Di sản

Đình Khương Hạ – Di tích Quốc gia giữa nơi phố thị

Đình Khương Hạ hiện nay còn lưu giữ được nhiều di vật quý. Hàng năm từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Hai, Lễ hội truyền thống Đình Khương Hạ được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của của Thành hoàng Lê Dương Vệ.

Đình Khương Hạ (còn gọi là đình Gừng) tọa lạc trên khu đất linh thiêng tại số 4 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Giữa nơi phố thị ồn ào, đông đúc thì khung cảnh làng Việt truyền thống với hình ảnh: Cây đa, bến nước, sân đình của đình Khương Hạ trở nên nổi bật, đầy cổ kính mà vẫn uy nghi, nghiêm trang.

Căn cứ theo thần tích và bản sắc phong sớm nhất còn lưu giữ ở đình có niên hiệu Đức Long 5 (năm 1633) cho thấy, đình Khương Hạ được xây dựng từ khá sớm, ít nhất đã có từ thế kỷ XVII.

Đình Khương Hạ thờ đức Thành hoàng Lê Dương Vệ. Ngài là danh tướng thời Lê. Đình và Chùa Khương Hạ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993.

Đình Khương Hạ có kiến trúc nghệ thuật đẹp. Đình được xây dựng theo hướng Đông Nam, cổng xây 4 cột trụ vuông, trên hai cổng phụ có đôi nghê chầu. Từ cổng chính đi vào, có hai con voi phủ phục, được tạo bằng đá xanh, to gần bằng voi thật. Cửa đình đặt hai cây đèn đá, hai con nghê đá lớn, được làm từ đầu thế kỷ XX. Hai bên là 2 dãy tả hữu mạc, mỗi dãy 3 gian. Đại đình 5 gian lợp ngói ta, trên đắp hình lưỡng long chầu mặt trời. Bên trái đình là một sân rộng, lát gạch, có nhiều cây cổ thụ. Dọc bên sân là một hồ nước rộng, hình chữ nhật. Trong khuôn viên đình Khương Hạ có 3 gian nhà học và một tấm bia Khương Hạ học đường dựng năm Bảo Đại thứ 8 (1933).

Đình Khương Hạ hiện nay còn lưu giữ được nhiều di vật quý, gồm 6 tấm bia đá ở tường nhà tả mạc, 1 nhang án gỗ chạm rồng, hổ phù, mây, 1 long ngai, bài vị, 1 khám thờ, 2 bức đại tự, 21 đạo sắc phong có niên đại từ năm Đức Long thứ 5 (1633) đến năm Khải Định thứ 9 (1924).

Thành hoàng Lê Dương Vệ được thờ ở đình Khương Hạ là nhân thần. Theo ghi chép, năm 1527, nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê, Lê Dương Vệ đã quân với khẩu hiệu phù Lê diệt Mạc, chiêu tạp binh sĩ khắp nơi đi theo nhằm lập đổ nhà Mạc, khôi phục nhà Lê và ông cùng quân sĩ đã lập được nhiều công trạng, góp phần vào sự thành công diệt Mạc, phù Lê. Sau khi hóa, Ngài được Nhân dân tôn thờ làm Thành hoàng làng, thờ ở đình Khương Hạ. Tương truyền, sau khi mất Ngài vẫn nhiều lần hiển linh, giúp đỡ đất nước và che chở cho Nhân dân địa phương thái bình, thịnh vượng. Với những công lao ấy, trải qua các đời, từ vua Lê, Tây Sơn, đến triều Nguyễn đều ban sắc phong cho Ngài và chuẩn cho Nhân dân nơi đây muôn đời thờ phụng.

Tưởng nhở công lao của Thành hoàng Lê Dương Vệ, hàng năm từ ngày 11 đến ngày 13 tháng Hai, Lễ hội truyền thống Đình Khương Hạ được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của Ngài. Theo Điều 151 Hương ước cổ của làng Khương Hạ xưa còn lưu lại đến ngày nay, Lễ hội truyền thống Đình Khương Hạ cứ 3 năm tổ chức một lần tổ chức hội lớn, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, các năm khác chỉ tổ chức hội lệ. Lễ hội truyền thống Đình Khương Hạ ngoài phần lễ với tế lễ, rước kiệu, phần hội diễn ra rất sôi nổi với các hoạt động văn nghệ thể thao như: Múa rồng, múa lân, hát quan họ, bịt mắt bắt vịt; ngày nay còn có thêm nhảy bao bố, thi ném bóng, đập bóng…

Qua Lễ hội còn thể hiện niềm mong ước của mọi tầng lớp Nhân dân mong cho cuộc sống thái bình thịnh vượng, người người cùng nhau đoàn kết, yêu thương, cùng nhau xây dựng quê hương…

Khương Thanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *