Từ một huyện không có thôn, tổ dân phố nào đạt danh hiệu văn hóa (năm 2000) do những tiêu chí khắt khe về việc sinh con thứ ba, số người nghiện ma túy, đến nay, huyện Gia Lâm đã có 83,4% số thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Kết quả này […]
Từ một huyện không có thôn, tổ dân phố nào đạt danh hiệu văn hóa (năm 2000) do những tiêu chí khắt khe về việc sinh con thứ ba, số người nghiện ma túy, đến nay, huyện Gia Lâm đã có 83,4% số thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Kết quả này cho thấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có những chuyển biến đáng kể, không chỉ ở việc điều chỉnh các tiêu chí sát với thực tế, mà quan trọng hơn là từ sự nỗ lực của từng hộ gia đình, sự quyết tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện tới cơ sở.
Thành công từ các mô hình văn hóa
15 năm qua, các phong trào xây dựng mô hình văn hóa được huyện Gia Lâm quan tâm chỉ đạo thực hiện. Xác định đây là nội dung trọng tâm và cốt lõi của phong trào, BCĐ huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn về quy trình đăng ký, bình xét gia đình văn hóa theo hướng ngày càng chất lượng và đi vào chiều sâu. Năm 2000, huyện có 89,6% hộ đạt gia đình văn hóa, đến năm 2015, số hộ đạt danh hiệu là 92,9%. Công tác quản lý Nhà nước về gia đình tập trung vào các nội dung rất cụ thể như: các chỉ tiêu về CLB văn hóa gia đình, các chỉ số về phòng chống bạo lực gia đình, thống kê các hình thức sinh hoạt hiệu quả…Để động viên phong trào, hàng năm huyện đều tổ chức khen thưởng và biểu dương các gia đình tiêu biểu. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam, huyện tiếp tục biểu dương, khen thưởng 150 gia đình văn hóa đã có nhiều thành tích xuất sắc trong 15 năm qua.
Đại diện lãnh đạo huyện Gia Lâm khen thưởng các Gia đình văn hóa tiêu biểu
Phong trào xây dựng thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa có nhiều khởi sắc. Hầu hết các thôn, tổ dân phố đều thực hiện tốt các tiêu chí do BCĐ thành phố ban hành, trong đó có những thôn, TDP văn hóa tiêu biểu như: Thôn Lời (xã Đặng Xá) được dự và báo cáo điển hình tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng Làng văn hóa năm 2009; thôn 4 (xã Đông Dư) và thôn Hàn Lạc (xã Phú Thị) là 2 đơn vị tiêu biểu được Thành phố khen thưởng năm 2008. Năm 2011, Thành phố khen thưởng thôn Đại Bản, xã Phú Thị và thôn Thượng xã Dương Hà – hai đơn vị điển hình trong thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” và giữ vững danh hiệu thôn văn hóa trong nhiều năm liên tục. Đây thực sự là điểm sáng trong phong trào xây dựng thôn văn hoá, tổ dân phố văn hoá của huyện, xứng đáng nêu gương để các địa phương khác trong huyện học tập, làm theo.
Chuyển biến trong xây dựng nếp sống văn minh
Trước đây, việc tuyên truyền, vận động thực hiện việc cưới, tang, lễ hội văn minh gặp nhiều khó khăn do những phần lớn người dân đã quen với cách mai táng truyền thống và quan niệm tổ chức đám cưới linh đình. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 308/QĐ-TTg, ngày 25/11/2005 kèm theo Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc triển khai thực hiện. Trong 10 năm, cả huyện không có trường hợp tảo hôn. Các lễ cưới được Đoàn Thanh niên và gia đình đứng ra tổ chức trang trọng nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm, việc ăn uống linh đình được hạn chế. Năm 2015, tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn huyện đạt 52,56%, trong đó có đơn vị đạt tỷ lệ > 90% như: Thị trấn Trâu Quỳ, thị trấn Yên Viên, xã Cổ Bi, xã Bát Tràng…100 lễ hội truyền thống được tổ chức theo đúng các quy định của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội.
Lễ hội Bông Sòng- Nét văn hóa đặc sắc của làng Sủi.
Những kết quả đạt được trong 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, tiếp tục phát huy mọi nguồn lực xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp cho các giá trị văn hóa tiếp tục thấm sâu vào mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo động lực để người dân hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Thanh Mai