống gì là khách. Ngay như đôi dép để khách đi, anh cũng phải chọn mấy kiểu, cho các cỡ chân, làm sao để họ đi tạm trong lúc chờ nhưng vẫn phải thấy thoải mái, thư thái, sạch sẽ. Khách hàng là thượng đế cơ mà!”.
Một lần, tôi đang ngồi ăn trưa tại một quán bún đậu vỉa hè thì có tiếng nhỏ nhẹ phía sau: “Anh ơi, anh có đánh giày không?”. Tôi quay lại, nhận ra đó là một chị phụ nữ trạc tuổi 40, nét kiêu sa phảng phất trên gương mặt. Tôi đưa chị đôi giày nhờ đánh. Mải ăn, lát sau quay lại không thấy chị đâu cả.
Thấy tôi ngơ ngác tìm kiếm, bà chủ quán cười trấn an: “Chú yên tâm, cô ấy mang vào trong ngõ đánh cho yên tĩnh, lại đỡ gây ảnh hưởng vỉa hè, lát mang trả ngay ấy mà”. Quả thật, chỉ lát sau đã thấy chị nhanh nhẹn bước ra, trên tay là đôi giày đen bóng loáng. Tôi lấy tiền gửi chị, không quên cảm ơn và cũng biếu chị luôn chút tiền thừa. Chị líu ríu cảm ơn. Chị đi rồi, tôi mới được bà chủ quán tiết lộ, trước đây, chồng chị là đại gia, vừa phá sản, phải bỏ trốn. Chị đành phải đi ở trọ, đánh giày, nuôi con.
Thế mới biết, những phận người đánh giày trên vỉa hè cũng thật muôn hình muôn vẻ. Và chính những người như họ đã góp phần làm nên những vỉa hè Hà Nội sinh động, đáng yêu!
Theo Báo kinh tế và Đô thị