Chưa được phân loại

Để Hà Nội mãi là trung tâm văn hóa lớn của cả nước

Đảng ta đề ra chiến lược xây dựng văn hóa là giữ gìn văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời khẳng định văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến vốn hội tụ tinh […]

Đảng ta đề ra chiến lược xây dựng văn hóa là giữ gìn văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời khẳng định văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất trong đa dạng.

Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến vốn hội tụ tinh hoa văn hóa bốn phương mà góp phần làm nên một nền văn hóa dân tộc phong phú, giàu bản sắc với những giá trị đặc biệt trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cả dân tộc. Thăng Long – Hà Nội là “chốn kinh sư mãi muôn đời”, bởi thế văn hóa nơi đây đã là, vẫn là và mãi mãi là niềm tự hào của người Hà Nội nói riêng và của người Việt Nam nói chung.

Du khách quốc tế tìm hiểu nghệ thuật ca trù Việt Nam (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19). Ảnh: Linh Tâm

1. Trong lịch sử hàng ngàn năm của nước Việt có lúc Hà Nội không còn là trung tâm đầu não về chính trị, thế nhưng khi nào cũng là một trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa của dân tộc.

Giáo sư Trần Văn Giàu, khi được mời viết bài cho cuốn sách “Thăng Long – Hà Nội hội tụ và tỏa sáng” đã nhắc tôi với tư cách là Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội rằng: “Ông nhớ cho, đến Hà Nội, cái đầu tiên người ta quan tâm là văn hóa!”. Với tôi, đó là lời nhắc nhở quý báu của bậc tiền bối. Với văn hóa, đó là sự khẳng định có tính khoa học và trải nghiệm thực tiễn sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa Hà Nội. Vị trí hàng đầu, vai trò tiên phong về văn hóa làm cho những người Hà Nội, những người có trọng trách và những người yêu Hà Nội phải suy ngẫm nhiều.

Trong quá khứ, văn hóa Thăng Long – Hà Nội luôn giữ vị trí hàng đầu với truyền thống ngàn năm văn hiến. Những áng thiên cổ hùng văn mỗi khi nhắc đến lòng ta lại trào dâng niềm tự hào vô hạn như “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” – bản tuyên ngôn độc lập bằng thơ thời Lý, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi, “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á… Tất cả theo dòng thời gian mà dệt nên bức tranh hoành tráng, hào hùng về lịch sử văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Mỗi khi nhắc đến tên đất, tên người Thăng Long – Hà Nội là lòng ta xao xuyến, bạn bè gần xa cảm mến, nể phục. “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng long”, “Dù có đi bốn phương trời/ Lòng vẫn hướng về Hà Nội”…, tình người, lòng người, thứ văn hóa đã khắc sâu vào tâm khảm con người không có gì so sánh được. Ai đã một lần đắm trong hoàng hôn hồ Tây, ai đã tản bộ mơ màng quanh hồ Hoàn Kiếm “trái tim của trái tim nước Việt”, ai đã từng thảng thốt với hương hoa sữa trên phố Nguyễn Du…, chắc chắn không thể quên Hà Nội! Ai đã đến Thăng Long tứ trấn, ai đã thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ai đã qua Hoàng thành…, sẽ không thể không suy ngẫm về một nền văn hóa, giáo dục truyền thống ngàn năm, chứa ẩn trong đó triết lý nhân văn sâu sắc và niềm khát khao với chân – thiện – mỹ.

Phải chăng tất cả đã hội tụ lại mà làm nên cốt cách người Hà Nội lịch lãm, tinh tế, kiêu sang mà không kênh kiệu, dịu dàng mà thông minh, quyết đoán, cởi mở mà không cứng nhắc, suồng sã…

Hà Nội ngày nay lại được bổ sung cả một vùng Hà Tây giàu bản sắc, với “cô gái suối Hai, chàng trai cầu Giẽ”, với “tấm lụa thanh thiên” Vạn Phúc, với “Chiếc gậy Trường Sơn”, với hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ, với hội chùa Hương có suối Yến và “Nam thiên đệ nhất động”, với thành cổ Sơn Tây và cả một vùng văn hóa xứ Đoài quyến rũ… Gia tài văn hóa truyền thống Thăng Long – xứ Đoài – Sơn Nam Thượng còn lưu giữ đến ngày nay thật đồ sộ, thật xứng đáng là trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước.

Với truyền thống văn hóa ấy, với vị trí, vai trò Thủ đô của đất nước, văn hóa Hà Nội ngày nay không thể không đi đầu trong điều kiện Việt Nam mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng với cộng đồng quốc tế. Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa bốn phương qua các đoàn ngoại giao, các nhà hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và khách du lịch; nơi các hoạt động giao lưu văn hóa thường xuyên diễn ra giữa các địa phương trong và ngoài nước; nơi tập trung hàng ngàn trí thức hàng đầu của cả nước, hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế với đủ các ngành nghề học tập và sinh sống; nơi có kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể giàu có và độc đáo; nơi được đầu tư phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội… Nơi ấy có vinh dự và nghĩa vụ phải đi đầu! Không đi đầu là có tội với tiền nhân, có lỗi với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế! Xem vậy, trách nhiệm của người Hà Nội nói chung, của lãnh đạo và những người làm văn hóa Hà Nội nói riêng, thật vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề.

Phải làm gì đây? Và làm như thế nào? Phải bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào? Đó là bài toán không hề đơn giản.

Lễ hội đường phố – một nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội. Ảnh: Phạm Khánh Huy

2. Có lẽ vẫn phải bắt đầu từ nhận thức. Không có nhận thức đúng không thể có tư duy và cách làm đúng! Ở đâu “quan tâm văn hóa chưa tương xứng với chính trị, kinh tế” thì còn có thể châm chước, nhưng ở Thủ đô Hà Nội điều đó là khó có thể chấp nhận.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần”. Nhận thức của Trung ương trong hội nghị là vậy, nhận thức của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền trong hoạt động thực tiễn thì sao? Còn rất nhiều bất cập!

Bất cập đầu tiên và cốt tử là việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm những người quản lý văn hóa. Đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp rất nhiều người không có chuyên môn sâu về văn hóa, làm “tay ngang” hoặc “bổ túc văn hóa” cho phù hợp với công việc được giao. “Chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần” dẫn đến coi nhẹ việc bố trí cán bộ quản lý văn hóa. Các cán bộ văn hóa vốn được “dập khuôn” từ “lò đào tạo” ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, nếu không có điều kiện bồi dưỡng, đào tạo nâng cao sẽ thiếu năng lực trong quản lý, xây dựng văn hóa khi kinh tế mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng. Những học sinh xuất sắc bây giờ hầu như rất ít người ghi nguyện vọng học đại học chuyên ngành văn hóa. Bởi thế, các cơ quan tham mưu về văn hóa cho cấp ủy các cấp yếu dần, làm cho nhiều quan điểm đúng đắn của Đảng chưa được triển khai hiệu quả. Vấn đề đầu tư là một ví dụ. Văn kiện đã nhận định rất chính xác: “Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”.

Với Hà Nội, vấn đề đầu tư tài chính không phải băn khoăn nhiều. Vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo để có hiệu quả mới là cốt yếu. Đơn cử việc xây dựng Công viên Hòa Bình tại thời điểm vàng với một vị trí đắc địa nhưng làm vội vàng nên dẫn đến nhiều khiếm khuyết. Công viên Yên Sở cũng chưa thành địa chỉ văn hóa ấn tượng của người Hà Nội. Vấn đề quản lý các công viên, kể cả Công viên Thống Nhất giữa trung tâm thành phố sao cho nó đúng nghĩa là công viên mới là vấn đề đáng quan tâm đầu tư. Để đi đầu, để xứng tầm trung tâm văn hóa của cả nước, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm.

3. Vấn đề xây dựng con người có tính chiến lược của Đảng, với Hà Nội lại càng có ý nghĩa quan trọng. Người Hà Nội không thể không thanh lịch, đó là yêu cầu nội tại và cũng là yêu cầu của nhân dân cả nước. Hơn thế, người Hà Nội hôm nay còn phải văn minh, sáng tạo, trí tuệ…, đại diện cho một dân tộc, một đất nước đang phát triển mạnh mẽ và có vị thế ngày càng cao trong cộng đồng quốc tế. Công dân Thành phố sáng tạo phải thế nào là vấn đề lớn đặt ra cho văn hóa Hà Nội thời kỳ mới.

Văn hóa Thủ đô Hà Nội, vấn đề lớn không chỉ của riêng Hà Nội. Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 là dịp thuận lợi để Hà Nội cùng cả nước giữ gìn tinh hoa Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần xứng đáng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Văn hóa Hà Nội còn nhiều việc phải làm, nhưng với truyền thống lịch sử hào hùng, với quyết tâm và trí tuệ của lãnh đạo và nhân dân Thủ đô, chúng ta tin rằng Hà Nội vẫn là và mãi mãi là trung tâm văn hóa lớn của cả nước.

Theo Báo Hànộimới

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/825761/de-ha-noi-mai-la-trung-tam-van-hoa-lon-cua-ca-nuoc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *