Văn hoá đời sống

Để du lịch làng nghề không chỉ mãi là tiềm năng

Du lịch làng nghề là tiềm năng không chỉ cho ngành du lịch mà cho cả sự phát triển của các làng nghề truyền thống hiện nay.

Du lịch làng nghề là tiềm năng không chỉ cho ngành du lịch mà cho cả sự phát triển của các làng nghề truyền thống hiện nay. Tuy nhiên, loại hình du lịch làng nghề hiện nay vẫn đang phát triển một cách manh mún, tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

img_0160

Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng, có 47/52 nghề của toàn quốc, trong đó có 277 làng nghề đã được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Làng nghề giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch văn hóa, giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế những đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi làng nghề, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. Đây chính là lợi thế, cũng là tiềm năng không chỉ cho ngành du lịch Thành phố mà cho cả sự phát triển của các làng nghề truyền thống hiện nay. Tuy nhiên nhìn chung, loại hình du lịch làng nghề trong cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn đang phát triển một cách manh mún, tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Làng nghề Hà Nội nằm dọc các trục giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội nên thuận lợi cho các công ty du lịch, lữ hành đầu tư, xây dựng những tuor, tuyến du lịch phục vụ du khách. Hơn nữa, Hà Nội đang có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề. Đó là những nghề truyền thống mà thương hiệu đã nổi tiếng trong nước cũng như nước ngoài. Bên cạnh những sản phẩm làng nghề nổi tiếng, Hà Nội còn có rất nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn có thể kết nối thành tuor du lịch phong phú về văn hóa, lịch sử như các đền, chùa, miếu mạo, cảnh quan sinh thái.

Mô hình "Lò bầu" của làng gốm Bát Tràng tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam 2016
Mô hình “Lò bầu” của làng gốm Bát Tràng tại Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016

Những năm gần đây, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế – xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của các làng nghề truyền thống. Việc phát triển du lịch làng ghề, gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch được coi là đình hướng chung của Hà Nội và các địa phương trên cả nước. Với định hướng đó, trong thời gian qua, tên tuổi các điểm du lịch làng nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã xuất hiện trong nhiều sách hướng dẫn du lịch quốc tế.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội không những đa dạng, phong phú về chủng loại mẫu mã mà còn mang bản sắc văn hóa độc đáo của từng làng, từng địa phương, đặc biệt là một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của làng nghề của Hà Nội được đánh giá cao như mây tre đan, sơn mài, chạm khảm, lụa, gốm sứ có tính hấp dẫn du khách.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Lan Chi: “Xu hướng tự do hóa và mở cửa thị trường, phát triển kinh tế kèm theo nhu cầu nâng cao mức sống, quá trình phát triển tầng lớp trung lưu diễn ra nhanh chóng cũng tốc độ đô thị hóa sẽ dẫn đến những nhu cầu mới về chất lượng, giá trị vật chất, giá trị văn hóa, tính độc đáo của các sản phẩm, yêu cầu sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn và có lợi cho sức khỏe con người. Ngoài ra, nhu cầu về du lịch, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ phục vụ đời sống, dịch vụ môi trường… cũng sẽ phát triển rất mạnh, mở ra triển vọng to lớn cho các làng nghề và kinh tế nông thôn nói chung. Chính vì vậy, để phát triển làng nghề cần xác định quan hệ giữa kinh tế làng nghề và kinh tế đô thị, với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch làng nghề với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ hợp lý, đảm bảo môi trường bền vững và phù hợp với điều kiện của vùng. Trên cơ sở lợi thế so sánh của các địa phương, gắn với dự báo thị trường tương lai, xây dựng quy hoạch để thu hút đầu tư vào các làng nghề, làng dịch vụ; phát huy vai trò của cộng đồng và các tổ chức dân sự để gắn kết sản xuất và dịch vụ nghề với du lịch nông thôn, du lịch văn hóa. Tiến hành các chương trình nghiên cứu và xây dựng lực lượng tư vấn nhằm xác định lợi thế và thị trường cho các sản phẩm của làng nghề. Hỗ trợ các làng nghề phát triển nghề của làng, phát triển thị trường, tiếp thu công nghệ để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Xây dựng và triển khai chương trình “bảo tồn và phát triển mỗi một làng nghề”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Lan Chi phát biểu tại Hội thảo "Làng nghề Việt Nam gắn với phát triển du lịch và hội nhập quốc tế"
Chuyên gia kinh tế Phạm Lan Chi phát biểu tại Hội thảo “Làng nghề Việt Nam gắn với phát triển du lịch và hội nhập quốc tế”

Ông Nguyễn Vi Khải, PCT Hội đồng Tư vấn HH Làng nghề Việt Nam cũng cho rằng: “Phát triển làng nghề gắn với du lịch là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm quảng bá và phát triển du lịch đồng thời giới thiệu hình ảnh văn hóa, lịch sử đất nước. Việt Nam cũng đã nhận thức được điều này nên từ cách đây 10-15 năm, định hướng phát triển du lịch làng nghề đã được đặt ra như một hướng đi của làng nghề. Phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế mà còn là một cách thức để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời cũng là một phương thức giới thiệu sinh động về mỗi vùng miền, địa phương trên đất nước”.
Tuy vậy, cũng theo ông Khải, thực tế cho thấy, hoạt động du lịch làng nghề ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế mà nổi lên hàng đầu là thiếu chiến lược lâu dài. Nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch tại các làng nghề còn thiếu và yếu, hầu như không được chú ý từ các cấp, bản thân làng nghề chưa có kỹ năng khai thác du lịch, sản phẩm làng nghề tuy nhiều, phong phú nhưng sức cạnh tranh kém, ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế. Du lịch làng nghề vừa qua phần lớn mang tính tự phát, chính vì vậy nên hiệu quả chưa cao, chưa có sức lan tỏa sâu rộng, du khách thường chỉ đến một lần. Nhiều địa phương chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển du lịch làng nghề, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ không đảm bảo cho du lịch – đây là vướng mắc lớn nhất. Sản phẩm đơn điệu, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường. Sự liên kết, hợp lực giữa các doanh nghiệp, người sản xuất, nhà quản lý… chưa trở thành một khối thống nhất để phát huy tiềm năng lớn của làng nghề cũng như thế mạnh của du lịch.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Trong những năm gần đây, Thành phố đã hỗ trợ kinh phí để phát triển du lịch cho các làng nghề về nâng cấp hạ tầng: đường giao thông, mạng lưới điện, nước sạch, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành và duy trì đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở hướng dẫn cho khách… Một số làng nghề đã trở thành điểm tham quan du lịch”.

Theo Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt; định hướng phát triển các sản phẩm du lịch Hà Nội tập trung một số nhóm chủ yếu như: tham quan làng nghề, phố cổ, lễ hội; phát triển những trung tâm mua sắm gắn với hệ thống các làng nghề bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá cả nhằm bảo vệ quyền lợi cho du khách… HĐND Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 về Danh mục phổ cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố Hà Nội đã chủ trương thực hiện thí điểm mô hình dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lục Vạn Phúc để làm cơ sở nhân rộng mô hinhfn đối với các làng nghề truyền thống tiêu biểu khác, có tiềm năng phát triển du lịch. Theo đó, tập trung đầu tư phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế.
Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ trì thực hiện đề án “Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc” nhằm giúp đưa làng nghề hội nhập với hoạt động du lịch chung của Thủ đô nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung.

Lụa Vạn Phúc
Lụa Vạn Phúc

Bên cạnh đó, Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam và Hội chợ Quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội sẽ được tổ chức thành sự kiện thường niên nhằm góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát triển các nghề thủ công truyền thông của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; tạo điều kiện cho các làng nghề thủ công truyền thống, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và đối tác liên doanh liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Mời các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu mẫu sản phẩm làng nghề sản xuất theo nhu cầu thị hiếu của khách du lịch. Cùng với đó là sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương nơi có làng nghề.

Thúy Nga

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *