Với vai trò là một thiết chế văn hóa gắn với giáo dục, khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo của công chúng và hướng tới các nhóm cộng đồng giáo dục, sáng 17/5, Bảo tàng Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Hoạt động giáo dục bảo tàng – kết nối cộng đồng” nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2024.
Cùng với quá trình phát triển lịch sử, bảo tàng có một vai trò ngày càng lớn trong xã hội, chức năng của bảo tàng luôn được bổ sung, đáp ứng các nhu cầu xã hội. Trong thế kỷ XXI, thử thách lớn nhất mà tất cả các bảo tàng phải đối mặt chính là sự khẳng định:“Các bảo tàng là để dành cho con người và do đó tương lai của các bảo tàng phụ thuộc vào việc tự nâng cấp, tự phát triển để đáp ứng nhu cầu đã được thị trường chỉ rõ”. Năm 2024, hiệp hội Bảo tàng Quốc tế (ICOM) khuyến khích các bảo tàng trên toàn thế giới xây dựng hoạt động với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” để nhấn mạnh vai trò then chốt của các thiết chế văn hóa, cung cấp một trải nghiệm giáo dục toàn diện. Trong đó, bảo tàng có vai trò như là nguồn sử liệu gốc, là trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy phê phán của khách tham quan. Từ nghệ thuật và lịch sử đến khoa học và công nghệ, bảo tàng là những không gian quan trọng nơi giáo dục và nghiên cứu gặp nhau để hình thành hiểu biết của chúng ta về thế giới.
Với mong muốn tổ chức các hoạt động giáo dục được tốt hơn, đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, Bảo tàng Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hoạt động giáo dục bảo tàng – kết nối cộng đồng” nhằm lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục và gợi ý cho các hoạt động giáo dục trong tương lai cho Bảo tàng Hà Nội. Từ đó góp phần đưa chương trình giáo dục trải nghiệm về di sản văn hóa của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng đến gần hơn với công chúng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ cho biết, trong năm 2023 và tính đến tháng 4/2024, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức cho khoảng 17.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm tại bảo tàng. Đối tượng tham gia trải nghiệm tại bảo tàng phần lớn là học sinh, sinh viên nên nhóm đối tượng này được xác định là đối tượng chính, trọng tâm của bảo tàng khi xây dựng các nội dung hoạt động trải nghiệm. Hiện nay, hoạt động trải nghiệm là hoạt động giữ vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục mới, giúp cho học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm để vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn, mang lại hiệu quả ghi nhớ cao hơn là phương pháp giáo dục một chiều. Bên cạnh đó hoạt động giáo dục, trải nghiệm tốt sẽ góp phần quan trọng tạo nên thành công cho các cuộc trưng bày.
Với lợi thế lưu giữ một kho tàng di sản quý giá là trên 73.000 tài liệu, hiện vật gốc về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của Thủ đô ngàn năm văn hiến, với khuôn viên, không gian lớn, hiện đại, Bảo tàng Hà Nội đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm giáo dục ở khuôn viên bảo tang như: các trò chơi dân gian, chợ Tết, Rước trăng chơi phố dịp Trung thu…
Bên cạnh đó, Bảo tàng Hà Nội còn nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể, các hoạt động giáo dục văn hóa phi vật thể, nghệ nhân là người giữ vai trò quyết định trong sự thành công của công tác giáo dục cũng như bảo tồn di sản văn hóa. Bảo tàng Hà Nội thường xuyên tổ chức mời các nghệ nhân là những chủ thể của di sản tham gia trực tiếp vào việc giới thiệu, trình diễn như trình diễn các nghề thủ công truyền thống làm Tò he, nón chuông, cốm Mễ Trì, làng gốm Bát Tràng… hay các tập quán xã hội và tín ngưỡng, các chương trình biểu diễn nghệ thuật như: múa rối nước Đào Thục, ca trù, hát xẩm… Ngoài ra còn có các hoạt động hấp dẫn khác như trải nghiệm ghép tranh từ vụn vải (phối hợp cùng HTX Vụn Art), làm móc khóa hình thú nhồi bông (phối hợp cùng Kym Việt)…
Với mong muốn tổ chức tốt hơn nữa các hoạt động giáo dục trải nghiệm nhằm thu hút cộng đồng đến với Bảo tàng Hà Nội, tọa đàm “Hoạt động giáo dục bảo tàng – kết nối cộng đồng” là cơ hội để các tổ chức đã từng phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Hà Nội chia sẻ câu chuyện của mình cũng như những ý tưởng, hành trình khi xây dựng chương trình giáo dục; các hoạt động giáo dục đã thực hiện; năng lực và mong muốn khi hợp tác với Bảo tàng Hà Nội tổ chức hoạt động giáo dục.
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên – Giám đốc Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam (VICH) cho rằng, việc quảng bá di sản văn hóa phi vật thể hiện nay không chỉ dừng lại ở việc đưa hình ảnh các di sản hiển thị ngoài cộng đồng rộng rãi qua các buổi biểu diễn quy mô lớn, mà bên cạnh đó, những chương trình biểu diễn quy mô nhỏ, những talkshow, triển lãm… vừa mang tính quảng bá gắn với hoạt động giáo dục đã mang lại những hiệu quả rất lớn, giúp du khách có “điểm chạm” tới di sản và có nhu cầu tìm hiểu sâu kỹ hơn về di sản… Những hoạt động quy mô nhỏ này có lợi thế có thể kết hợp với nhiều không gian, đặc biệt là với bảo tàng. “Ở Bảo tàng Hà Nội, chúng tôi đã nghiên cứu để đưa các sản phẩm của mình vào với những chiếu chèo, hát xẩm tại khu nhà cổ. Và đồng thời, với Bảo tàng Hà Nội, chúng tôi có 3 mức độ kết nối: VICH là đối tác tham gia vào tất cả các hoạt động Bảo tàng phát động như trưng bày, triển lãm…; VICH kể câu chuyện về Bảo tàng Hà Nội bằng ngôn ngữ của di sản văn hóa phi vật thể; VICH và Bảo tàng cùng kể câu chuyện nào đó nhằm thu hút cộng đồng đến với Bảo tàng”.
Còn theo MC Ninh Quang Trường – tác giả Cờ Mặt trời thì cho biết: “Các hoạt động chúng tôi mang đến khai thác trên chính nền tảng, sản phẩm, những thứ mà không gian sẵn có và đẩy nó lên. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải tìm được từ khóa để kéo mọi người đến, tùy vào từng thời điểm chúng ta nói câu chuyện gì sẽ hấp dẫn mọi người. Ví dụ như trong đợt nghỉ lễ, với từ khóa “dành cho cả gia đình” các hoạt động tại Bảo tàng Hà Nội đã thu hút khoảng 10.000 người đến tham quan, trải nghiệm”.
Tại buổi tọa đàm, các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học đã/đang là nhà tổ chức hoạt động giáo dục, nghiên cứu về giáo dục tại bảo tàng cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức các hoạt động giáo dục và gợi ý cho các hoạt động giáo dục trong tương lai của Bảo tàng Hà Nội.
Vy Vy