Với vẻ đẹp kiến trúc cổ, chùa Hộ Quốc (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) mang những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc đáo, là không gian sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương và Thủ đô. Đầu thế kỷ 19, chùa thuộc địa phận thôn Hộ […]
Với vẻ đẹp kiến trúc cổ, chùa Hộ Quốc (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) mang những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật độc đáo, là không gian sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương và Thủ đô.
Đầu thế kỷ 19, chùa thuộc địa phận thôn Hộ Quốc, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Từ 1954 tới nay, chùa Hộ Quốc thuộc phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa Hộ Quốc còn có tên An Khánh tự và chùa Thanh Lương. Nguyên ban đầu gọi là chùa An Khánh. Đến đời nhà Lê, do chùa đã có công lớn trong việc giúp vua, vì vậy để nhớ ơn, đời vua Lê Trung Hưng đổi tên thành “Hộ Quốc tự”. Còn tên gọi chùa Thanh Lương là gọi theo địa danh của phường hiện nay.
Theo bài minh trên chuông chùa Hộ Quốc thì chùa do đức Linh Lang đại vương đời vua Lý Thánh Tông (1054 – 1058) xây nên để cho nhân dân có nơi thờ cúng, tụng niệm, diệt trừ thói xấu, gây dựng cái thiện cho đời. Đến thế kỷ XVI, Mạc Đăng Dung âm mưu cướp ngôi nhà Lê, do đó vua Lê phải lánh ra ở tại chùa. Một đêm vua nằm ngủ, được một vị thần báo mộng phải đi ngay để tránh tai họa. Nhờ đó, vua Lê kịp thời tránh đi trước khi quân nhà Mạc tới. Không tìm được vua Lê, quân nhà Mạc đã đốt phá chùa. Sau này, khi nhà Lê khôi phục binh quyền, vua Lê Trung Hưng nghĩ đến ơn trước nên đã cho xây dựng, tu bổ lại chùa tráng lệ hơn. Vua ban tên chùa là Hộ Quốc, cấp cho nhiều ruộng ngoài bãi sông làm hương đăng cúng Phật. Sau này chùa được trùng tu và sửa chữa nhiều lần. Vào năm thứ 4 niên hiệu Khải Định (1919), chùa được tu tạo toàn bộ.
Chùa Hộ Quốc tọa lạc trên một khu đất khá cao so với xung quanh. Mặt bằng chùa hình chuôi vồ gồm có: Tiền đường 5 gian, Thiêu hương và chuôi vồ 3 gian. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật, tượng Phật có giá trị, mang phong cách nghệ thuật đặc sắc thời Hậu Lê. Chùa chính gồm 2 phần kiến trúc: tiền đường ở trước, thượng điện chuôi duộc ở sau, bố cục mặt bằng chữ “Đinh”. Tiền đường làm đầu hồi bít đốc tay ngai, có 5 gian 2 dĩ, ở 2 đầu hồi đắp trụ biểu, có hiên ở suốt phía trước tiền đường, cột hiên làm bằng xi măng giả gỗ, trên là trụ đỡ kẻ trường. Kết cấu 6 bộ vì đều làm theo một mẫu chung thống nhất: Thượng giá chiêng, Trung chồng xà, vì hạ là bẩy gối tường ở sau, phía trước là kẻ gối cột hiên. Từ bên trong ra ngoài hiên có tường gạch chừa các khuôn cửa lắp cánh gỗ và bậu ngưỡng cao. Các công trình phụ trợ nối liền thành một dãy liên tục, ôm lấy phía sau và một phần bên trái chùa chính. Trước các công trình đó, có một khoảng sân lát gạch cùng hàng cây nhãn, tạo nên sự thanh tịnh, thoáng mát cho cảnh quan chùa.
Vẻ đẹp tĩnh mịch chùa Hộ Quốc (Ảnh: Internet)
Chùa Hộ Quốc có một số lượng các di vật cổ có giá trị lớn với hơn 30 pho tượng, đa phần các bức tượng rất cao lớn và được làm bằng gỗ mít. Chùa còn lưu giữ 3 bia đá, 3 chuông đồng. Trong đó phải kể đến quả chuông từ thời Tây Sơn, có niên hiệu Cảnh Thịnh – 1789. Bên cạnh đó còn có các di vật cổ khác như: Hoành phi, câu đối, đặc biệt là các bức y môn và cửa võng được làm vào đầu thế kỷ 20 với các chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. Các bức đại tự, y môn của chùa vừa là di vật cổ vừa là đồ thờ quý, góp phần trang trí cho kiến trúc của chùa thêm sinh động và uyển chuyển và mang nét đặc sắc riêng.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật vô giá, chùa Hộ Quốc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 9/01/1990.
Ngân Hà (T/hợp)
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm