Văn hóa cơ sở

Đầu Xuân, cùng trẩy hội Gióng đền Sóc

Tục truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, Thánh Gióng phi ngựa tới chân núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Để tưởng nhớ công đức của Ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi bay về trời, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng (Âm lịch).

Đầu Xuân, Nhân dân cả nước nói chung, Nhân dân Hà Nội nói riêng lại nô nức đi trẩy hội Gióng. Đây chính là nét văn hóa đẹp ngày Xuân để tưởng nhớ  và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Hội Gióng thu hút đông đảo du khách gần xa

Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Tục truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, Ngài phi ngựa tới chân núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Để tưởng nhớ công đức của Ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi bay về trời, Nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Giêng (Âm lịch).

Nghi lễ rước ngựa Gióng

Nghi lễ rước hoa tre

Quần thể khu di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. bao gồm 6 công trình: Đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: Lễ mộc dục, lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa…

Hội Gióng đền Sóc Sơn là một lễ hội lớn hàng năm với sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng và được người dân chuẩn bị chu đáo từ rất sớm. Trước ngày khai hội khoảng 2-3 tuần, những thôn tham gia lễ hội đã bắt đầu rục rịch các công việc chuẩn bị. Phân công rước các lễ vật trong lễ hội của các làng gồm: Thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) – rước giò hoa tre; Thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) – rước voi; Thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) – rước trầu cau; Thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa) – rước ngà voi; Thôn Yên Sào (xã Xuân Giang) – rước cỏ voi; Thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) – rước tướng. Ngày nay trong lễ hội đền Sóc còn có thêm biểu tượng rước ngựa Gióng của thôn Phù Mã (xã Phù Linh) và rước cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).

Trong các biểu tượng được rước ở lễ hội thì làm công phu và mất nhiều thời gian nhất là voi và giò hoa tre. Sau khi làm lễ thỉnh Thánh tại đình làng, các cụ thôn Dược Thượng tiến hành công việc pha tre, đan khung hình con voi cao 3-4 mét. Khi khung tre dựng xong thì dán giấy, quét sơn và trang trí voi sao cho sống động. Chiều mồng 5 Tết, cả làng tập trung tại đình làng xem tổng duyệt và tham gia tế lễ, đến sáng hôm sau vào ngày chính hội sẽ rước voi về đền Thượng làm lễ tế.

Thôn Vệ Linh được giao trọng trách làm giò hoa tre. Giò hoa tre được kết từ hàng trăm “hoa tre” bằng cách cắm vào thân một cây chuối cao làm trụ (“Hoa tre” là một vật mang tính biểu trưng, tượng trưng cho cây tre, gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc khi xưa). Những cây tre làm giò hoa tre đều được lựa chọn kỹ lưỡng. Sau lễ tế tại đình làng, vào sáng mùng 5 dân làng bắt đầu vót hoa tre. Mọi người“pha” tre thành từng đoạn 50 – 60 cm, vót hoa và nhuộm màu hoa cho đẹp rồi đem phơi. Tiếp đó việc kết giò hoa tre được làm ở đình làng và được hoàn thành vào chiều tối mùng 5.

Các thôn khác cũng  chuẩn bị phẩm vật từ giữa tháng Chạp, rồi làm lễ tại đình làng mình vào ngày mùng 5 Tết.

Đêm mùng 5 Tết, nghi lễ mộc dục (tắm tượng) được tiến hành ở đền Thượng. Tảng sáng ngày mùng 6, sau 3 hồi trống nổi lên từ đền Thượng thì lễ hội Gióng chính thức bắt đầu. Nhân dân 8 thôn làng thuộc 6 xã nằm quanh Khu di tích đền Sóc là Tân Minh, Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hòa, Xuân Giang và Bắc Phú dâng các lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo lên Đức Thánh, cầu mong ngài phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Mở đầu lễ hội, cây giò hoa tre được rước vào đền Thượng và thực hiện nghi lễ tiến. Chủ tế thôn Vệ Linh làm lễ và đọc bài tấu. Sau khi làm lễ xong, giò hoa tre được rước xuống đền Trình, tại đây diễn ra trò “cướp lộc” với mong muốn được nhiều may mắn trong năm cho mỗi người dự lễ. Theo sau đoàn rước của thôn Vệ Linh, các đoàn rước của các thôn khác cũng tuần tự tiến vào dâng lễ theo sự phân công.

Sang ngày mùng 7 chính hội (ngày Thánh hóa theo truyền thuyết). Một trong những tục độc đáo của lễ hội đền Sóc là tục chém tướng của thôn Yên Tàng, gồm có phần rước đồng thời diễn tả lại việc Thánh Gióng chém 3 tên tướng giặc Ân cuối cùng ở chân núi Vệ Linh trước khi bay về trời. Cùng với các nghi lễ cúng tế, ở khu vực bên ngoài còn diễn ra các trò chơi dân gian rất sôi nổi. Đến chiều ngày mùng 8, ngày cuối của lễ hội là lễ hóa các mô hình voi và ngựa giấy với kích thước lớn được tiến hành để kết thúc lễ hội (voi chiến và ngựa sắt là hai linh vật gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng chống giặc Ân, bảo vệ non sông bờ cõi). Du khách thập phương đến tham gia lễ hội ai ai cũng đều mong được chung tay khiêng voi, khiêng ngựa ra bờ sông để hóa, bởi theo tín ngưỡng, bất cứ ai được chạm tay vào đồ tế Đức Thánh đều sẽ gặp may mắn trong cuộc sống.

Sau lễ hội đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, các lễ hội ở các địa phương lân cận liên quan đến đức Thánh Gióng sẽ lần lượt diễn ra, mà điểm nhấn là lễ hội Phù Đổng (xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), nơi sinh thành của đức Thánh Gióng, mở hội vào ngày mùng 9 tháng 4 (âm lịch).

Với những giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và lưu truyền khá nguyên vẹn qua nhiều thế hệ, Hội Gióng Sóc Sơn đã trở thành cầu nối liên kết cộng đồng và chứa đựng nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện khát vọng đất nước được thái bình, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chính bởi những giá trị quý giá như vậy mà ngày 16/11/2010, Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngọc Minh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *