Có tuổi đời hơn 300 năm nay, múa rối nước dân gian làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh đã vang danh trong nước và quốc tế.
Tấm Văn bia còn lưu lại ở đình có ghi tiểu sử về ông tổ truyền nghề múa rối nước cho làng Đào Thục là Nguyễn Đăng Vinh (tên thật là Đào Đăng Khiêm), làm đến chức Nội Giám, thời vua Lê Ý Tông. Nhờ tiếp thu được nghệ thuật rối nước của các phường rối trong cả nước biểu diễn phục vụ ở triều đình, ông đã chọn lọc và đem về quê mình, phục vụ nhân dân.
Một phường rối đã ra đời, do ông trực tiếp truyền dạy, nhân dân cổ vũ, chẳng mấy chốc đã trở nên thuần thục. Từ những con rối vô tri, vô giác, nhờ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân mà chúng trở lên sống động, có hồn. Các tích trò: Giáo trò, Lên võng xuống nước, Trâu chui ống, Đánh hổ, Dệt cửi, Đốt pháo phất cờ, Múa rồng, Câu ếch, Cá bơi lội, Thạch Sanh đánh trăn tinh, Hát văn, Múa phượng… được các nghệ nhân Đào Thục truyền cho nhau từ đời này đến đời khác, đến nay đã hơn 3 thế kỷ. Nhiều gia đình, dòng họ coi múa rối nước như một báu vật, cha truyền con nối, có gia đình đã 4- 5 đời tham gia múa rối nước của làng.
Thủy đình Đào Thục với cách trang trí riêng, nơi phường rối biểu diễn rối nước truyền thống.
Ngoài dạy múa rối nước, tương truyền, quan Nội Giám còn truyền dạy cho nhân dân Đào Thục 2 nghề nữa là dệt vải và làm mộc. Nghề dệt vải đã thất truyền hoàn toàn, hiện nghề mộc – một nghề tiểu thủ công nghiệp đòi hỏi sự khéo tay của người thợ đang được Đào Thục khôi phục lại, giúp nhân dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.
Vì có công lớn nên dân làng đề nghị triều đình Hậu Lê phong thần cho quan Nội Giám sau khi ông mất và lập bia đá. Hàng năm, vào ngày giỗ của ông (24 tháng Hai âm lịch), dân làng tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị Tổ nghề. Ngày sinh, ngày hóa của ông, tại đình đều có múa rối nước tưởng nhớ ông. Ngôi đình ngày nay do nhân dân Đào Thục xây dựng lên trên nền đất, ruộng mà quan Nội Giám Đào Đăng Khiêm đã hiến.
Để các tiết mục, tích trò rối được biểu diễn thành công đòi hỏi sự chung sức của cả phường, từ trưởng phường đến các diễn viên điều khiển con rối, nhạc công chơi đàn, sáo, nhị, trống, thanh la, tù và… cùng các ca sĩ – những người thể hiện các làn điệu dân ca như: Chèo, tuồng, dân ca, hát văn, hát xẩm…. Khi diễn, từng động tác của những con rối được diễn thuần thục, ăn khớp với lời thoại, lời hát và tiếng trống, tiếng đàn âm lượng lớn, rộn ràng để tích trò thêm sống động, cuốn hút người xem. Có một điều khá lý thú là những con rối ở Đào Thục lại do chính tay người Đào Thục làm ra. Đó là những tay thợ kỳ cựu như ông Nguyễn Văn Phi, Ngô Minh Phong, Đinh Văn Chiến, Đinh Thế Văn…Tuy chỉ cao khoảng 30 – 40 cm, nhưng trông chúng vô cùng sinh động, bắt mắt nhờ sự khéo tay của người thợ đã thổi hồn cho con rối, bên ngoài con rối lại được sơn màu rực rỡ. Những con rối đó được bước ra từ những câu chuyện cổ tích của người Việt. Những chú Tễu, Thạch Sanh, cô Tấm, cô Cám, cô Tiên, trâu, gà, chim phượng, rồng, hổ, con trâu, cái cày… không chỉ cuốn hút trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng ham xem.
Đặc biệt, thương hiệu rối nước Đào Thục đã nổi tiếng gần xa, không chỉ có khách trong nước mà khách quốc tế năm Châu cũng đến tận nơi xem, theo tour du lịch; cũng có khi phường rối Đào Thục theo lời mời đã đem rối đi khắp mọi miền đất nước, sang cả Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà Lan, Nhật Bản … để biểu diễn cho mọi người được tận mắt xem cái hay, cái độc đáo của mình. Lịch diễn của phường rối Đào Thục khá đều đặn, tuần nào cũng có dăm ba suất diễn. Đặc biệt, từ mùng 2 Tết là Phường rối bận rộn hơn với lịch diễn dày đặc phục vụ bà con và du khách gần xa tại làng, rồi đi biểu diễn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, lễ hội đền Cổ Loa, Bảo tàng Dân tộc học,… Từ nhiều năm trước, năm 1989, trong Ngày hội các văn hóa dân tộc toàn quốc, phường rối nước Đào Thục đã đoạt Huy chương Vàng toàn đoàn. Tháng 8-1994 – tham gia liên hoan múa rối nước toàn quốc lần thứ nhất – phường rối nước Đào Thục lại giành Huy chương Bạc và giải thưởng cho những tích trò đặc sắc, cùng nhiều giải thưởng khác trong những năm tiếp theo.
Phường rối nước Đào Thục được chia làm 2 tổ: tổ cạn và tổ nước. Tổ cạn là tổ của những nhạc công và ca sĩ, tổ nước là những nghệ nhân điều khiển con rối. Rối nước Đào Thục có thủy đình và cách bài trí riêng, với mặt trời ở giữa và 2 con rồng phun lửa 2 bên. Thủy đình với mặt nước mênh mông giúp giấu đi bộ máy và cách điều khiển của nghệ nhân, đồng thời nước cũng làm cho con rối tươi đẹp, sinh động hơn. Rối Đào Thục độc đáo ở chỗ có thể quay 4 chiều, tùy theo người điều khiển là nội dung tích trò, người điều khiển điều khiển rối bằng que sào.
Theo ông Nguyễn Thế Nghị, trưởng phường, hiện phường rối nước Đào Thục có 54 thành viên, gồm 3 thế hệ. Trong số họ có nhiều nghệ nhân lão luyện như các ông, bà: Nguyễn Văn Tiệp, Đào Văn Nghiêm, Nguyễn Văn Mạnh, Đinh Thế Văn, Ngô Minh Phong, Đinh Văn Chiến, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thị Thỏa, Đinh Xuân Trách, Đặng Thị Thu Trang…Người già nhất của phường 97 tuổi, người trẻ nhất mới 18 tuổi, 2 người được phong là nghệ nhân Nhân dân.
Không chỉ diễn các tích trò dân gian truyền thống từ xa xưa, ngày nay, các nghệ nhân Đào Thục đã sáng tác thêm các tiết mục mới ca ngợi quê hương, đất nước như: Tặng hoa ngày hội, Rước ảnh Bác Hồ, Hà Nội 12 ngày đêm… Hiện phường rối đang tích cực luyện tập tiết mục mới “Huyền thoại Cổ Loa thành” để sớm phục vụ nhân dân.
Những con rối do người dân Đào Thục làm ra để biểu diễn, chỉ cao từ 30 – 40cm
Ngay từ thơ bé, người làng Đào Thục đã được tập sơn rối
Để giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống quý báu của quê hương, xã Thụy Lâm hàng năm đã đầu tư hỗ trợ kinh phí cho phường hoạt động và ra Quyết định thành lập phường rối. Năm 2016, UBND huyện Đông Anh lại ra quyết định thành lập phường rối nước Đào Thục. Theo ông Đào Công Quát, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm, phường rối Đào Thục đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn về tinh thần và vật chất của Sở VHTT Hà Nội và UBND huyện Đông Anh. Năm 2017, bằng nguồn hỗ trợ của Thành phố, huyện và đóng góp của địa phương, cụm di tích đình – thủy đình – nhà trưng bày hiện vật rối nước Đào Thục đã được tu sửa, xây dựng với tổng kinh phí 11 tỷ đồng để phục vụ nhân dân và khách du lịch. Sở VHTT Hà Nội còn tặng phường rối Đào Thục một bộ rối mới bổ sung vào bộ rối của phường và tài trợ 1 lớp học múa rối. Theo phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đông Anh, hàng năm huyện đều có kế hoạch cụ thể để gìn giữ, phát huy giá trị của các bộ môn nghệ thuật truyền thống, trong đó có rối nước làng Đào Thục và quan tâm cụ thể bằng vật chất, tinh thần. Năm 2019, phường rối đã phục vụ cho 40.000 lượt người và đã tổ chức 01 lớp tập huấn múa rối cho hơn 20 người. Năm 2020, do dịch bệnh Covid -19 nên hoạt động của phường có giảm sút.
Thế hệ nối tiếp thế hệ, rối nước Đào Thục luôn trường tồn và phát triển vì nhân dân Đào Thục luôn ý thức, tôn trọng và gìn giữ vốn quý mà cha ông đã để lại. Đáng quý hơn, rối Đào Thục còn có những người tâm huyết với nghề – những nghệ nhân dân gian của phường rối nước Đào Thục.
Thanh Thanh