Gia đình

Điện Biên: Nâng cao trách nhiệm của gia đình và xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

​Trẻ em là niềm hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc. Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội và của mọi gia đình. Khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai” đã và đang trở thành phương châm hành động của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Việc quan tâm, chăm sóc, bồi dưỡng thế hệ trẻ ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước ta chú ý từ rất sớm. Đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng đề cập tới vấn đề này, trong đó đều thống nhất khẳng định đây là trách nhiệm to lớn của Đảng, toàn dân, đồng thời thể hiện tính ưu việt của xã hội ta. Trên thực tế, từ khi đổi mới tới nay, công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tính đến nay toàn tỉnh Điện Biên đã thành lập được 19 Ban chỉ đạo phòng chống BLGĐ (trong đó 9 BCĐ mô hình PCBLGĐ, 10 BCĐ lồng ghép trong phong trào "TDĐKXDĐSVH"), 29 CLB gia đình phát triển bền vững, 258 nhóm nhóm phòng chống bạo lực gia đình (192 nhóm PCBLGĐ  tại các thôn, bản, tổ dân phố). Các mô hình bước đầu đạt  hiệu quả và trong quá trình hoạt động thường xuyên lồng ghép các buổi họp, sinh hoạt tại tổ dân phố với nhiều chuyên đề: Về dân số sinh đẻ có kế hoạch, giáo dục đạo đức, lối sống, chăm sóc người già và trẻ em, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay trong xã hội vẫn còn xảy ra nhiều hiện tượng đau lòng khi nạn bạo hành phụ nữ, trẻ em diễn ra ở không ít gia đình, ở một số nơi thuê mướn việc làm, thậm chí ngay cả trong lớp học và cơ sở nuôi dạy trẻ . Một thực tế hiện nay cho thấy tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày một gia tăng, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, sự việc ngày càng phức tạp. Theo thống kê năm 2011 toàn tỉnh có 478 vụ BLGĐ (trong đó: bạo lực đối với người già: 69 vụ; đối với phụ nữ: 343 vụ; đối với trẻ em: 66 vụ). Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nước ta đang đứng trước những vấn đề bức xúc đòi hỏi cần phải giải quyết. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể, nhà trường và gia đình theo chức trách và khả năng của mình là phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể để thực hiện có kết quả các nghị quyết, luật, nghị định và chương trình hành động của Đảng, Nhà nước về vấn đề bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; hướng sự chú ý vào việc vận động nhân dân quan tâm hơn nữa đến công tác nuôi dưỡng, giáo dục và chống suy dinh dưỡng đối với trẻ em. Đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục hình thành nhân cách tốt đẹp, phát huy trí tuệ của trẻ em mà sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội luôn có ý nghĩa quyết định.
Đất nước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, việc chăm sóc trẻ em có điều kiện thuận lợi hơn. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng giảm, con số trẻ em bị đói rách, thất học thu hẹp dần. Nhưng việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong tình hình mới lại nảy sinh nhiều khó khăn, phức tạp. Do sự thiếu quan tâm hoặc quan tâm quá mức của cha mẹ, gia đình, nhiều trẻ em hình thành lối sống ích kỷ, đua đòi, chịu tác động xấu từ những luồng văn hóa độc hại và tệ nạn đang ngày một tràn lan trong cộng đồng, xã hội.
Để thực hiện được tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các đoàn thể chính trị – xã hội, nhà trường phải trở thành lực lượng nòng cốt để tổ chức thực hiện có kết quả các nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em địa phương. Các gia đình, cha mẹ, anh, chị phải đóng vai trò chủ động tích cực nhất và có trách nhiệm cao nhất trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con em mình theo hướng dẫn của các cơ quan khoa học và giáo dục xã hội; Nhà nước phải đầu tư kinh phí thoả đáng cho một số hoạt động chính của công tác trẻ em. Hệ thống trường học cùng trang thiết bị và đồ dùng dạy học, các cơ sở vui chơi giải trí, nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em đặc biệt là đối với khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa cần được quan tâm xây dựng. Trẻ em được tiêm chủng đầy đủ phòng chống các bệnh bại liệt uốn ván…, phòng chống suy dinh dưỡng, khắc phục tình trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ.
Trình độ phát triển kinh tế của nước ta hiện nay còn thấp kém,đặc biệt đối với tỉnh miền núi như Điện Biên tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 50,01%, thu nhập của các gia đình nói chung chỉ đủ bù đắp cho các chi phí sinh hoạt tối thiểu hàng ngày, thậm chí còn một số không ít gia đình nhất là nông dân vẫn thiếu ăn, thiếu mặc. Trẻ em ở các gia đình này không những không được hưởng quyền bảo vệ và chăm sóc mà còn phải bỏ học để đi lao động kiếm sống. Các tổ chức xã hội: Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ , Liên đoàn lao động tỉnh động viên giúp đỡ công nhân viên chức làm tròn nhiệm vụ đối với con cái và dành một phần thích đáng quỹ phúc lợi vào việc bảo vệ, chăm lo, giáo dục trẻ em. Đồng thời kịp thời kháng nghị đối với những hành vi xâm phạm các quyền lợi đó.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội, gia đình và nhà trường là vấn đề hết sức cần thiết và không thể thiếu được để thực hiện có hiệu quả các điều luật, chính sách và pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở nước ta hiện nay. Phát huy nội lực của các gia đình trong việc chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em là điều hết sức quan trọng đối với chúng ta hiện nay.
Các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cần được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước. Đơn vị, cá nhân nào xâm phạm quyền của trẻ em hoặc vi phạm đến các quy định khác của pháp luật đối với trẻ em thì phải xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.
Thảo Ngân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *