Hoa khô là một sản phẩm trang trí vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa giữ được những phẩm chất tự nhiên vốn có của hoa tươi cũng như đặc sắc về kiểu dáng và có tính nghệ thuật riêng biệt. Dòng hoa khô được làm hoàn toàn bằng thủ công với 100% nguyên […]
Hoa khô là một sản phẩm trang trí vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa giữ được những phẩm chất tự nhiên vốn có của hoa tươi cũng như đặc sắc về kiểu dáng và có tính nghệ thuật riêng biệt.
Dòng hoa khô được làm hoàn toàn bằng thủ công với 100% nguyên liệu tự nhiên: hoa, cỏ cây, lá, vỏ, quả… Các loài hoa như lyly, dã quỳ, cẩm chướng, hoa hồng cho đến các phụ liệu khác như: lá rừng, dây leo, rễ cây cổ thụ, lá hồng, lá tỉ muội, lá tú cầu, lá dương xỉ… đều giữ được vẻ đẹp trinh nguyên. Những tác phẩm hoa sống động làm say lòng người, màu sắc không khác hoa tươi và độ bền của hoa lên tới trên 5 năm.
Nghề làm hoa khô tuy không vất vả nhưng đòi hỏi ở người làm tính nhẫn nại, khéo léo và tỉ mỉ. Để làm được một cành hoa khô phải trải qua rất nhiều công đoạn như: tìm nguyên liệu, tẩy nguyên liệu, nhuộm màu, uốn cánh, lắp ghép, tạo hình… Trung bình, thời gian hoàn thành một tác phẩm như bình hoa, lẵng hoa phải mất khoảng 3 tuần. Do đó, nghề này cũng lắm công phu, không phải ai cũng chịu khó để theo đuổi. Những người thợ – nghệ sĩ tạo hoa khô phải hội đủ ba yếu tố: Hoa, Hóa và Họa. Hoa là nguyên liệu làm nên sản phẩm, “Hóa” là công đoạn sấy, tẩy trắng, sau đó nhuộm màu sao cho bền lâu mà vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên và “Họa” là tư duy và cảm quan thẩm mỹ ở người nghệ nhân để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật. Trước khi trang trí tạo hình, người làm phải hình thành ý tưởng, hình khối trước trong đầu, thêm vào đó là sự khéo léo và nhẹ nhàng, tránh hoa bị rụng, dập cánh.
Hoa khô với ưu điểm không phải chăm sóc hay bảo quản, màu sắc lâu phai, giữ nguyên được trạng thái, hương thơm nên rất được ưa chuộng. Người chơi hoa chỉ cần giữ nhiệt độ trong phòng hài hòa, tránh ẩm hay ánh nắng mặt trời trực tiếp thì có thể giữ được màu sắc bền lâu của hoa. Dòng hoa khô độc và lạ rất thích hợp để làm quà tặng theo từng chủ đề như: Ngày lễ tình nhân, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hay ngày Tết…
Ở Hà Nội, nhắc đến hoa tươi chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những làng hoa nổi tiếng, còn nhắc đến hoa khô, không ít người sẽ nhắc tới nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Mưu, người Việt đầu tiên làm hoa khô và khiến cho hoa “bất tử” bằng cách ghép hoa khô thành những bức tranh màu sắc. Nhà riêng đồng thời cũng là xưởng sản xuất tại ngõ Gốc Đề, phố Minh Khai, Hà Nội là địa chỉ quen thuộc với những người yêu mến hoa khô. Hiện nay, sản phẩm tranh ghép và hoa khô Việt Nhật của ông được bày bán ở Tràng Tiền Plaza, Nhà sách Tiền Phong, một số siêu thị và galery tại Hà Nội.
Hoa khô rực rỡ sắc màu
Người thích chơi hoa khô còn có thể tìm đến một số địa chỉ khác như: Hoa khô Jolie tại 17 phố Lê Ngọc Hân của nữ họa sĩ 8X tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam Hoàng Thu Nga; Hoa khô và tranh ghép hoa 3D của chị Nguyễn Trang Linh ở Gia Lâm với hơn 30 cửa hàng ở Hà Nội làm đại lý cho sản phẩm; Hoa khô Robin ở ngõ 49 phố Huỳnh Thúc Kháng. Cửa hàng tại địa chỉ 27A phố Nguyễn Công Hoan vừa là nơi kinh doanh vừa là lớp dạy làm hoa khô cho các em thiếu niên khiếm thính của nghệ sỹ Tú Oanh (công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ). Người Hà Nội còn có thể lựa chọn cho mình những bình hay lẵng hoa khô ở phố Hàm Long hay phố Hàng Lược.
Hoa khô với hình ảnh quang gánh và nón lá quen thuộc
Cùng với sự đón nhận của người thưởng lãm, thị trường hoa khô trở nên sôi động, những sản phẩm sáng tạo, độc đáo và hoàn thiện hơn ra đời ngày càng nhiều, phục vụ nhu cầu trang trí, thẩm mỹ của khách hàng.
Phương Uyên