Tại ASIAD 18, các VĐV của Thủ đô đã thi đấu xuất sắc đóng góp 16 huy chương các loại vào bảng thành tích chung của đoàn Thể thao Việt Nam.
Trong những năm qua, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao. Thủ đô cũng được biết đến là cái nôi đào tạo nhiều vận động viên đỉnh cao của quốc gia. Tại các kỳ Đại hội Thể thao quốc tế lớn mang tầm khu vực và châu lục, VĐV thể thao Thủ đô luôn là lực lượng nòng cốt, đóng góp khoảng 30% tổng số huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam.
Điều này lại một lần nữa được khẳng định tại Đại hội Thể thao châu Á 2018 (ASIAD) vừa qua, khi các VĐV Hà Nội đã phát huy rất tốt vai trò là đơn vị chủ lực có đóng góp nhiều huy chương nhất trên tổng số huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam. Thành tích này đã góp phần đưa Thể thao Việt Nam đứng thứ 16/45 các quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự ASIAD 18.
Tại Đại hội châu Á, thể thao Hà Nội có khoảng 122 cán bộ đoàn, HLV, VĐV, chiếm 23,4% trên tổng số 523 thành viên đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2018. VĐV của Hà Nội tranh tài 23/32 môn thi của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 với các môn thi đấu chủ lực như: Điền kinh, Bắn súng, Thể dục dụng cụ, Bắn cung, Vật, Pencak Silat, Karate, Taekwondo, Đấu kiếm, Wushu, Boxing, Bóng bàn, Cầu lông, Cầu mây, Cử tạ, Rowing, Kurash, Sambo, Jujitsu, Bowling, Golf, Bóng đá nam, Bóng đá nữ.
Kết thúc ASIAD 18, các VĐV của Thủ đô đã thi đấu xuất sắc đóng góp 16 huy chương các loại (1 HCV, 6 HCB, 9 HCĐ) vào bảng thành tích chung của đoàn Thể thao Việt Nam. Trong số 16 huy chương đó, nổi bật nhất là tấm HCV môn Điền kinh của VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo. Thi đấu ở nội dung nhảy xa, thành tích của Bùi Thị Thu Thảo đạt được là 6,55m. Đây là thành tích tốt nhất của vận động viên này trong sự nghiệp. Đáng chú ý, cô đã phá kỷ lục của bản thân ở ngay lượt nhảy đầu tiên và dẫn đầu cuộc thi cho tới khi kết thúc. Ngoài ra, đây còn là tấm HCV lịch sử khi điền kinh Việt Nam lần đầu tiên có huy chương ở sân chơi ASIAD.
Đặc biệt hơn, với 4 HCV, 16 HCB, và 18 HCĐ giành được, đoàn thể thao Việt Nam chỉ xếp thứ 4 trong số các đoàn thể thao Đông Nam Á tham dự ASIAD 2018. Tuy nhiên, chúng ta đứng số 1 khu vực về môn thể thao cơ bản của Olympic: điền kinh. Tại ASIAD 2018, Đông Nam Á chỉ có ba đoàn giành được huy chương điền kinh. Thái Lan có 4 tấm (3 HCB, 1 HCĐ), Indonesia có 2 (1 HCB, 1 HCĐ), nhưng không đoàn nào giành được HCV. Duy nhất Việt Nam giành được HCV ở nội dung nhảy xa nữ do công của Bùi Thị Thu Thảo.
Ngoài tấm HCV của Bùi Thị Thu Thảo, các VĐV Thủ đô cũng đóng góp vào thành tích chung của đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD lần này 6 tấm HCB. Trong đó, Wushu giành 1 HCB cá nhân, do công võ sĩ Phạm Quốc Khánh ở nội dung nam côn, 5 HCB đồng đội, ở các môn: Pencak silat, Hà Nội giành 3 HCB đồng đội do công của Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Huyền, Vương Thị Bình (nội dung quyền đồng đội nữ), Vũ Tiến Dũng, Vũ Xuân Thành, Lưu Văn Nam (nội dung quyền đồng đội nam), Trần Đức Danh, Lê Hồng Quân (nội dung quyền đôi nam). Ở môn Cầu mây, Hà Nội có vận động viên góp mặt trong đội hình giành HCB nội dung 4 người dành cho nữ. Bên cạnh đó, 2 nữ tay chèo của Hà Nội là Đinh Thị Hảo, Trần Thị An nằm trong đội hình 4 tay chèo giành HCB nội dung thuyền 4 nữ.
Ngoài giành 1 HCV môn Olympic (điền kinh), Thể thao Hà Nội cũng có công lớn giúp Rowing cũng thuộc môn Olympic giành vàng ASIAD. Để có được tấm HCV Rowing danh giá này, trong kế hoạch chuẩn bị cho ASIAD 18, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với bộ môn Đua thuyền, Tổng cục Thể dục Thể thao xây dựng các kế hoạch tập luyện, tập huấn cho vận động viên như: tham gia các giải đấu lớn từ khu vực đến thế giới để tích lũy kinh nghiệm, như tập huấn ở Australia và tham dự 2 Cúp Rowing châu Á. Không có VĐV nằm trong 4 nữ thi đấu nội dung thuyền 4 nữ mái chèo hạng nhẹ giành HCV, nhưng Hà Nội có Lê Văn Quang là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Đua thuyền quốc gia.
9 tấm HCĐ mà các vận động viên Hà Nội giành được ở ASIAD 18 lần này lần lượt thuộc về môn Wushu có 3 HCĐ cá nhân (võ sĩ Hoàng Thị Phương Giang, Nghiêm Văn Ý, Dương Thúy Vi), môn Cầu mây góp 2 HCĐ (đội tuyển cầu mây Việt Nam nội dung nhóm 4 nam – có các VĐV Đỗ Mạnh Tuấn, Nguyễn Hoàng Lân, Đậu Văn Hoàng; đội tuyển regu đồng đội nữ). 4 HCĐ còn lại của Ngô Hữu Vượng (Bắn súng), Nguyễn Thị Tâm (Boxing, hạng cân 51kg nữ), Nguyễn Thị Lan (Kurash, hạng cân 73kg nữ), Điền kinh 4x400m tiếp sức nữ (có sự góp mặt của Nguyễn Thị Oanh).
Ở môn Bóng đá nam, thể thao Thủ đô cũng có 7 cầu thủ nằm trong danh sách đội tuyển Olympic Việt Nam đã thi đấu đầy ấn tượng, góp công lớn thành tích của Bóng đá Việt Nam khi lần đầu tiên trong lịch sử lọt tới vòng bán kết ASIAD. Những tuyển thủ đó gồm: Đỗ Hùng Dũng, Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Quang Hải và Phạm Đức Huy. Trong khi đó, môn Bóng đá nữ, Hà Nội cũng góp 4 cầu thủ (Nguyễn Thanh Huyền, Bùi Thuý An,Phạm Hải Yến, Thái Thị Thảo) trong đội hình đội tuyển nữ Việt Nam tham dự ASIAD 18.
Có thể nói, qua các kỳ thể thao khu vực và châu lục, Thể thao Thủ đô đã có sự đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Thể thao nước nhà. Đây cũng là đầu mà trong chiến lược phát triển Thể thao đỉnh cao của Hà Nội đến năm 2020 đặt mục tiêu rất rõ các vận động viên Hà Nội luôn là nòng cốt của các đội tuyển Quốc gia tại các kỳ đại hội Thể thao khu vực, châu lục và thế giới.
Trong sơ kết 6 tháng đầu năm 2018. Thể thao thành tích cao Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước tại các giải thi đấu thể thao với 959 huy chương, trong đó có 752 huy chương tại các giải thi đấu trong nước và 207 huy chương quốc tế.
Hồng Minh
Theo Thể thao ngày nay