Ngày 16/11/2010, tại Thành phố Nairobi (Thủ đô của Kenya), trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) đã chính thức công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, […]
Ngày 16/11/2010, tại Thành phố Nairobi (Thủ đô của Kenya), trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) đã chính thức công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau 5 năm được vinh danh, di sản này sắp đến kỳ được UNESCO đánh giá mức độ tác động của danh hiệu đến di sản và cộng đồng.
Hơn 5 năm trước, UNESCO đã ghi nhận một cách ngắn gọn và đầy đủ về Hội Gióng, đó là “Một bảo tàng văn hóa của Việt Nam, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng”. Sức sống mãnh liệt của hội Gióng cũng đã được kiểm chứng qua thời gian hàng trăm năm với sự tham gia tự nguyện của cộng đồng. Trong đó, gắn với hội Gióng ở Phù Đổng là hệ thống di tích dày đặc, kho tàng di sản phi vật thể phong phú; còn ở đền Sóc là phong cảnh sơn thủy hữu tình và một chuỗi di tích vệ tinh.
Những yếu tố đó đủ để đưa hội Gióng và không gian hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc trở thành điểm đến hấp dẫn quanh năm. Dẫu vậy trên thực tế do sự đầu tư, khai thác chưa hợp lý nên di sản chưa được quảng bá rộng rãi, và chưa phải người dân nào cũng hiểu rõ về giá trị của một di sản văn hóa.
Theo thông lệ hàng năm, hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm – nơi sinh Thánh Gióng diễn ra từ ngày 7 – 9 tháng 4 Âm lịch, và Hội Gióng ở đền Sóc ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn- nơi Thánh hóa diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng. Hội Gióng là một hội trận được trình diễn bằng một hệ thống biểu tượng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được cộng đồng bảo tồn nguyên giá trị cho tới ngày nay.
Hội Gióng phát huy sự gắn kết cộng đồng
Theo Ban Tổ chức Lễ hội Gióng ở đền Sóc (Sóc Sơn- Hà Nội), năm 2016 địa phương đã quản lý chặt chẽ hơn quá trình tổ chức lễ hội này. Việc tổ chức Lễ hội đền Sóc nói riêng và tổ chức hội Gióng ở Hà Nội nói chung nhằm thực hiện đầy đủ cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trước đó, năm 2014 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị quý giá của hội Gióng, Đề án “Phát huy giá trị không gian Lễ hội Gióng tại Gia Lâm và Sóc Sơn” do Sở VHTT Hà Nội làm chủ trì, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) xây dựng đã được UBND TP Hà Nội thông qua. Đề án được xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị không gian hội Gióng nhằm phục vụ du lịch và phát triển du lịch bền vững, góp phần vào sự phát triển văn hoá – kinh tế – xã hội tại hai huyện Gia Lâm và Sóc Sơn cũng như một số địa phương khác trên địa bàn thành phố. Mục tiêu của đề án còn nhằm quảng bá giá trị di sản hội Gióng đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
Như vậy, sau 5 năm kể từ khi Hội Gióng được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những nghi lễ truyền thống và tính nguyên bản của lễ hội vẫn do cộng đồng tự nguyện và chung tay gìn giữ.
Bảo Trân (T/hợp)