Văn hóa

Để văn hóa truyền thống trở thành mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại

Chiều 7/11, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra chương trình Tọa đàm “Truyền thống – Văn hiến – Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại”. Tọa đàm có sự hiện diện của các chuyên gia, các nhà văn hóa, các nhà quản lý chia sẻ về những nét độc đáo của văn hóa Hà Nội được thể hiện trong mạng lưới các không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Ngày 12/9/2024, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch số 266/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024 – 2025. Thực hiện kế hoạch này, ngày 15/10/2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ban hành văn bản số 734/KH-SVHTT về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo. Những động thái tích cực này cho thấy sự chuyển mình của thành phố đối với việc xây dựng và phát triển các không gian văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội nhấn mạnh: Tháng 10/2019, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO (lĩnh vực Thiết kế), tham gia quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố trong mạng lưới với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Đây là một bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội để xác lập mục tiêu phát triển văn hóa, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp, các nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa. Để nguồn lực văn hóa phát triển một cách mạnh mẽ, hiệu quả nhưng vẫn phải truyền tải được thông điệp từ mỗi tác phẩm, mỗi công trình kiến trúc về truyền thống văn hiến của cha ông, thế hệ hôm nay chúng ta cần phải có trách nhiệm hành động. Bảo tàng Hà Nội là một thiết chế văn hóa, một không gian văn hóa, trong đó có không gian sáng tạo. Bảo tàng mới đây lại được thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ trở thành trung tâm điều phối các không sáng tạo của Hà Nội. Nơi đây sẽ trở thành nới kết nối các không gian sáng tạo, cùng với các chuyên gia đưa ra những định hướng và sự hỗ trợ từ những bạn trẻ sẽ giúp Bảo tàng có những góc nhìn mới về văn hóa trên cơ sở nền tảng của truyền thống.

Ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội phát biểu tại tọa đàm

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia nhiều lĩnh vực. TS.KTS Nguyễn Quang với hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị nhận định: Hà Nội hướng đến xây dựng Thành phố văn hiến – văn minh – hiện đại, và điều này cũng nằm trong dòng chảy của quốc tế. Hà Nội cũng đã tham gia mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO và định hướng theo lĩnh vực Thiết kế. Năm 2018, đóng góp của ngành công nghiệp sáng tạo vào kinh tế Hà Nội chiếm khoảng 1,4 tỷ USD. Điều đó có thể thấy, công nghiệp sáng tạo có giá trị vật chất cụ thể, tạo ra công ăn việc làm, như vậy văn hóa cũng đem lại những giá trị vật chất. Hà Nội lại có một nguồn lực, tài nguyên rất lớn để khai thác cho giá trị văn hóa đó bởi đây là Thành phố có nhiều giá trị, nhiều lớp lang lịch sử.

GS. Viện sĩ Ngô Xuân Bính vui mừng nhận thấy, Hà Nội đã và đang có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các nghệ sĩ, họa sĩ, các nhà sáng tạo… Trong đó có thể nói đến Bảo tàng Hà Nội nhiều năm qua đã là nơi nâng đỡ, tạo điều kiện cho các nhà sáng tạo được thể hiện mình.

Các chuyên gia, nhà quản lý đóng góp ý kiến tại tọa đàm

Qua các ý kiến của các vị chuyên gia, các nhà quản lý tại tọa đàm cho thấy được phần nào những giá trị độc đáo của văn hóa Hà Nội qua mạng lưới không gian sáng tạo đang được triển khai. Qua đó, hiểu hơn những giá trị này và quy mô của mạng lưới không gian sáng tạo Thủ đô, hướng đến Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024-2025. Cùng với đó là những nhận định về sự chuyển dịch của dòng chảy văn hóa Hà Nội và những yếu tố có tác động lớn nhất đến sự chuyển dịch này. Các diễn giả đã phân tích, đánh giá về những thay đổi cơ bản về định hướng văn hóa Thủ đô, bàn luận về những yếu tố truyền thống trong không gian sáng tạo và nhận thức của người trẻ. Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong các hoạt động sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển bền vững của văn hóa Hà Nội. Thông qua các hoạt động sáng tạo để thế hệ trẻ có thể kết nối với văn hóa truyền thống của Thủ đô. Đồng thời đưa ra những góp ý để các hoạt động trong không gian sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội có thể lan tỏa các giá trị văn hóa Thủ đô ở trong và ngoài nước.

Các diễn giả cũng chỉ ra rằng, không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô. Cùng với đó là những thách thức đối với Bảo tàng Hà Nội để tăng cường sức hấp dẫn của các hoạt động sáng tạo và thu hút nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Và khi Di sản văn hóa của Hà Nội không ngừng phát triển, Bảo tàng Hà Nội cần có định hướng rõ ràng trong việc cập nhật và làm mới không gian sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của công chúng trong tương lai.

Nằm trong chuỗi kế hoạch hoạt động của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo, ngày 10/11/2024, tại không gian sáng tạo sân vườn Bảo tàng Hà Nội sẽ diễn ra Triển lãm gốm nghệ thuật “Hiện Linh” của GS.VS. Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính. Đây là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất trong chuỗi các hoạt động tại không gian sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội trong dịp này.

Thúy Nga

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *