Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Trong lịch sử, khu vực này từng là địa điểm đóng đô của 3 vương triều (Đinh, Tiền Lê và Lý), với 6 vị vua: Đinh Tiên Hoàng, Đinh Toàn, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh và Lý Thái Tổ…
Những dấu tích lịch sử – văn hóa hiện còn tại khu vực di tích rất phong phú và đa dạng, bao gồm hệ thống kiến trúc thờ tự, tường thành, hoàng thành, hang động và một số công trình khác.
1. Đền thờ Đinh Tiên Hoàng
Đền được dựng trên nền chính điện của kinh đô Hoa Lư, có mặt bằng kiến trúc dạng “nội công ngoại quốc”, với tổng diện tích khoảng 3 mẫu Bắc bộ. Trước đền có núi Mã Yên làm bình phong, phía sau đền là dãy núi Dù bao bọc, các kiến trúc thành phần được bố trí đối xứng nhau qua đường “dũng đạo”. Kiến trúc chính của đền gồm: Bắc môn, nghi môn ngoại, nghi môn nội, sân rồng, nhà Khải Thánh, tiền đường, thiêu hương, hậu cung, nhà bia, sân vườn…
2. Đền thờ Lê Đại Hành
Đền được dựng trên mặt bằng kiến trúc hình chữ “Công”, gồm các hạng mục: tiền đường, thiêu hương và hậu cung. Kiến trúc tiền đường gồm 5 gian, mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Thiêu hương gồm 2 gian dọc, dài 2,8m, rộng 6,15m, với các bộ vì được làm theo kiểu “trụ chung kẻ góc”, hai bên vách bưng ván đố lụa, gian giữa đặt ban thờ các quan. Hậu cung gồm 5 gian, dài 14m, rộng 6m. Gian giữa đặt tượng Lê Đại Hành, gian bên trái đặt tượng Thái hậu Dương Vân Nga, gian bên phải đặt tượng Khải Minh Vương (Lê Long Đĩnh)… Ngoài ra, trong khu vực này còn có một số hạng mục kiến trúc khác, như tam môn, từ vũ, nghi môn ngoại, nghi môn nội, sân rồng, nhà vọng, hai nhà bia.
3. Chùa và động Am Tiên
Động nằm cách cửa Đông của đền Đinh Tiên Hoàng khoảng 400m. Trong những năm cuối đời, Thái hậu Dương Vân Nga đã xuất gia, tu hành ở đây. Dưới thời Lý, thiền sư Nguyễn Minh Không cũng đã từng tụng kinh, thuyết pháp trong động này. Phần lớn khu vực động Am Tiên nằm trong một thung lũng ngập nước, được bao bọc bởi những vách núi đá. Cửa Động Am Tiên ở lưng chừng núi, phải leo qua 205 bậc đá… mới vào đến Động. Vì cửa động có hình giống như miệng rồng, nên động còn có tên gọi khác là hang Rồng. Trong động có nhiều nhũ đá, hình thù kỳ lạ, như cây thóc, cây tiền, trái Phật thủ, nụ hoa sen… Hiện tại, hang chính của động Am Tiên vừa là chùa thờ Phật và thiền sư Nguyễn Minh Không, vừa là một ngôi đền thờ các vị danh nhân, như quan thi hành án và Thái hậu Dương Vân Nga…
3. Chùa Nhất Trụ
Chùa Nhất Trụ, còn có tên gọi khác là chùa Một Cột. Tương truyền, chùa này được khởi dựng từ thế kỷ X. Trong chùa hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của kinh đô Hoa Lư, nổi bật nhất là cột kinh bằng đá, được dựng ở trước sân chùa vào năm 995. Chùa được dựng trên mặt bằng kiến trúc dạng chữ “Đinh”, quay hướng chính Tây, gồm các hạng mục: chính điện, nhà tổ, phòng khách, nhà ăn và tháp…
4. Đình Yên Trạch
Đình thuộc làng Yên Trạch, xã Trường Yên, thờ Đinh Tiên Hoàng làm Thành hoàng làng. Đình nằm trên khoảng đất rộng, cao ráo, quay hướng Đông Bắc, có mặt bằng nền hình chữ “Công”, gồm đại bái (5 gian), thiêu hương (1 gian), hậu cung (3 gian, 2 chái). Phía trước đình là một hồ rộng, ba mặt còn lại có núi bao bọc, tạo thành thế tay ngai vô cùng vững chãi.
5. Chùa Ngần
Chùa còn có tên chữ là “Kim Ngân tự”, tức chùa Kim Ngân. Tương truyền, chùa được dựng trên nền nhà kho của vua Đinh – vua Lê. Hiện nay, chùa toạ lạc trên thửa đất rộng 2000m2, ở giữa cánh đồng Ngần, bốn bề là núi bao bọc, phía trước là hệ thống ao, hồ tương đối rộng. Kiến trúc chùa chính được dựng trên mặt bằng nền hình chữ “Đinh”. Các hạng mục kiến trúc của chùa gồm: tiền đường, thượng điện và nhà Tổ…
6. Phủ Đông Vương
Phủ thuộc địa phận thôn Đông Thành, thờ Đông Thành Vương (Lê Ngân Tính), con thứ 2 của Lê Đại Hành. Phủ quay hướng Tây Nam, mặt bằng kiến trúc hình chữ “Đinh”, gồm tiền đường (3 gian, 2 chái) và hậu cung (1 gian). Phía trước phủ có một ngôi miếu nhỏ, thờ Mẫu Liễu Hạnh.
7. Phủ Kình Thiên
Phủ thờ Lê Thâu, con cả của Lê Đại Hành. Phủ được dựng trên một khu đất cao ráo, nằm về phía Đông Nam của xóm Đông, thôn Yên Thượng. Phủ quay hướng Tây, quy mô khá nhỏ, mặt bằng kiến trúc hình chữ “Đinh”, gồm tiền đường (3 gian, 2 chái) và hậu cung (1 gian, 2 chái).
8. Đền thờ Thục Tiết công chúa
Còn có tên gọi khác là đền Phất Kim hay phủ Bà Chúa Đền, thuộc địa phận xóm Phật Đồng, thôn Yên Thượng, thờ Thục Tiết công chúa, con gái của Đinh Tiên Hoàng. Đền thờ được dựng trên một thửa đất rộng 500m2, với mặt bằng kiến trúc dạng chữ “Đinh”, gồm tiền bái (3 gian) và hậu cung (1 gian, 2 dĩ).
9. Bia cửa Đông
Bia ghi lại dấu tích của con đường phía Đông kinh đô Hoa Lư vào thế kỷ X. Bia được chạm trên vách núi, mặt bia quay hướng Đông Bắc, cao 95cm, rộng 40cm, xung quanh trang trí hoa văn rất tinh tế.
10. Lăng vua Đinh và lăng vua Lê
Lăng Đinh Tiên Hoàng được đặt ở chính giữa đỉnh Mã Yên (gối Tây Bắc hướng Đông Nam), bằng kết cấu đá. Phần đầu của lăng xây cuốn kiểu bình phong, phía trước có nhà bia nhỏ, trong có bia đá, dựng năm Minh Mệnh 21 (1840).
Lăng vua Lê Đại Hành ở chân núi Mã Yên, khuôn viên khá rộng, kết cấu gạch, xung quanh xây tường hoa. Phần đầu lăng mộ tạo hình cuốn thư, phía sau có bia đá, dựng năm Minh Mệnh 21 (1840).
11. Hang Muối
Tương truyền đây là nơi cất giữ muối, lương thực của nhà Đinh.
12. Hang Quàn
Tương truyền đây là nơi quàn thi hài Đinh Tiên Hoàng.
Ngoài những điểm di tích kể trên, trong khu vực cố đô Hoa Lư hiện nay còn lưu giữ được 678 di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng 3 (Âm lịch), nhân dân địa phương lại mở hội để tưởng nhớ Đinh Tiên Hoàng và các bậc đế vương… Ngoài những nghi lễ thông thường, trong hội còn có nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cư dân sở tại và du khách thập phương.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư (huyện Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) là Di tích quốc gia đặc biệt.