Văn hóa cơ sở

Độc đáo nghề làm lồng chim ở Canh Hoạch

Ở Canh Hoạch, ngoài việc chuyên nghiệp hóa nghề, thứ làm nên “thương hiệu” của lồng chim nơi đây còn là những đường nét, kỹ thuật chạm trổ cầu kỳ hình long, ly, quy, phượng, tứ quý, Bát Tiên… Công phu nhất là loại lồng Bát Tiên, mỗi chân lồng chạm khắc 8 vị tiên, tổng cộng 3 chân lồng là 24 vị tiên. Đây là những công đoạn khó nhất của chiếc lồng chim, phải những người làm lâu năm và khéo léo mới tạo ra những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc đó…

Từ xa xưa, người dân Canh Hoạch (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai) luôn tự hào về nghề làm lồng chim ở quê mình với câu ca dao:

“Hỡi cô thắt dải bao xanh
Có về Canh Hoạch với anh thì về
Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề
Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khua”.

Chỉ bằng những thanh tre, trúc thật đơn giản, người Canh Hoạch đã tạo ra những chiếc lồng chim đẹp, tinh xảo, đáp ứng thú chơi tao nhã của nhiều khách hàng.

Các cụ cao niên kể rằng, nghề làm lồng chim ở làng Vác (tên nôm của thôn Canh Hoạch) đã có từ lâu đời, theo lối “cha truyền, con nối”. Người được xem là ông tổ nghề là cụ Nguyễn Văn Tý, sống ở thế kỷ XIX. Sau đó, cụ Tý truyền nghề lại cho con trai Nguyễn Văn Nghi (nghệ danh Ba Mi). Con trai cụ Ba Mi là ông Nguyễn Văn Nghệ được phong danh hiệu nghệ nhân sớm nhất làng Vác tiếp tục nối nghề. Ông Nghệ còn lập kỷ lục với chiếc lồng chim cao 2,7m, rộng 0,9m và giành giải Ba trong một cuộc thi làm lồng chim ở Hà Nội (năm 2011). Lồng chim làng Vác từng đoạt huy chương tại các kỳ đấu xảo ở Hà Nội thời Pháp thuộc.

Tạo ra “ngôi nhà” cho chim cảnh tưởng đơn giản, nhưng đó là cả một nghệ thuật

Ở Canh Hoạch, ngoài việc chuyên nghiệp hóa nghề, thứ làm nên “thương hiệu” của lồng chim nơi đây còn là những đường nét, kỹ thuật chạm trổ cầu kỳ hình long, ly, quy, phượng, tứ quý, Bát Tiên… Công phu nhất là loại lồng Bát Tiên, mỗi chân lồng chạm khắc 8 vị tiên, tổng cộng 3 chân lồng là 24 vị tiên. Đây là những công đoạn khó nhất của chiếc lồng chim, phải những người làm lâu năm và khéo léo mới tạo ra những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc đó. Do vậy, nhiều khách hàng ở rất xa cũng tìm tới làng nghề để đặt mua chiếc lồng ưng ý. Đặc điểm của lồng chim Canh Hoạch chính là để càng lâu càng bền, càng bóng. Mỗi loài chim cần một kiểu lồng nhất định, chim to lồng to, chim nhỏ lồng nhỏ hoặc cũng có loài chim nhỏ nhưng thích ở lồng to và phải làm sao tạo được sự hứng thú cho vật nuôi thì con vật mới hay hót và làm dáng.

Nguyên liệu làm lồng chim trước đây có thể tự túc quanh vùng, còn giờ tre, trúc thường được nhập ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang… Để làm ra một chiếc lồng chim đẹp, bền, sang đòi hỏi những người thợ có tay nghề khéo léo, tỉ mỉ thao tác qua hàng loạt công đoạn như ngâm tre, luộc tre, hun tre, quang dầu, vót nan, khoan lỗ, làm vanh (vành), làm cửa, cầu, trang trí trên vanh, ráp lồng. Khó hơn cả là công đoạn chạm đường viền cho các vanh lồng. Chỉ bằng một lưỡi dao rất nhỏ cùng với đôi tay tài hoa, người thợ Canh Hoạch đã chạm khắc nên những chiếc vanh lồng tuyệt đẹp.

Lồng chim Canh Hoạch chủ yếu dựa vào sự sáng tạo mẫu mã, chi tiết tỉ mỉ và chất lượng. Sản phẩm lồng chim được chăm chút từ lồng đến đế, phần đế lồng thường làm bằng gỗ thị hoặc gỗ mít để chống mối mọt. Mỗi lồng chim là một tác phẩm nghệ thuật từ những đôi tay khéo léo với những câu chuyện khác nhau, thấm đẫm những giọt mồ hôi vất vả của người thợ. Lồng chim với đủ kiểu dáng to nhỏ, đủ các kích cỡ dài ngắn, cao thấp, đủ hình vuông tròn. Lồng chim đẹp còn thể hiện ở cách đặt nan sao cho đều nhau.

Giá bán lồng chim cũng không cố định, cái đơn giản thì mấy trăm nghìn, cái cầu kỳ theo đơn khách hàng đặt thì có thể lên đến vài chục triệu đồng, làm trong cả tháng trời. Qua tìm hiểu được biết, thị trường chính của lồng chim Canh Hoạch chủ yếu là Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh… và cũng xuất đi nước ngoài như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Australia…

Khách hàng thường tìm về Canh Hoạch để đặt hàng những chiếc lồng chim chạm khắc hoa văn tinh xảo

Trước năm 2000, làng nghề chỉ làm theo thời vụ, nhưng những năm gần đây, đời sống của người dân nâng cao nên thú chơi chim cảnh phát triển. Do đó, từ thôn Canh Hoạch, đến nay toàn xã Dân Hòa có gần 1.700 hộ theo nghề.

Để tạo ra những “ngôi nhà” cho những chú chim cảnh tưởng đơn giản, nhưng đó là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự đầu tư thời gian, công sức của những người thợ tài hoa. Nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ ở thôn Canh Hoạch cho biết, thợ làm lồng chim không chỉ có sự khéo léo mà còn phải hiểu biết về hình dáng, tập tính sinh hoạt của từng loài thì mới làm ra những chiếc lồng vừa vặn, phù hợp. Tùy vào nhu cầu đặt hàng của khách mà người thợ sẽ sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật khác nhau.

Mỗi ngày, làng nghề Canh Hoạch sản xuất ra hàng nghìn chiếc lồng chim khác nhau. Từ nghề, người Canh Hoạch có đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế địa phương, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt hơn 170 tỷ đồng/năm. Đời sống của người dân được cải thiện, với những người có tay nghề cao, mỗi tháng có thể thu nhập hàng chục triệu đồng; với lao động phổ thông, mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Về Canh Hoạch hôm nay, người ta không khỏi ngạc nhiên trước sự phát triển của làng nghề. Những chiếc lồng chim có chạm khắc hoa văn tinh xảo của Canh Hoạch đã trở thành “thương hiệu” trong giới chơi chim. Để làng nghề phát triển bền vững, xã Dân Hòa đang quan tâm phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường “xanh, sạch, đẹp”.

Mai Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *